| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thứ Tư 18/03/2020 , 08:54 (GMT+7)

Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến các lĩnh vực đời sống, kinh tế của TP.HCM, đặc biệt tác động đến các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM.

Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Doanh nghiệp gặp khó

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hiện trên địa bàn TP.HCM có 1.099 doanh nghiệp Du lịch, tuy nhiên khi dịch Covid-19 xảy ra khiến cho khách du lịch sụt giảm. Theo báo cáo của 50 doanh nghiệp lữ hành thì trong 2 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 70%, khách Việt Nam đi nước ngoài giảm 61%, khách nội địa giảm 63%.

Còn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu, công nghệ hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang phải trả mức lãi vay ngân hàng khá cao (6,5%/năm cho vay ngắn hạn và 9%/năm cho vay trung hạn).

Mặt khác, thuế, BHXH, BH thất nghiệp, BHYT cũng khá cao so với tình hình hiện nay. Đặc biệt, cao su, nhựa 80% nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, 70-75% các sản phẩm da nhập khẩu từ Trung Quốc…

Do đó các doanh nghiệp phải tìm nguồn cung mới bù đắp sự thiếu hụt từ nguồn cung Trung Quốc, đẩy giá nguyên phụ liệu tăng mạnh, ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp đã ký kết trước khi dịch Covid-19 diễn ra.

Riêng Liên hiệp HTX Thương Mại TP.HCM (Saigon Co.op) cũng đã gặp nhiều khó khăn do vấn đề sức mua sụt giảm nhưng các chi phí để duy trì ổn định hoạt động bán lẻ lại tăng như chi phí lao động, vận chuyển hàng hóa, môi trường… kể cả việc gia tăng lượng hàng tồn kho trên toàn hệ thống đối với các mặt hàng thiết yếu nhằm đủ sức ứng phó với các tình huống xấu hơn khi dịch bệnh bùng phát.

Kiến nghị tháo gỡ

Trước tình hình đó, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM một số chính sách.

Cụ thể, giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu) của các DN, đơn vị hoạt động trên các lĩnh vực du lịch; nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa; DN ứng dụng công nghệ cao; kinh doanh thương mại và đề xuất lùi thời gian nộp thuế sang quý 3 hoặc quý 4/2020.

Hỗ trợ miễn, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, giảm 50% thuế thu nhập DN, giảm 50% thuế nhập khẩu; giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực du lịch trên cơ sở đánh giá thiệt hại của dịch bệnh.

Cho phép TP tham gia gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng đã được Chính phủ phê duyệt và đang giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai. Giãn thời gian trả nợ đến hạn cho DN và không để DN rơi vào nhóm nợ xấu; thực hiện vay lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất vay đối với các DN hoạt động các lĩnh vực nêu trên.

Mặt khác, đề nghị Ngân hàng Nhà nước quan tâm chỉ đạo các chi nhánh tỉnh, TP của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có Chi nhánh TP.HCM khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN, đặc biệt với các DN lĩnh vực du lịch; hỗ trợ DN bằng hình thức cho vay với lãi suất ưu đãi giảm từ 30% trở lên so với lãi suất cho vay theo quy định thông thường.

Giãn thời gian nộp BHXH cho người lao động hiện đang làm việc tại các DN thuộc các lĩnh vực nêu trên do các DN đang gặp khó khăn về tài chính và tình hình biến động nhân sự; giảm 50% BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho các DN.

Xem xét, hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm 2020 - 2021; đồng thời hoãn nộp tiền thuê đất (miễn lãi suất) sang đầu năm 2021.

UBND TP cũng đề xuất Tổng Công ty Hàng không Việt Nam có chính sách phù hợp và linh hoạt trong kinh doanh mạng bay.

Cụ thể, sớm có thông tin chính thức về việc tiếp tục hoặc ngừng các chuyến bay đến Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia đang có bùng phát dịch nhanh chóng. Cũng như hỗ trợ cho các DN lữ hành dời vé đi các chặng bay khứ hồi giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Nhật Bản trong 2 tuần cuối tháng 2/2020 từ 6 đến 12 tháng trong trường hợp khách dời tour sang thời gian khác.

Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Công Thương bãi bỏ quy định giờ cao điểm bán điện theo khung giờ (9 giờ 30 đến 11 giờ 30). Trước mắt, điều chỉnh giảm 50% giá điện giờ cao điểm trong các tháng 3, 4 và 5 năm 2020.

Khi hết dịch bệnh Covid-19, đề xuất Chính phủ xem xét, mở rộng đối tượng được miễn thị thực cho các thị trường Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Canada, Áo, Hà Lan… và tiếp tục thực hiện việc cấp thị thực điện tử, thị thực tại cửa khẩu nhằm giúp các DN mở rộng được thị trường mới, trong bối cảnh các thị trường truyền thống đang bị ngưng trệ.

Đồng thời, có chính sách miễn lệ phí visa hoặc cấp visa điện tử dành cho các thị trường khách trọng điểm, thị trường khách tiềm năng có mức chi tiêu cao. Năm 2020, Việt Nam là chủ tịch khối ASEAN nên kiến nghị tăng cường liên kết với các nước trong khối ASEAN xây dựng chính sách visa nhiều quốc gia một điểm đến.

UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan làm việc với chính quyền các địa phương của Trung Quốc trong việc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong việc phòng ngừa dịch bệnh để đảm bảo nguồn nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào sản xuất cho các DN công nghiệp trong nước.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.