| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM phải có những sản phẩm nông nghiệp đột phá

Thứ Năm 05/01/2023 , 12:12 (GMT+7)

TP.HCM cần phải có những sản phẩm đột phá, ý tưởng phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, tạo ra sản phẩm có giá trị ngày càng cao hơn, với thị trường rộng mở...

Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của Sở NN-PTNT TP.HCM.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan và Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp của TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan và Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp của TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Để dành đất nông nghiệp

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, Thành phố (TP) chưa có định hướng rõ ràng phát triển nông nghiệp trong tương lai. Vì TP càng phát triển thì coi chừng không còn nông nghiệp. Đất không đẻ ra được, nhưng coi chừng phát triển đô thị sẽ chiếm hết đất. 

"TP.HCM cơ cấu kinh tế hiện đại, dịch vụ chủ yếu nhưng không thể không có công nghiệp và nông nghiệp, không thể không có sản xuất. Thành phố mà không có sản xuất là không ổn. Thương hiệu của Thành phố là có chất lượng sống tốt, có môi trường sinh thái thuận lợi, có sông, có nước, có rừng, có đường không, đường sông, đường bộ, đường sắt, các trung tâm giao thông đầu mối nằm ngay vùng lõi của Thành phố", ông Võ Văn Hoan nhận định.

Do đó, lãnh đạo UBND TP.HCM đặt yêu cầu phải định hình lại nông nghiệp của Thành phố. Muốn thế, ngành nông nghiệp phải cùng với TP, quận huyện góp cho được đề án đầu tư xây dựng huyện thành vệ tinh của TP, phải dành những vùng nông thôn, khu vực phát triển kinh tế nông nghiệp, vùng xanh, vừng đệm rừng để phát triển tương lai. 

“Sở phải giúp cho TP và giúp các địa phương "để dành đất" để phát triển trong tương lai, nơi đó là nơi người ta về nghỉ dưỡng, thăm thú, nghỉ ngơi vui chơi giải trí… Các đồng chí phải giúp TP định hình kinh tế nông nghiệp vùng nông thôn của TP. Phát triển đô thị làm sao có độ co giãn giữa các cụm đô thị khác nhau, có các không gian rộng lớn để phát triển các hạ tầng công cộng phục vụ trong tương lai", ông Hoan nói.

Ông Nguyễn Đăng Quân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM giới thiệu vacxin phòng bệnh cho cá tra với lãnh đạo TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Nguyễn Đăng Quân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM giới thiệu vacxin phòng bệnh cho cá tra với lãnh đạo TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đánh giá, TP.HCM là Thành phố có cơ cấu kinh tế hiện đại, nông nghiệp TP.HCM chiếm tỷ trọng thấp, chỉ khoảng 0,6%. Nhưng, với sự nỗ lực của lãnh đạo Sở, đơn vị, địa phương và nông dân, doanh nghiệp, ngành nông nghiệp TP.HCM đã có sự tiến bộ, phục hồi nhanh, các chỉ tiêu phát triển cơ bản đều tăng, trong khi 2021 đều giảm sâu. GRDP ngành nông nghiệp là 3,74% tăng trưởng dương, đóng góp một phần quan trọng cho GRDP toànTP. Các ngành nông, ngư, lâm, trồng trọt, thủy hải sản đều tăng.

“Ngành nông nghiệp Thành phố tăng chưa như mong đợi, chưa có sự đột phá. Nếu không nhìn nhận một cách đầy đủ, không có giải pháp khác hơn thì trong tương lai ngành nông nghiệp của TP tăng trưởng đều, từ từ, không có nét riêng của nền nông nghiệp đô thị đặc biệt”, ông Hoan nhận định.

Do đó, ông Hoan đề nghị cần giải quyết bài toán để tạo ra đột phá. Không thể đột phá chỉ bằng vốn, đất. "TP.HCM không thiếu vốn, nhưng chưa có người đầu tư vào nông nghiệp quy mô lớn. Nông dân cứ làm theo nguồn lực mình có, không kết hợp để tạo quy mô lớn, sức mạnh lớn thì khi thị trường biến động họ sẽ không xoay sở, không phát triển tốt được", ông Hoan nói.

Theo ông Hoan, TP.HCM cần phải có những sản phẩm đột phá, ý tưởng phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại; tạo ra sản phẩm có giá trị ngày càng cao hơn, thị trường ngày càng rộng mở, phải xem lại cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh hợp lý, cách thức tổ chức quản lý, quảng bá, nâng cao giá trị.

Đạt 6/12 chỉ tiêu của ngành nông nghiệp

Phân tích về các chỉ tiêu của ngành nông nghiệp TP.HCM trong năm 2022, ông Hoan cho rằng, toàn ngành đã có sự nỗ lực đề hoàn thành 18/22 đề án. Tuy nhiên, trong số 22 chỉ tiêu của toàn ngành nông nghiệp, TP.HCM mới chỉ đạt 6 chỉ tiêu. "Nếu không nhìn ra được nguyên nhân, tại sao những chỉ tiêu đó không hoàn thành, thì sẽ không thể có giải pháp, không có đổi mới sáng tạo, mang tính đột phá thì những năm sau cũng vậy. 

Công tác của ngành nông nghiệp TP chính là xây dựng chính sách định hướng, tổ chức các hoạt động để hỗ trợ nông dân làm nông nghiệp, qua đó huy động nguồn lực của xã hội, của doanh nghiệp, của nông dân để phát triển trong tương lai", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Ông Hoan đề nghị, lãnh đạo Sở NN-PTNT TP.HCM tập trung cụ thể hóa các chương trình đề án của chương trình phát triển giống cây giống con, nông nghiệp công nghệ cao TP đã được ban hành. Cái gì chưa đưa ra được quyết sách thì phải trình sớm; cái nào đã ban hành thì phải tìm cách cụ thể hóa, “tránh làm kỹ, nghiên cứu sâu nhưng tổ chức thực hiện thì không ai làm được”.

"Vẫn còn cơ hội để các đồng chí tính toán và bắt đầu từ năm 2023, các chỉ tiêu của ngành nông nghiệp cần phải cập nhật bổ sung, nghiên cứu lại gắn các chỉ tiêu của ngành hàng năm với chỉ tiêu chung của Chương trình 28 nông nghiệp – nông dân – nông thôn của TP.HCM. Điều quan trọng, mỗi 1 chỉ tiêu nên có 1 bộ phận nghiên cứu đánh giá, cập nhật phân tích nghiên cứu để đạt, có giải pháp cụ thể", ông Hoan gợi mở.

Chọn 10 sản phẩm thương hiệu của TP.HCM

Xoay quanh hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp, ông Hoan cho rằng, chưa tạo ra được sự kết nối chặt chẽ, làm có làm nhưng chưa gắn liền các doanh nghiệp, các ngành để tạo ra thế tương trợ nhau để cùng phát triển.

"Quan trọng của doanh nghiệp là thị trường, nhất là sản phẩm nông nghiệp mới, sản phẩm xanh sạch, công nghệ cao không dễ bước vào thị trường. Nên xây dựng thương hiệu. Ví dụ sản phẩm thương hiệu vàng trong nông nghiệp. Tránh làm phong trào. Muốn lễ hội hoa lan trở thành thương hiệu thì phải nghiên cứu tổ chức, quảng bá chất lượng, phải làm thường niên dù bất cứ hoàn cảnh nào. Tổ chức quy mô, chất lượng, đa dạng hơn, đặc biệt gắn với hoạt động của địa phương. Thương hiệu còn giúp các sản phẩm bên trong tự nâng giá trị”, ông Hoan nói.

Đối với các sản phẩm OCOP, ông Hoan cũng cho rằng, hiện nay chưa có nhiều cơ hội đưa các sản phẩm OCOP TP.HCM ra thị trường. Vì vậy, Sở NN-PTNT TP.HCM cùng các đơn vị liên quan rà soát chọn 10 sản phẩm thương hiệu của TP.HCM để lãnh đạo Thành phố có thể làm quà cho khách quốc tế, khách ở địa phương khác, là món mà chúng tôi phải đãi khách.

Bộ sản phẩm quà tặng cà phê của Meet More. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bộ sản phẩm quà tặng cà phê của Meet More. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“TP.HCM cái gì cũng có, nhưng không có cái nào của riêng TP.HCM. Chính quyền, cơ quan tổ chức TP phải là người tiêu thụ các sản phẩm OCOP trước. Đề nghị xây dựng tiêu chí chọn 10 sản phẩm nông nghiệp thương hiệu của TP.HCM, chúng tôi sẽ đưa các sản phẩm của TP vào phòng họp của UBND và các cơ quan thay vì các sản phẩm của các nơi khác.

Có thể mình cạnh tranh không bằng người khác, nhưng mình tiếp cận họ, học hỏi và lớn lên. Trước hết nhà nước phải là nhà tiêu dùng lớn nhất trong xã hội, tại sao không giúp các doanh nghiệp, OCOP từng bước từng bước lên.

Ông Hoan cũng đề nghị hỗ trợ nông dân nghiên cứu khoa học, nâng cao nhận thức, biết phương pháp làm việc, biết xây dựng đề án để thoát khỏi kiểu quản lý cũ. Khơi gợi để các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, sản phẩm OCOP hoặc doanh nghiệp bên ngoài muốn đầu tư vào nông nghiệp nghiên cứu lập ra một danh mục Đề án nghiên cứu khoa học ứng dụng để tạo ra sản phẩm.

Về chuyển đổi số, ông Hoan yêu cầu xây dựng những mô hình chuyển đổi số, ứng dụng CNTT chuẩn để người nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp công nghệ, dịch vụ, công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp để giúp họ có cách tiếp cận nhiều người hơn, kết nối thị trường.

Năm 2022, GRDP nông lâm thuỷ sản TP.HCM ước đạt 8.390 tỷ đồng, tăng 3,74% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp TP.HCM đạt 19.035 tỷ đồng, tăng 3,78% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất bình quân trên ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 570 triệu đồng/ha, tăng 14,5% so cùng kỳ.

Xem thêm
Thời của tôm sú?

Theo số liệu của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA), Trung Quốc, Việt Nam là hai quốc gia sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, với sản lượng mỗi nước khoảng 150.000 tấn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

‘Con tôm ôm Thụy Hương 308’ cùng phát triển bền vững

Giống lúa lai ba dòng Thụy Hương 308 đem đến năng suất vượt trội, khả năng chống chịu phù hợp với mô hình luân canh lúa - tôm trên những cánh đồng mặn xâm nhập.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.