Tại buổi Hội thảo "Giải pháp phát triển mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn TP.HCM 2022" sáng 27/5, TS Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, TP.HCM là tỉnh thành cuối cùng của Việt Nam có các sản phẩm OCOP, hầu như các tỉnh thành khác từ sau năm 2019 đã có các sản phẩm OCOP, thậm chí có địa phương có hàng ngàn sản phẩm OCOP.
"Đến nay, TP.HCM mới chỉ có 28 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm đạt 3 sao, 21 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm “Bột rau má có đường” của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt được đề xuất Trung ương xếp hạng 5 sao", ông Hiệp cho hay.
Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM dẫn lại câu nói của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng nói với ông: “Xưa giờ bà con nông dân mình gặp nhau chỉ hỏi độ rày làm ăn được bao nhiêu, chứ không hỏi mùa này lời được nhiêu?”. Nghĩa là "chúng ta không làm sản xuất nông nghiệp mà phải chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp".
Ông Hiệp cũng cho biết, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan rất quan tâm đến TP.HCM, bởi TP.HCM hội tụ đủ rất nhiều điều kiện để phát triển các sản phẩm OCOP theo phương thức đem lại giá trị đằng sau đó. “Nếu chúng ta gắn chặt OCOP với sản phẩm của mình thì đây là một minh chứng của nhà nước, bảo chứng cho chất lượng của sản phẩm”.
Theo ông Hiệp, để tất cả các sản phẩm OCOP của TP.HCM có thể phát triển xa hơn trong thời gian tới, Sở NN-PTNT TP.HCM đang phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND TP.HCM ban hành chính sách kích cầu đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có kích cầu đầu tư phát triển sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2022-2025, nhằm đưa ra chính sách hỗ trợ lãi vay của Thành phố đối với tất cả các chủ thể trong và ngoài thành phố khi tham gia vay vốn từ tổ chức tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn tại TP.HCM.
Đồng thời, làm việc với các hệ thống siêu thị để có khuôn viên riêng dành cho các sản phẩm OCOP; làm việc với các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ, khu vực Tây Nguyên kích cầu du lịch, qua đó giới thiệu các phẩm OCOP của TP.HCM với du khách. "Mong muốn đồng hành với tất cả các cấp hội, địa phương để làm sao TP.HCM có nhiều sản phẩm OCOP chất lượng hơn, thiết thực hơn, tạo lợi nhuận từ chính sản phẩm của địa phương", ông Đinh Minh Hiệp nói.
Tương tự Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM Nguyễn Thanh Xuân cũng nhận định, sản phẩm OCOP của TP.HCM đi chậm hơn so với các địa phương khác, nhưng đi chắc. Mục tiêu năm 2022, Thành phố tổ chức đánh giá, công nhận cho 41 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó 22 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và 19 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao. "Nền tảng phát triển sản phẩm OCOP phải bền vững, không làm theo phong trào. Quá trình thực hiện, cần hỗ trợ thêm giúp sản phẩm tạo yếu tố bền vững, hiệu quả sản phẩm là quan trọng", bà Xuân nói.
Bà Xuân cho rằng, giải pháp truyền thông là một trong những yếu tố quan trọng, để lan tỏa cho nhiều người hiểu xây dựng sản phẩm OCOP có giá trị, cơ chế chính sách hỗ trợ, bảo vệ… lan tỏa từng địa bàn, thị trấn.
Là đơn vị duy nhất của TP.HCM được đề cử cấp OCOP 5 sao cho sản phẩm Bột rau má uống liền, bà Nguyễn Ngọc Hương, Phó Giám đốc Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt cho biết, chương trình chứng nhận OCOP là một trong những chứng nhận rất uy tín và quan trọng cho các sản phẩm tại địa phương nói chung và nhất là các sản phẩm về nông nghiệp.
"Do là năm đầu tiên TP.HCM triển khai chương trình nên nhìn chung các doanh nghiệp còn khá bỡ ngỡ với những tiêu chí và tiêu chuẩn để được đánh giá", bà Hương nhận định.
Theo bà Hương, để sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, hồ sơ cần đầy đủ các thành phần như yêu cầu của tiêu chuẩn đặt ra; sản phẩm phải có câu chuyện, phải chứng minh được xuất xứ, chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất; bao bì, nhãn mác sản phẩm phải đẹp, bắt mắt phù hợp với xu hướng, yêu cầu của người tiêu dùng; về giá trị của sản phẩm, phải tính toán được nguồn thu đã và đang mang về từ sản phẩm, dự kiến những năm sau; sản phẩm đạt các tiêu chí để xuất khẩu cũng là 1 điểm cộng rất quan trong trong quá trình đánh giá; áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo trong quá trình sản xuất...