| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM: Phẫu thuật thành công thai trong thai hiếm gặp

Thứ Ba 23/02/2021 , 18:11 (GMT+7)

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) vừa phẫu thuật thành công cho bé sơ sinh một ngày tuổi có khối u ổ bụng 'thai trong thai' gây nguy hiểm cực hiếm gặp.

Hình mang tính minh họa.

Hình mang tính minh họa.

Bé gái chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ sinh non ở tuần 36 thai kỳ, cân nặng 3.4kg. Sau sinh 1 ngày, bụng bé trướng căng, suy hô hấp được đặt nội khí quản và chuyển sang Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Trước đó, qua theo dõi siêu âm tiền sản, bác sĩ  khoa Sản phát hiện khối u vùng bụng thai nhi với nhiều thành phần chưa rõ bản chất, tăng nhanh về kích thước.

Qua thăm khám, CT-scan bụng, bác sĩ Mai Tấn Liên Bang, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2, ghi nhận khối u choáng chỗ lớn trong ổ bụng, bên trong có cấu trúc mô đặc, dịch, mô mỡ, và nhiều cấu trúc dạng xương ống và xương dẹt, nhiều mạch máu nuôi xuất phát từ động mạch mạc treo tràng và dẫn lưu về tĩnh mạch gan.

Do khối u quá to gây tình trạng suy hô hấp, nên ekip phẫu thuật ung bướu Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã chỉ định cho bé phẫu thuật cấp cứu.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ ghi nhận khối u chiếm gần hết ổ bụng, nằm phía dưới gan, mạch máu nuôi xuất phát từ mạch máu dạ dày, u có dạng bào thai, với cấu trúc túi chứa dịch nằm cạnh khối này tương tự túi ối, cùng với nhiều cấu trúc xương trưởng thành như xương vai và xương ống, xương cột sống không hoàn chỉnh lắm, tuy nhiên hình dạng các chi trưởng thành khá rõ.

Sau 1 giờ 30 phút, ca phẫu thuật thành công, tình trạng hô hấp của bé được cải thiện rõ rệt, bé được chuyển sang khu hồi sức sơ sinh an toàn.

Theo Th.S-BS Nguyễn Thanh Trúc, khối u ổ bụng này không thể phân biệt với thai trong thai, do các thành phần mô trưởng thành rất rõ rệt tương tự một cơ thể thai nhi khác trong bụng bé. “Bệnh nhi cần được theo dõi sát như một trường hợp u quái, mặc dù trẻ được chẩn đoán sau phẫu thuật là thai trong thai do nguy cơ hóa ác sau này nếu có sự nhầm lẫn về mô học”, bác sĩ Thanh Trúc nói.

Sau mổ, bệnh nhi trong tình trạng khoẻ và đã xuất viện. Tuy nhiên, bé sẽ được tiếp tục theo dõi để tránh nguy cơ bỏ sót bệnh lý ác tính sau này.

Thai trong thai là một bất thường sinh sản, khối mô giống như một bào thai hình thành bên trong cơ thể. Thai trong thai có thể là một thai nhi ký sinh đang phát triển trong vật chủ sinh đôi của nó. Vào một thời điểm rất sớm trong một thai kỳ sinh đôi đơn nhân, trong đó cả hai thai nhi đều có chung một nhau thai, một bào thai quấn quanh và bao bọc bào thai kia.

Thai sinh đôi được bao bọc trở thành một vật thể ký sinh, tại đó sự sống sót của nó phụ thuộc vào sự sống sót của bào thai ngoài sinh đôi, bằng cách sống dựa vào nguồn cung cấp máu của bào thai sinh đôi. Các sinh đôi ký sinh này là anencephalic (không có não) và thiếu một số cơ quan nội tạng, do đó nó không thể tồn tại độc lập.

Đây không phải là tình trạng nguy hiểm chết người, nhưng thai ký sinh có thể phát triển đủ lớn để gây biến chứng cho thai chủ. Khoảng 90% trường hợp thai trong thai được phát hiện khi bé còn nhỏ và được phẫu thuật trước khi gây biến chứng. Khi thai ký sinh được lấy ra, dù ở độ tuổi nào, thai chủ sẽ hồi phục bình thường.

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.