Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban BQL ATTP TP.HCM cho biết, mùa Tết sắp tới, Ban ATTP sẽ tập trung vào công tác chống thực phẩm bẩn.
Nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm (chả lụa) không rõ nguồn gốc được BQL ATTP TP.HCM phát hiện và xử lý trong tháng 8/2018. (Ảnh: Phương Chi) |
“Các đội quản lý ATTP tại các quận, huyện đã được giao kế hoạch thanh kiểm tra ATTP. Ở thời điểm cận Tết, chúng tôi sẽ tập trung nhiều ở các kho lạnh, bởi đây là địa điểm tập kết các loại thịt động vật. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất bánh mứt, thực phẩm, bia, nước, giải khát…; tập trung nhiều đến khâu lưu thông phân phối. Năm nay, lực lượng ra quân sẽ nhiều hơn, đông hơn mọi năm”, bà Lan chia sẻ.
Bà Lan cũng cho biết, hằng năm, Ban cũng đã bắt được số lượng lớn những loại thịt không rõ nguồn gốc, không bảo đảm ATTP. “Những đối tượng này mua sản phẩm trôi nổi, sau đó cho phụ gia vào để đánh lừa người tiêu dùng, liều lượng phụ gia họ sử dụng như thế nào không ai biết. Vì thế, Ban sẽ làm quyết liệt, ngay cả người tiêu dùng, nếu có phát hiện thì có thể báo cho các đội quản lý ATTP tại các quận huyện để kịp thời xử lý”.
Năm 2018, BQL ATTP TP.HCM đã tăng cường kinh phí rất lớn để kiểm nghiệm các sản phẩm, đặc biệt là bằng test nhanh đối với các sản phẩm tươi sống để tạm thời kết luận có an toàn hay không?
Theo báo cáo của BQL ATTP TP.HCM, từ năm 2017 đến 2018, thành phố đã thanh tra kiểm tra 85.375 cơ sở, trường hợp; phát hiện vi phạm 21.697 cơ sở, trường hợp; tiến hành xử phạt 7.320 cơ sở với tổng số tiền trên 51,5 tỷ đồng, thu hồi/tiêu hủy 90.395 kg sản phẩm thực phẩm, 7.211 kg hóa chất, 28.470 con gia súc, gia cầm, 4.623 quả trứng gia cầm và 298.818 đơn vị sản phẩm (chai/hộp/viên) thực phẩm khác không đảm bảo chất lượng.
Qua kiểm tra, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm vẫn còn vi phạm về điều kiện vệ sinh do khu vực sản xuất, chế biến xuống cấp, một số cơ sở có bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn chưa chấp hành các quy định đảm bảo ATTP.
Xử phạt vi phạm hành chính người vận chuyển thịt heo không đảm bảo điều kiện vận chuyển thực phẩm. (Ảnh: Phương Chi) |
Theo bà Lan, thời gian tới BQL ATTP TP.HCM cũng sẽ phối hợp với các quận huyện tăng cường kiểm soát việc nấu rượu thủ công ở hộ gia đình, bởi nhiều người lợi dụng thời điểm cao điểm để sử dụng men Trung Quốc hay pha cồn vào rượu hòng đem lại sản lượng lớn để tiêu thụ ra thị trường.
“Đây là một quá trình xuyên suốt, phải làm thường xuyên. Năm 2017-2018, BQL ATTP TP.HCM xử phạt trung bình là 10 triệu đồng/vụ. Đối với các hệ thống kiểm tra liên ngành của quận huyện, con số xử phạt là khoảng 7 triệu đồng/vụ. Như vậy, TP.HCM so với mặt bằng chung của cả nước thì xử phạt rất nghiêm ngặt, nhưng vẫn còn nhỏ so với những vi phạm. Chúng ta còn phải cố gắng, nỗ lực nhiều. Với sự ra đời của Nghị định 115, các mức xử phạt tăng lên rất nhiều, như vậy sẽ có tính răn đe hơn. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra trách nhiệm đối với đội ngũ thanh tra. Hy vọng, chúng ta sẽ có một cái Tết bình yên”, bà Lan nói.
BQL ATTP TP.HCM được thí điểm thành lập ngày 5/12/2016. Mục tiêu mà BQL ATTP TP.HCM đặt ra không chỉ là xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm mà còn cương quyết chống thực phẩm bẩn trên toàn thành phố bằng cách thiết lập và tăng cường hiệu quả hệ thống thanh tra, hệ thống kiểm nghiệm hàng rào kỹ thuật. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông để nâng cao ý thức về ATTP cho mỗi người dân. “Mục tiêu hàng đầu của BQL ATTP TP.HCM là làm sao để người dân thành phố cảm thấy an toàn và an tâm khi sử dụng thực phẩm”, bà Phong Lan nhấn mạnh. |