| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM và Tây Nguyên 'không thể thiếu nhau' trong phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Năm 04/04/2024 , 15:29 (GMT+7)

Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên nhằm tận dụng lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng, đóng góp vào sự phát triển bền vững.

Lãnh đạo TP.HCM và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên chủ trì hội nghị sơ kết. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Lãnh đạo TP.HCM và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên chủ trì hội nghị sơ kết. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hợp tác 5 lĩnh vực trọng tâm

Ngày 4/4, TP.HCM phối hợp 5 tỉnh vùng Tây Nguyên tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện thoản thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2023 và triển khai kế hoạch hợp tác năm 2024.

Vùng Tây Nguyên và TP.HCM có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Hợp tác kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh Vùng Tây Nguyên đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của cả hai vùng. Qua đó, tận dụng lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng, đã tạo ra sự đồng bộ và tương đồng phát triển, đóng góp vào sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong năm 2023, lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên đã chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư triển khai thực hiện các nội dung theo bản thỏa thuận hợp tác nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thắt chặt mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các địa phương trên các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; phát triển du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, năng lượng… đến nay đã có nhiều sự kiện đã diễn ra và nhiều công trình, nội dung được thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhìn nhận, trong thời gian qua, việc triển khai các kế hoạch hợp tác giữa TP.HCM và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên đã đạt kết quả khả quan, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm chưa đạt và cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa để phát huy thế mạnh của từng địa phương, nắm tay cùng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Ông Hoan cho rằng, việc hợp tác này không chỉ nhằm phát triển về kinh tế mà còn phải gắn chặt với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường. Đây là xu thế phát triển bền vững trong tương lai. Trong đó, vai trò chủ động của các địa phương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định thành công của sự hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên.

“Đến bây giờ, chúng ta nghĩ và tin chắc rằng, chúng ta không thể “sống thiếu nhau được”. TP.HCM có phát triển cũng không thể thiếu các tỉnh, các bạn vừa là thị trường, vừa là nguồn nhân lực, vùng nguyên liệu cho sự phát triển của thành phố. Sự phát triển của các địa phương đều có sự liên hệ chặt chẽ, sự hỗ trợ lẫn nhau thì mới có thể tồn tại và phát triển. Tây Nguyên rất quan trọng đối với sự phát triển của thành phố”, ông Hoan nhấn mạnh.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các cơ quan, sở, ban, ngành, trường, viện nghiên cứu của TP.HCM, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các cơ quan, sở, ban, ngành, trường, viện nghiên cứu của TP.HCM, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hợp tác phát triển bền vững

Tại hội nghị, lãnh đạo của 5 tỉnh Tây Nguyên bày tỏ mong muốn mời gọi doanh nghiệp tại TP.HCM đến 5 tỉnh tìm hiểu, kết nối, mở rộng thị trường, thúc đẩy kinh doanh, tạo thêm nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2023 được thống nhất vào ngày 24/8/2023 tại tỉnh Đăk Nông bước đầu đã cho những kết quả đáng khích lệ.

"Qua việc hợp tác đã giúp kết nối thành công với các nhà phân phối để cung ứng tiêu thụ sản phẩm và đưa sản phẩm của tỉnh Kon Tum vào các siêu thị của TP.HCM để tiêu thụ. 

Ngoài ra, 2 địa phương cũng kết nối, trao đổi hợp tác ở lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được mở rộng. TP.HCM và Đăk Nông đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp", ông Sâm nói và cho biết thêm, TP.HCM đã và đang hỗ trợ tỉnh các điều kiện cần thiết trong quá trình chuẩn bị tổ chức Lễ hội “Festival Sâm Ngọc Linh - Kon Tum lần I năm 2024.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đánh giá, việc triển khai bản thỏa thuận hợp tác nói chung và kế hoạch hợp tác năm 2023 nói riêng bước đầu đã đặt nền móng tích cực cho việc mở rộng quan hệ hợp tác, đầu tư giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. "Đây sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp của thành phố và các tỉnh Tây Nguyên chủ động khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư trong bối cảnh mới", ông Văn nói.

Theo ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, trong năm 2024, tỉnh Đắk Nông sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND TP.HCM chỉ đạo tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm thường xuyên kết nối cầu thực hiện xúc tiến đầu tư - thương mại mà các bên có lợi thế. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực đối với các lĩnh vực tỉnh Đắk Nông đang còn thiếu; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội tại các địa bàn khó khăn, biên giới của tỉnh Đắk Nông; Hợp tác kiểm tra, kiểm soát, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa của 2 địa phương; hỗ trợ chuyển đổi số,...

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, việc hợp tác không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, xã hội thúc đẩy, giáo dục tăng trưởng, sức khỏe tăng cường… mà còn giúp nguồn nhân lực dồi dào hơn. Qua gần 6 tháng chính thức hợp tác, sẽ là cơ sở vững chắc để tiếp tục thực hiện các thỏa thuận hợp tác của 6 địa phương trong thời gian tới.

Ông Võ Văn Hoan cho rằng, với 32 đầu việc đã được thỏa thuận trong thời gian qua, cần tiếp tục làm tốt, làm hiệu quả. Trong đó, TP.HCM sẽ giữ vai trò chủ động trong việc liên kết, hỗ trợ cho các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Dịp này, trao biên bản hợp tác giữa 5 bệnh viện của TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên; giữa 4 quận của TP.HCM và 5 huyện của 5 tỉnh vùng Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Dịp này, trao biên bản hợp tác giữa 5 bệnh viện của TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên; giữa 4 quận của TP.HCM và 5 huyện của 5 tỉnh vùng Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đề nghị, trong năm 2024, các bên cần tập trung thực hiện các hoạt động cấp vùng, các lễ hội cấp vùng.

Ông Hoan yêu cầu các sở, ngành thành phố cần liên kết với các tỉnh để cụ thể hóa bằng kế hoạch hỗ trợ cho từng tỉnh, trình UBND TP xem xét ngay trong tháng 6 tới. Trong đó, chú ý đến việc gắn với các vấn đề kinh tế, kết nối du lịch, giải quyết các vấn đề xã hội… Đồng thời, thành phố sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành xây dựng thương hiệu OCOP, bảo quản sản phẩm, tạo điều kiện gặp gỡ đối tác trong và ngoài nước để phát triển thế mạnh sản phẩm của từng địa phương…

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chinh phục thị trường châu Âu

CZECH Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Czech để cùng phát triển ngành hóa chất, phân bón và nông nghiệp.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.