Theo ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, nhằm cung cấp các sản phẩm con giống sạch bệnh, động vật giết mổ làm thực phẩm cho người dân, đơn vị phối hợp chính quyền địa phương định kỳ triển khai công tác giám sát dịch bệnh động vật các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây thiệt hại kinh tế lớn cho ngành chăn nuôi. Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra việc sử dụng các chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi, nhằm phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm.
Nhiều năm qua, TP.HCM tập trung xây dựng và được công nhận vùng an toàn dịch đối với bệnh dại trên chó, mèo và bệnh cúm gia cầm. Đến nay, thành phố cũng đã có 20 xã an toàn dịch đối với bệnh lở mồm long móng, 11 xã an toàn dịch đối với bệnh dịch tả heo cổ điển.
Cũng theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, trên địa bàn có 30 cơ sở chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh động vật. trong đó, có 27 cơ sở an toàn dịch đối với bệnh lở mồm long móng, 22 cơ sở an toàn dịch đối với bệnh dịch tả heo và 13 cơ sở an toàn dịch đối với bệnh dịch tả heo Châu Phi.
"TP.HCM cũng có 40 cơ sở chăn nuôi bò an toàn dịch đối với bệnh lở mồm long móng, 6 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch đối với bệnh cúm gia cầm. Việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, góp phần rất lớn cho phát triển chăn nuôi bền vững, cung cấp con giống chất lượng, an toàn dịch bệnh. Qua đó, cung cấp sản phẩm động vật đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng", ông Bảo nhận định.