Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, thời gian gần đây do chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn đã tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh, gây thiệt hại 197,9 triệu con tôm sú (chiếm 13,2%) với diện tích 688ha và 914,7 triệu con tôm thẻ chân trắng (chiếm 16%) với diện tích 1.265ha. Tôm chết chủ yếu ở giai đoạn 20 – 40 ngày tuổi, do bệnh đốm trắng, đỏ thân và phân trắng.
Ông Trần Quốc Việt, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh cho biết: Qua thực hiện lấy 104 mẫu giám sát ngoài môi trường tại các kênh đầu nguồn và ngoài sông có 43% mẫu mang mầm bệnh đốm trắng, còn trong vùng nuôi có 44% mẫu mang mầm bệnh đốm trắng.
Từ ngày 26-27/10/2022, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Trà Vinh phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức 3 buổi tọa đàm về phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi mùa vụ 2022 tại huyện Cầu Ngang, huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Mỗi cuộc tọa đàm có khoảng 50 lượt nông dân tham dự.
Buổi tọa đàm xoay quanh những nội dung về an toàn môi trường, dịch bệnh trong nuôi tôm, các văn bản pháp luật quy định phòng chống dịch bệnh động vật thuỷ sản. Cụ thể, các diễn giả đã hướng dẫn nông dân tuân thủ quy định về điều kiện cơ sở nuôi, xử lý nước thải mùa vụ thả giống, chất lượng con giống được kiểm dịch, áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP. Đồng thời, áp dụng quy trình chống dịch xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y. Đặc biệt là xem xét vacxin để chủ động phòng bệnh cho tôm, giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh, ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc trong quá trình nuôi.
Theo PGS.TS Trương Quốc Phú, công tác tại Khoa thuỷ sản (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: Bệnh đốm trắng là một trong các bệnh thường gặp trong nuôi tôm, sẽ xảy ra quanh năm khi thời tiết bất lợi. Để phòng bệnh đốm trắng cần phòng vi khuẩn, viêm đường ruột, quản lý môi trường ao nuôi.
Qua đó, các diễn giả cũng khuyến cáo người nuôi cần theo dõi thời tiết, dự báo thời tiết khi xảy ra bất thường, hạn chế thả nuôi. Trong quá trình thả giống, cần xét nghiệm các bệnh thường gặp trên tôm, khi xảy ra bệnh cần thực hiện tổng hợp các giải pháp, trong đó có hạn chế cho tôm ăn. Đồng thời, tiến hành xử lý ao nuôi (nguồn nước) và cung cấp các loại vitamin. Về độ mặn trong ao nuôi tôm tốt nhất là 15 - 20‰, khi đó tôm sẽ phát triển tốt.
Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, trong điều kiện dịch bệnh trên tôm đang diễn biến phức tạp, ngành NN-PTNT tuyên truyền người dân tạm ngưng thả giống tôm sú, tôm thẻ, tập trung cải tạo ao hồ chuẩn bị cho vụ nuôi 2022 – 2023 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng tiếp tục theo dõi diễn tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi để hướng dẫn bà con nông dân cách phòng trị đạt hiệu quả trong mùa mưa, bão. Đồng thời, thực hiện tốt quan trắc, cảnh báo môi trường trên các tuyến sông đầu nguồn và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động trong việc lấy nước nuôi thuỷ sản.
Tuần qua, nông dân tỉnh Trà Vinh thả nuôi 153 triệu con tôm giống các loại, diện tích gần 700ha. Nâng tổng số con giống đã thả nuôi từ đầu năm đến nay là 7,63 tỷ con, diện tích trên 58.000ha. Trong đó, tôm sú là 1,5 tỷ con với diện tích gần 23.000ha, tôm thẻ chân trắng là 5,6 tỷ con với diện tích trên 7.800ha (thâm canh mật độ cao là 2,2 tỷ con, diện tích gần 1.100ha).