| Hotline: 0983.970.780

Dịch bệnh thủy sản: Phòng hơn chống

Thứ Ba 18/01/2022 , 09:00 (GMT+7)

Thủy sản nuôi là cả quần thể dưới nước, nếu bị bệnh dùng thuốc điều trị kém hiệu quả, chi phí tốn kém. Vì vậy, công tác phòng bệnh ban đầu rất quan trọng.

Phòng bệnh ngay từ đầu

Hàng năm, trên địa bàn Bình Định có khoảng gần 4.000 ha diện tích mặt nước được nuôi trồng các loại thủy sản. Trong đó, khoảng 1.500 ha nuôi thủy sản nước ngọt và gần 2.400 ha thủy sản nước lợ.

Nuôi tôm nước lợ ở Bình Định thường đối mặt với nhiều nguy cơ dịch bệnh, gây thiệt hại lớn. Riêng vụ 2 năm 2021, có khoảng 28 ha hồ nuôi tôm đã phát bệnh với nhiều mức độ khác nhau. Một vấn đề còn tồn tại trong nhiều năm qua là một số hộ nuôi khi phát hiện tôm mắc bệnh thường không báo ngay cho cơ quan có chức năng để có hướng khắc phục, mà tự xử lý.

Xử lý nguồn nước nuôi trước khi bước vào vụ tôm mới. Ảnh: V.Đ.T

Xử lý nguồn nước nuôi trước khi bước vào vụ tôm mới. Ảnh: V.Đ.T

Đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Do đó, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành kế hoạch truyền thông, đẩy mạnh phổ biến kiến thức phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi từ nay đến năm 2030 để từng bước ổn định nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, hàng năm, ngành chức năng Bình Định thường xuyên tổ chức tuyên truyền thông qua các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, phổ biến những văn bản mới trong nuôi trồng thủy sản.

“Mặc dù hiện ở Bình Định người nuôi trồng thủy sản phần nhiều đã chuyển sang hình thức nuôi an toàn sinh học, nuôi tôm theo công nghệ Biofloc nhưng vẫn phải thường xuyên hâm nóng kiến thức phòng trừ dịch bệnh thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến cho người nuôi những dịch bệnh mới thường gặp và hướng dẫn cách phòng trừ”, bà Lan chia sẻ.

Cũng theo bà Lan, đối với dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, phòng là chính chứ để dịch bệnh xảy ra mới chữa trị thì hiệu quả kém. “Heo, bò, gà thì có vacxin phòng bệnh, khi dịch bệnh xảy ra có thể tách đàn, cách ly những con bị bệnh để điều trị. Thế nhưng thủy sản là cả quần thể dưới nước, khi bị bệnh dùng thuốc điều trị kém hiệu quả, người nuôi phải tốn chi phí rất cao. Thế nên công tác phòng bệnh ban đầu rất quan trọng, ví như công đoạn cải tạo ao, chọn con giống, thời điểm thả giống, chăm sóc và quản lý thủy sản nuôi hàng ngày”, bà Lan phân tích.

Thay đổi cách quản lý dịch bệnh

Hiện người nuôi thủy sản ở Bình Định phần nhiều đã chuyển sang nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, không còn dùng hóa chất mà dùng men vi sinh để ổn định chất lượng nước trong ao nuôi tôm, cá; phân hủy chất thải dư thừa, mùn bã hữu cơ trong ao nuôi; nâng cao sức đề kháng của vật nuôi, kháng lại các vi khuẩn gây bệnh; đặc biệt là giảm thiểu môi trường trong ao nuôi và vùng nuôi.

Hiện nay, nếu tôm nuôi có dư lượng kháng sinh thương lái sẽ không thu mua hoặc mua với giá rẻ. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện nay, nếu tôm nuôi có dư lượng kháng sinh thương lái sẽ không thu mua hoặc mua với giá rẻ. Ảnh: V.Đ.T.

“Ý thức của người nuôi thủy sản ở Bình Định hiện nay đã được nâng cao, nhất là trong lựa chọn sử dụng kháng sinh và men vi sinh. Bởi hiện nay khi mua tôm thương lái đều test kháng sinh. Nếu trong tôm dư lượng kháng sinh nhiều họ sẽ không mua hoặc mua với giá rẻ. Thêm vào đó, sử dụng kháng sinh tôm sẽ chậm tăng trưởng.

Do đó, người nuôi tôm bây giờ chuyển sang nuôi theo hướng an toàn sinh học và công nghệ Biofloc để vừa an toàn cho tôm nuôi vừa bảo đảm đầu ra. Nhờ đó, tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nuôi từng bước được cải thiện”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho hay.

Một thay đổi khác trong quản lý dịch bệnh trên tôm nuôi ở Bình Định cũng đã mang lại hiệu quả. Ví như trước kia, khi tôm bị dịch bệnh ngành chức năng mới xuất Chlorine để dập dịch, chống lây lan. Thế nhưng trong 3 - 4 năm gần đây, trước những vụ nuôi, ngành chức năng xuất trước Chlorine để xử lý mương nước, nguồn nước nuôi những vùng dịch bệnh thường xuyên xảy ra để phòng dịch bệnh ngay từ ban đầu nên đã hạn chế được dịch bệnh. Trong quá trình nuôi, ao nuôi nào dính dịch bệnh ngành chức năng cũng kịp thời cung cấp Chlorine để chủ hồ xử lý.

Người nuôi thủy sản ở Bình Định phần nhiều đã chuyển sang nuôi theo phương pháp an toàn sinh học. Ảnh: V.Đ.T

Người nuôi thủy sản ở Bình Định phần nhiều đã chuyển sang nuôi theo phương pháp an toàn sinh học. Ảnh: V.Đ.T

“Hiện vẫn còn tình trạng ao nuôi tôm bị dịch bệnh chủ ao không báo cáo cho ngành chức năng, mà tự mua hóa chất về xử lý và lén xả thải từ những ao nuôi bị dịch bệnh ra môi trường xung quanh. Do đó, thông qua những đợt tập huấn, hội thảo đầu bờ, người nuôi được khuyến cáo khi tôm nuôi bị dịch bệnh, chủ ao nuôi báo cáo cho ngành chức năng địa phương sẽ được hỗ trợ Chlorine để xử lý”, bà Lan cho hay.

“Trước đây, nếu chủ ao thả tôm giống đúng lịch thời vụ, tôm giống có giấy chứng nhận kiểm dịch, khi tôm bị dịch bệnh sẽ được cấp 100% hóa chất xử lý. Nếu ai thiếu 1 trong 2 điều kiện kể trên thì chỉ được cấp 70%, còn nếu thiếu cả 2 thì chỉ được cấp 50%. Hiện nay, tôm thường bị bệnh do virus gây ra, nên khi dịch bệnh xảy ra đều được cấp 100% hóa chất để xử lý vùng dịch nhằm tránh lây lan diện rộng”, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết thêm.

Xem thêm
Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất