Khẳng định của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã đem đến sự thở phào nhẹ nhõm cho giới khoa học đang ngày đêm canh chừng các nguy cơ trái đất bị công phá từ vũ trụ.
Chính NASA vào năm 2004 đã đặt tên cho một thiên thạch là Apophis, xác định nó tạo ra mối nguy lớn nhất cho trái đất. Họ dự báo Apophis sẽ có 2 lần có thể lao thẳng vào hành tinh của loài người vào các năm 2029 và 2036, thêm 1 lần nữa nguy cơ thấp vào năm 2068. Nhưng nay, dựa trên các phân tích quỹ đạo mới, 3 nguy cơ trên đều bị loại bỏ.
“Nguy cơ va chạm xa nhất là năm 2068 cũng không còn khả năng xảy ra nữa theo các tính toán của chúng tôi, vì vậy các rủi ro sẽ không còn ít nhất là trong 100 năm tới”, Davide Farnocchia - nhà nghiên cứu các vật thể gần trái đất của Nasa đại diện ra tuyên bố cuối tuần qua.
Apophis được đặt tên theo một vị thần tượng trưng cho bóng tối và sự hỗn mang của Ai Cập cổ đại. Chiều ngang ước tính của nó là 340m. Lần đến gần trái đất của Apophis gần đây nhất là ngày 5/3, ở khoảng cách 17 triệu km. Khi đó, hệ thống ra đa và kính viễn vọng của NASA đủ dữ liệu đưa ra tính toán mới giúp họ loại trừ nguy cơ va chạm vào năm 2068 và rất lâu sau đó.
Farnocchia hy vọng đến năm 2029, tiến bộ về thiết bị sẽ giúp NASA đưa ra các tính toán chuẩn xác hơn. “Tuy nhiên, trong giới rõ ràng đã thở phào nhẹ nhõm đón nhận tin vui này”, ông nói.
Trước đó, NASA dự báo Apophis sẽ đến gần trái đất vào ngày 13/4/2029, ở khoảng cách 32.000km, tức bằng 1/10 khoảng cách trái đất - mặt trăng. Ở khoảng cách đó, các loại kính thông thường sẽ quan sát dễ dàng Apophis, đặc biệt từ châu Á, châu Phi và một phần châu Âu.
Hiện tại, trong danh sách Thiên thạch nguy hiểm tiềm tàng của NASA vẫn còn 3 tiểu hành tinh, gồm 1950 DA - phát hiện năm 1950, rộng 1,3km, có khả năng va chạm với trái đất vào ngày 16/3/2880 với xác suất xảy ra là 0,012%; 2010 RF12, có xác suất va chạm 4,7% vào ngày 5/9/2095, tuy nhiên thiên thạch này có kích thước nhỏ, chỉ khoảng 7m nên không đặt ra mối đe dọa lớn; 2012 HG2, đường kính 14m, có thể xảy ra va chạm ngày 12/2/2052 nhưng cũng vì kích thước nhỏ nên nó có thể sẽ cháy tan khi vào bầu khí quyển trái đất.