| Hotline: 0983.970.780

Trại lợn giống găm hàng, hộ nuôi nhỏ hết cửa tái đàn

Thứ Năm 13/02/2020 , 10:30 (GMT+7)

Giá lợn cao, người chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ còn cách để trống chuồng hoặc tận dụng để nuôi gia cầm.

Lợn hơi chất lượng bán tại chợ đầu mối gia súc gia cầm Bình Lục (Hà Nam) giá 80.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Phúc

Lợn hơi chất lượng bán tại chợ đầu mối gia súc gia cầm Bình Lục (Hà Nam) giá 80.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Phúc

Nguyên nhân là do các trang trại nuôi lợn quy mô vừa và lớn ở phía Bắc ráo riết thu gom con giống chất lượng để tái đàn.

Bí thư tỉnh ủy “xin” 5 vạn gà giống để dân nuôi vào chuồng lợn

Có thời điểm, xã Đồng Du (huyện Bình Lục, Hà Nam) thống kê được 12.000 con lợn trong chuồng nuôi của các hộ dân. Thế mà nay, tổng đàn lợn chỉ còn 2.000 con (bao gồm cả lợn nái và lợn đực giống). Nguồn cung tại chỗ khan hiếm, hầu hết lợn nhốt trong các ô chuồng tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm  Bình Lục đều được nhập từ Bình Định và các tỉnh phía Nam.

Lý giải về việc khan hiếm thịt lợn, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Du Nguyễn Trung Kiên, thẳng thắn: “Chẳng hộ chăn nuôi nào ở xã nghĩ đến việc tái đàn”.

Đợt dịch tả lợn Châu Phi vừa rồi, tổng số lợn nhiễm bệnh phải tiêu hủy của hơn 300 hộ dân là 1.700 con (tương đương tổng trọng lượng khoảng 100 tấn). Đến nay, nhà nước mới chỉ cấp tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn đợt đầu. Còn những hộ phải tiêu hủy lợn từ tháng 6/2019 đến nay vẫn mòn mỏi đợi chờ tiền hỗ trợ.

Tạ xã Đồng Du, huyện Bình Lục, nhiều chuồng lợn biến thành chuồng gà. Ảnh: Minh Phúc

Tạ xã Đồng Du, huyện Bình Lục, nhiều chuồng lợn biến thành chuồng gà. Ảnh: Minh Phúc

“Dân không có tiền, các trang trại cũng không bán lợn giống ra ngoài nên các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hết cửa tái đàn”, bà Lê Thị Tuyến, cán bộ phụ trách thú y xã Đồng Du, nói.

Xót xa cảnh hàng trăm chuồng lợn bỏ trống, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy đã trực tiếp kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ gà giống cho bà con xã Đồng Du.

Kết quả, một doanh nghiệp đã tặng 5 vạn con gà giống cho 82 hộ dân bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi để gỡ khó khăn trước mắt. Sau 1 tháng chuyển đổi từ nuôi lợn sang gà, đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt.

Ông Nguyễn Hữu Lập mới xây chuồng nuôi quy mô 300 lợn thịt cách đây 3 năm nhưng liên tiếp gặp thất bại từ cuộc khủng hoảng giá cho tới dịch bệnh. Năm 2019, gia đình ông có 80 con lợn bị tiêu hủy do nhiễm virus tả lợn Châu Phi. Đến nay, trong chuồng không còn con lợn nào nhưng khoản nợ ngân hàng 200 triệu đồng vẫn chưa trả được.

“Không có tiền tái đàn lợn, nhà tôi buộc phải nuôi 4.000 con gà do doanh nghiệp hỗ trợ để thay thế”, anh Long (con trai ông Lập) nói.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Lập chuyển đổi nuôi lợn sang gia cầm và thủy cầm khi 80 con lợn phải tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi vào năm 2019. Ảnh: Minh Phúc.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Lập chuyển đổi nuôi lợn sang gia cầm và thủy cầm khi 80 con lợn phải tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi vào năm 2019. Ảnh: Minh Phúc.

Giống như gia đình ông Lập, xã Đồng Du đang thực hiện một cuộc “thay máu” cơ cấu ngành chăn nuôi. Quy mô ngành chăn nuôi lợn xẹp xuống nhưng tổng đàn gia cầm lại phình lên. Ông Nguyễn Trung Kiên – Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Du, cho biết: Tổng đàn gà hiện tại của địa phương khoảng 130.000 con; vịt 30.000 con và ngan 17.000 con. Qua đó, bù đắp được phần nào sự thiếu hụt nguồn cung thịt do dịch tả Châu Phi.

Lợn giống 7kg giá triệu đồng/con

Trại lợn quy mô lớn của ông Tống Văn Cường nằm sâu hun hút trong khu chuyển đổi đất lúa sang trang trại chăn nuôi của xã Tiên Ngoại, thị xã Duy Tiên (Hà Nam). Dọc đường vôi phủ trắng xóa, cánh cửa ra vào trại luôn đóng kín, gần như nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Muốn vào trại, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các cán bộ trong đoàn phải “đứng chơi” hơn 10 phút trong phòng kín thổi khí ozone để sát khuẩn, đồng thời phải đi qua phòng phun nước sát trùng.

Nguồn cung thịt lợn ở Hà Nam đang khan hiếm. Ảnh: Minh Phúc.

Nguồn cung thịt lợn ở Hà Nam đang khan hiếm. Ảnh: Minh Phúc.

Kỹ sư Đào Văn Đức, phụ trách kỹ thuật của trang trại cho biết, năm ngoái trại lợn giống của ông Tống Văn Cường phải tiêu hủy 400 con lợn nái vì dịch tả Châu Phi, trong tổng số 600 nái. Rất may những con nái sống sót đang ở thời kỳ hậu bị, do đó chu kỳ khai thác được kéo dài.

Đến nay, trang trại đã có 400 nái và 2.000 con lợn giống. Trước đây, lợn giống được ông Cường bán cho các trang trại và hộ chăn nuôi. Nhưng vì nhiều chuồng trong trang trại còn trống, giá lợn hơi lại cao nên ông giữ lại toàn bộ để nuôi, không bán ra bên ngoài.

Anh Đức thông tin, hiện nay giá lợn giống xách tay (trong lượng 7kg) có giá khoảng 2,2 triệu đồng/con. Lợn giống sốt giá do nhu cầu tái đàn của các trang trại quy mô vừa (khoảng 500 con) trở lên đang cao, ngoài ra, việc các trang trại phải tiêm phòng tất cả các loại vắc xin cho lợn giống cũng khiến giá thành sản xuất đội lên.

Với mức giá “chát” như trên, không người chăn nuôi nào dám liều tái đàn, khi cơ sở vật chất phục vụ chăn nuôi không đảm bảo phòng, chống dịch. Các hộ nhỏ lẻ tái đàn rất ít, chỉ có các trang trại nuôi 500 con trở lên mới dám vào đàn.

Tìm mọi giải pháp khôi phục đàn nái

“Tỉnh Hà Nam đã tiêu hủy 131.000 con lợn trong năm 2019 vì dịch tả Châu Phi, xấp xỉ 30% tổng đàn”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nam cho biết.

Điều đặc biệt, trong tổng số lợn bị tiêu hủy, có tới 35.00 con lợn nái và lợn đực giống (chiếm 50% tổng đàn lợn nái, lợn đực giống của Hà Nam). Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm giống. Ông Hùng cho biết, ngay cả trang trại lợn của Dabaco đặt tại Hà Nam trước đây có 3.200 con lợn nái, thì nay chỉ duy trì khoảng 800 con.

Đoàn kiểm tra của Cục Chăn nuôi và Sở NN-PTNT Hà Nam đi kiểm tra tình hình chăn nuôi lợn tại xã Đồng Du, huyện Bình Lục. Ảnh: Minh Phúc.

Đoàn kiểm tra của Cục Chăn nuôi và Sở NN-PTNT Hà Nam đi kiểm tra tình hình chăn nuôi lợn tại xã Đồng Du, huyện Bình Lục. Ảnh: Minh Phúc.

Để tăng đàn lợn nái, một số hộ dân và cơ sở chăn nuôi đã tự tuyển chọn những con lợn thương phẩm có ngoại hình tương đối đẹp để giữ lại nuôi và thụ tinh để sản xuất giống. Nhờ đó, đàn nái của Hà Nam từng bước được tăng lên. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là năng suất, chất lượng con giống sẽ thấp hơn (chỉ đạt khoảng 17 – 18 con/nái/năm).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nam cho biết, theo kế hoạch hết quý IV/2020, tỉnh sẽ nâng quy mô đàn lợn nái từ 35.000 con (năm 2019) lên 51.000 nái. Đối với đàn lợn thịt nâng từ 300.000 con (năm 2019) lên 348.000 con. Qua đó khôi phục được khoảng 80% quy mô tổng đàn lợn so với năm 2018.

Mặc dù đứng trước điều kiện khó khăn, nhưng năm 2020 tỉnh Hà Nam vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp khoảng 2%. Để làm được điều đó, bên cạnh việc khôi phục quy mô chăn nuôi lợn, tỉnh Hà Nam có cơ chế hỗ trợ để khuyến khích phát triển các con nuôi khác.

Như năm ngoái, chăn nuôi gia cầm, thủy cầm trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 7 triệu con, tăng 16% so với năm 2018. Điều đặc biệt là thời gian quay vòng một lứa gà, ngan, vịt rất nhanh nên bù đắp được phần nào thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi. Bên cạnh đó, tổng đàn trâu, bò thịt tăng khoảng 5%; bò sữa tiếp tục tăng trưởng ổn định do có hai doanh nghiệp ký kết bao tiêu toàn bộ đầu ra.

Ông Hùng cho biết, nhờ đẩy mạnh ứng dụng mô hình sông trong ao, ngành thủy sản tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Hà Nam có gần 6.000ha diện tích mặt nước, vừa rồi người dân đăng ký chuyển đổi thêm khoảng 3.000ha đất lúa để nuôi cá.

Điểm quan trọng ở đây là năng suất cá của mô hình sông trong ao cao gấp 4 - 5 lần so với phương pháp nuôi cá truyền thống. Với những giải pháp trên, Hà Nam hy vọng sẽ giữ được nhịp độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Xem thêm
Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất