| Hotline: 0983.970.780

Trải nghiệm làm nông dân hái cà chua bi ở Canada

Thứ Hai 29/08/2022 , 11:01 (GMT+7)

Mọi người được hướng dẫn, cứ cà chua chín đỏ và hườm hườm màu cam là hái, không để cuống. Trái xanh thì không hái, lỡ hái thì bỏ đi...

Năm năm trước, con trai thứ hai của tôi đi du học Canada. Sau khi tốt nghiệp, cháu xin phép cha mẹ được ở lại làm việc một thời gian để lấy kinh nghiệm. Hiện cháu đã có một công việc phù hợp với ngành học ở Toronto. Do vậy, vợ chồng tôi có cớ làm visa sang thăm con và đi du lịch.

Thứ sáu, lên mạng lang thang, vào một group FB ở Toronto thấy đang rao tuyển lao động đi làm farm, công việc là hái cà chua bi. Vì ưa trải nghiệm, tôi inbox hỏi thử, được biết làm một giờ được trả 12,5 đô tiền mặt. Ngày làm việc 10 tiếng, trong đó được nghỉ ngơi 3 lần, tổng cộng 60 phút. Cơm nước tự lo bới theo. Nếu muốn đi, sáng mai đúng 4:35 phút có mặt tại địa điểm A để xe đến đón.

Tôi alô cho con trai hỏi, nó bảo, ba muốn trải nghiệm thì đăng ký với họ đi. Sáng sớm mai con sẽ lái xe đưa ba đến địa điểm A. Khi nào về thì ba nhắn, trên đường đi làm về con sẽ đón. Lát sau con trai nhắn tin cho biết thêm, theo Google Map từ nhà mình tới địa điểm A là 27km, đi khoảng 30 phút. Chậm nhất 4:05 phút sáng mai mình phải ra khỏi nhà.

Sau khi trao đổi cùng con trai, tôi điện thoại chốt với bên tuyển dụng rồi quay qua nói với bà xã, tối nay em lo cho anh phần cơm và nước uống mai anh bới theo nhé. Tiếp đó, tôi chuẩn bị áo khoác chống nắng, mũ, găng tay. Tối, tôi ăn xong cài điện thoại báo thức rồi đi ngủ sớm.Ba giờ rưỡi sáng, chuông báo chưa reo tui đã thức rồi không ngủ lại được. Dậy, đun ấm nước sôi làm gói mì tôm và ly cafe, sau đó pha ấm trà Thái Nguyên vào bình giữ nhiệt rồi bỏ hộp cơm bà xã chuẩn bị sẵn vào chiếc ba lô nhỏ. Xong việc con trai cũng vừa dậy, hai cha con xuất phát đúng giờ theo kế hoạch.

1 doan xe

Đoàn xe chở "lao động chui".

Đường phố trong khu dân cư vắng tanh, nhưng chạy ra xa lộ thì thấy xe hơi lao vun vút đã khá nhiều. Đèn trên xa lộ sáng trưng. Hôm rồi, tôi mới được anh bạn cho biết những cây cột đèn cao vút, trên đỉnh có một mâm tròn với nhiều bóng thắp sáng trên các trục highway khắp Bắc Mỹ này là sáng chế của một người gốc Việt tại Canada. Nghe vậy, cảm giác vui và tự hào.Xe con trai chở tôi đến địa điểm A sớm 2 phút. Nhìn quanh thấy ba người khoác ba lô và đeo khẩu trang kín mít đang đứng chờ.

Đúng 4:35 một chiếc xe 7 chỗ trờ tới, tài xế thò đầu ra cửa xe gọi, ai đi farm lên xe. Cửa xe mở, trên xe có sẵn 3 người. Bốn người chúng tôi lên là vừa kín chỗ. Tài xế chạy được một đoạn thì ghé tiệm Tim Hortons mua một ly cafe mang đi rồi chạy tiếp. Mấy phút sau xe vào cao tốc, mọi người khi đã ổn định chỗ ngồi chẳng ai nói với ai lời nào, tất cả đều nhắm mắt lim dim ngủ.

Chạy trên highway chừng 1 tiếng với tốc độ 130km/h thì xe rẽ vào đường nhánh rồi chạy khoảng 1 tiếng nữa thì đến farm vào lúc 6:30 sáng. Đây là một cánh đồng rộng lớn, dễ đến vài chục hecta. Tất cả đều trồng cà chua bi thành luống leo giàn hình chữ A.

Xuống xe, tôi thấy khoảng 2 chục xe các loại, từ 7 chỗ đến 30 chỗ, đã đậu phía trước và khoảng chục xe đang tiếp tục chạy tới phía sau. Nhẩm tính, ước chừng farm này cách trung tâm thành phố 130-140km và hôm nay có khoảng hơn 200 người làm việc.

Lúc này trời bắt đầu hửng sáng, sương mù tan vừa nhìn rõ mặt người. Hành lý để lại trên xe, mọi người được hô hào xuống xe vào việc ngay.

Cứ 5 - 6 người đuợc đưa vào giữa hai luống cà chua, mỗi người được phát một chiếc giỏ nhựa. Mọi người được hướng dẫn, cứ cà chua chín đỏ và hườm hườm màu cam là hái, không để cuống. Trái xanh thì không hái, lỡ hái thì bỏ đi... Anh quản lý thấy tôi đeo găng tay sợi thì bảo tháo ra và phát cho một đôi găng tay bằng cao su non cho dễ hái. Biết tôi ngày đầu tham gia, anh dặn là phải hái bằng hai tay. Có lá hoặc trái xanh rớt vô giỏ thì phải nhặt vứt ra. Trái phía trong sâu thấy chín cũng phải thò tay vạch lá hái cho hết...

Khi mỗi người hái được lưng giỏ thì có một thanh niên khỏe mạnh đi gom lại thành một giỏ đầy rồi vác ra xe tải. Nghe nói những thanh niên này sẽ được trả tiền công cao hơn một chút.

Anh chàng cai thầu cùng các thành viên quản lý nhóm (thường là các lái xe) thì vừa tham gia làm việc vừa đi lại đôn đốc, nhắc nhở và kiểm soát người lao động. Thấy ai hái một tay thì nhắc, ai hái sót hay trong giỏ có trái xanh cũng nhắc. Chỗ nào tụm năm tụm ba nói chuyện nhiều thì kêu giãn ra hoặc kéo bớt một hai người sang luống khác...

299519456_563827892196608_680080518885833218_n

Vào farm từ mờ sáng.

Hàng trăm farmworker có mặt cứ thế vào việc rào rào.  Một số người đã thân quen vừa làm vừa trò chuyện. Tôi nghe thấy đủ thứ giọng, từ giọng Hà Nội đến giọng Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế... Giọng Quảng Nam, Phú Yên, Sài Gòn, cả giọng Bắc lai Tây Nguyên, giọng miền Tây cũng có. Có lẽ không thiếu vùng miền nào. Già trẻ trai gái tuổi từ 17 đến khoảng 70 đều có cả. Qua tìm hiểu, tôi được biết hôm nay các xe chở 100% là người Việt. Chứ nhiều hôm khác có cả lao động người Ấn Độ, Jamaica, Mexico, Campuchia... nữa.

Từ hôm sang đây, chưa khi nào tôi thấy người Việt tập trung đông như thế này. Người hái đối diện tui phía bên kia gian là một dì nói giọng miền quê Thừa Thiên Huế. Hỏi thăm thì được dì cho biết có con gái làm hồ sơ du học từ năm lớp 11, sang đây đã được 3 năm. Hiện nay, con gái dì đã học hết lớp 12, không học lên nữa mà bỏ đi làm nail nên thu nhập cũng khá tốt.

Dì kể, nó cũng mới làm kết hôn giả với một người Canada gốc Philippines, hết 65k CAD để có PR (thường trú nhân). Vợ chồng dì ở quê ngoài Quảng Điền có 2 sào ruộng, làm không đủ ăn nên xin visa du lịch sang thăm con và mỗi năm ở lại 6 tháng kiếm việc làm thêm ở các farm và các hãng. Công việc có khi khá vất vả nhưng lúc nào muốn đi làm cũng có việc. Mỗi tháng trừ tiền nhà 600, tiền ăn khoảng 400 cũng cất được hơn 2000...

Làm được khoảng 3 tiếng thì có lệnh nghỉ 15 phút cho mọi người đi vệ sinh, uống nước, ai chưa ăn sáng thì tranh thủ ăn. Hết giờ lại bắt tay vào làm việc răm rắp ngay. Đến 12:30 thì nghỉ 30 phút để mọi người ăn trưa và nghỉ ngơi chút xíu. Lúc này mặt trời đã đứng bóng, giữa đồng nắng gắt nên một số người vào trong xe nghỉ, một số thì tấp vô núp dưới bóng cây xung quanh farm. Mọi người cởi bỏ khẩu trang, mũ nón và khăn choàng che nắng. Những gia đình hoặc người thân tụm lại theo từng nhóm.

Qua bữa trưa, nghe cách xưng hô và cách cùng nhau ăn uống, theo quan sát chủ quan của tôi thấy có khá nhiều cặp vợ chồng đứng tuổi (dáng vẻ cán bộ hưu trí?). Có gia đình 4-5 người gồm cha mẹ và con cái. Một số bạn trẻ (dáng vẻ sinh viên?). Tôi hỏi thăm thì được biết, hôm nay là ngày cuối tuần, nhiều người được nghỉ công việc của hãng hay sinh viên được nghỉ học tranh thủ đi làm farm thêm. Còn lại phần đông là những người lam lũ (dáng vẻ lao động chui chuyên nghiệp?).Tại sao lại gọi là lao động chui? Ở Canada, tất cả các nhân công lao động khi nhận lương đều phải đóng thuế cho nhà nước và các quỹ an sinh xã hội. Vì vậy mọi người phải có số SIN (Social Insurance Number, tức mã số bảo hiểm xã hội) và chỉ được phép nhận lương qua hệ thống ngân hàng. Ai đi làm nhận tiền mặt, không đóng thuế, thì đều gọi là lao động chui.

Khách du lịch sang đây muốn đi làm cũng phải có work permit, tức giấy phép lao động, nếu không cũng bị coi là đi làm chui. Vậy mà người ta vẫn đi ào ào. Visa du lịch cấp 10 năm, mỗi lần nhập cảnh ở không quá 6 tháng, nếu muốn ở thêm người ta có thể qua Cuba, hay một nước thứ ba rồi quay lại. Nhà nước Canada chắc chắn biết điều này, nhưng có lẽ vì quá thiếu nhân lực lao động nên họ đã giả lơ? Chính vì vậy, đây là mảnh đất màu mỡ cho thị trường lao động chui phát triển mạnh mẽ.

Buổi trưa được nghỉ 30 phút từ 12:30 đến 1h chiều. Hầu hết mọi người ăn trưa xong ngồi tán gẫu. Tôi thấy một số người vẫn có thói quen xả rác bừa bãi, ăn uống xong là ném vỏ lon, bao bì vào ngay bụi cây bên cạnh, mặc dù chủ farm đã chuẩn bị sẵn thùng rác. Đi vệ sinh cũng thế, cứ vô tư tấp vô các bụi cây mà xả, cả đàn ông lẫn đàn bà, dù tôi thấy một nhà vệ sinh di động 2 phòng ở phía xa xa (nhưng 2 phòng đó mà dùng cho hơn 200 con người thì không ổn chút nào!?)

Tôi ở nhà quen thói ngủ trưa nên kiếm hai miếng nhựa lắp ráp làm thùng vận chuyển cà chua xếp bên một bụi cây làm chỗ ngả lưng, tính chợp mắt vài phút mà không ngủ được. Nằm nghe một chị giọng Quảng Bình nói với một cậu sinh viên rằng, đi làm farm hái cà chua bi leo giàn như hôm nay là sướng nhất đó, vì được đứng hái trên cao, ngồi hái dưới thấp, khom lưng hái lưng chừng. Nghĩa là được vận động nhiều tư thế và động tác khác nhau, không bị mỏi mệt và nhàm chán. Lại còn có giàn cây che nắng. Chứ hái cà chua to bò sát dưới đất, suốt ngày phải cúi gập người, ai cũng kêu mỏi cứng lưng. Nắng thì rát mặt. Buổi sáng còn cúi xuống hái được, buổi chiều thì phải ngồi mà lết nên mọi người thường gọi vui là đi hái "cà lết" đó.

Rồi chị kể say sưa về các công việc đã trải qua như hái nấm, làm cỏ bí, bắt trùn (giun), cắt bông thuốc lá, bông sâm... Mùa nào việc nấy, các farm kêu gì cũng làm. Làm thấy "ngon ăn" thì hôm sau đi làm tiếp, nếu farm cần thêm người thì gọi bà con, bạn bè đi làm cùng. Những việc "khó ăn", nhiều người làm ngày đầu xong xin nghỉ, không ai muốn làm thì chủ farm buộc phải tăng tiền công mới giữ chân được người làm...

Ba mươi phút nghỉ trưa qua mau, đúng 1 giờ chiều mọi người lại bắt tay ngay vào công việc. Buổi chiều nắng khá rát. Không khí làm việc có vẻ trầm lắng hơn. Cai thầu và các quản lý nhóm chắc do thấm mệt và thấy mọi người đều đã hiểu việc nên cũng ít thấy đi lại la lối nhắc nhở hơn. Đúng 3:30h chiều mọi người lại được phép nghỉ giữa ca 15 phút. Sau đấy lại tiếp tục. Càng đến cuối giờ làm việc, mọi người càng nôn nóng đếm từng phút. Người rút điện thoại xem giờ, hoặc hỏi thăm nhau còn bao lâu. Ai cũng mong sớm chấm dứt một ngày làm việc với cường độ khá cao để nghỉ ngơi và nhận tiền công lao động.

299537367_614214520052860_5593659292225965505_n

Thành quả của một "lao động chui".

Đúng 5h chiều, khi khẩu lệnh "hết giờ" của cai thầu phát ra, tất cả đều dừng tay, xách giỏ cà chua ra tập trung một chỗ rồi lên xe của mình ngồi.Khoảng 6h chiều, đoàn xe khởi động nối đuôi nhau đưa người lao động trở về thành phố. Khi mọi người đã yên vị, một đại diện của cai thầu đứng ra phát tiền mặt tận tay cho từng người. Tiền được chuẩn bị chu đáo sẵn, mỗi người ba tờ, mệnh giá 100+20+5. Đây là giây phút hạnh phúc của những người lao động sau một ngày làm việc vất vả. Vẻ mặt ai nấy đều giãn ra vui vẻ, sự mỏi mệt gần như tiêu tan.

Tôi cũng được nhận tiền như ai. Khi giơ tay đón nhận ba tờ polime có hình Thủ tướng Robert Borden, Nữ hoàng Anh Elizabeth ll và Tổng thống Wilfrid Laurier, tôi cảm ơn, đút túi và nhẩm tính: 125 CAD x 18k = 2.250.000 VND. Ôi, mần lao động chân tay một ngày, thành quả được hơn 1/4 tháng lương của cụ hưu, người lao động trí óc 39 năm rồi. Hèn chi, người ta đi mần chui nhiều rứa. Hu hu...

Sau khi phát tiền công xong, người đại diện hỏi, mai xe mình ai nghỉ giơ tay. Tôi giơ tay và thêm ba người nữa giơ tay. Người quản lý cũng không cần hỏi nghỉ vì lý do gì. Nhưng một chị nói vì mai chủ nhật, chị kẹt đi nhà thờ, ngày thứ hai chị sẽ đi làm lại. Lát sau tôi lại nghe thấy anh ta liên tục trả lời các cuộc gọi xin đăng ký đi làm. Hẹn giờ giấc và địa điểm đón.

Xe chở chúng tôi về lại điểm A lúc 7:40 tối. Con trai tôi đã đợi sẵn, nó hỏi thăm ba có ổn không. Sau một ngày trải nghiệm, tôi cảm thấy khá hào hứng, nên nói với con trai "Ba rất ổn. Trên đường về chỗ nào có cửa hàng L.C.B.O cho ba ghé vô chút nhé". Năm phút sau, xe con trai đã dừng trước một siêu thị chuyên bán rượu bia ở xứ này, tôi xuống xe chạy nhanh vào mua một chai rượu vang đá (Ice wine), làm từ thứ nho đông cứng ngoài tuyết lạnh, đặc sản của Canada, giá $49.95 để  tự thưởng cho chính mình.

Một ngày vừa di chuyển, vừa lao động chân tay mất 15 tiếng đồng hồ, tuy khá mệt mỏi nhưng đối với tôi đó là một trải nghiệm thú vị.                                 

Toronto, Ontario 22/8/2022.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Cứu hộ vượn đen má hung cực kỳ quý hiếm

Vườn quốc gia Cúc Phương vừa cứu hộ an toàn 1 cá thể vượn cực kỳ quý hiếm từ người dân tại Hải Phòng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quảng Trị Marathon 2024: Các phương tiện di chuyển thông dụng

Vận động viên tham gia Giải Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa sẽ không quá khó khăn lựa chọn các phương tiện di chuyển khám phá vùng đất này.