| Hotline: 0983.970.780

Trăm năm mới thấy lũ này!

Thứ Năm 22/10/2020 , 08:23 (GMT+7)

Vùng quê Gia Ninh, Võ Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) ở ven Quốc lộ 1A và cao hơn những nơi khác nên ít bị lũ ngập. Trận lụt lần này đã nhấn chìm tất cả.

Đến chiều ngày 21/10, nước vẫn ngập sâu ở xã Gia Ninh. Ảnh: T.Phùng.

Đến chiều ngày 21/10, nước vẫn ngập sâu ở xã Gia Ninh. Ảnh: T.Phùng.

Ông Nguyễn Văn Giáo (75 tuổi, là thương binh hạng 1/4, ở thôn Bắc Ngũ, xã Gia Ninh) nhìn biển nước lũ bàng bạc đang bao vây xóm làng mà nhớ lại: “Tui lớn lên ở đây đến bữa nay mới chứng kiến trận lũ lớn như thế này, lũ lên như tống nước vào nhà. Thoáng cái, nước đã ngập lên đến lưng quần. Ai cũng trở tay không kịp”.

Ký ức về lũ…

Vùng cát Gia Ninh hay Võ Ninh vốn ở triền đất cao, tựa lưng vào núi đồi cát nên hiếm khi phải chạy lũ. Mỗi năm, trời cho vài cơn lũ nên bà con cũng quen chuyện lũ lụt từ thủa mới biết đi. Ông Nguyễn Văn Giáo bảo, làm nông mà không có lũ thì coi như thua.

Thấy tôi có vẻ chưa được tường lắm, ông giải thích thêm, lũ mang phù sa về nhé, chứ ruộng đồng phân gio bón được bao nhiêu. Chỉ cần lớp phù sa ngập bàn chân là lúa tốt bời bời. Rồi các loại sâu, nhộng, trứng sâu hại lúa… đều bị lũ cuốn trôi hết. Mầm cỏ dại cũng theo đó mà ra khỏi đồng.

“Thêm nhiều cái lợi nữa như là tôm cá nhiều, sinh sôi nhanh, tha hồ mà đánh bắt không hết”, ông Giáo nói.

Ông Nguyễn Lanh (70 tuổi), thế hệ sau một chút cũng ngồi hay chuyện lũ. Nếu năm nào không có lũ về thì năm đó mùa màng thất bát lắm. Có năm không lũ, chuột nhiều như vãi trấu. Đánh bả, giăng bẫy, săn bắt… cũng chẳng ăn thua gì. Lúa má bị chuột phá tơi bời.

“Có vụ, nhà có gần 5 sào lúa chín sớm. Ra xem đồng về báo mai thuê người gặt. Sáng sớm ra lại đồng mới té ngửa. Ruộng chín vàng hôm qua, hôm nay đã sạch. Lũ chuột đã đánh chén không còn sót bụi lúa nào”, ông Lanh kể lại.

Ông Nguyễn Lanh: 'Chưa bao giờ tôi thấy lũ lên tận vùng cao này'. Ảnh: T.Phùng.

Ông Nguyễn Lanh: “Chưa bao giờ tôi thấy lũ lên tận vùng cao này”. Ảnh: T.Phùng.

Ông Giáo quay sang nói, hồi năm 1950 là lụt to nhất. Lũ tràn vào làng mạc trắng xóa. Nhà ông Giáo ở vùng cao nên lũ chỉ ngập đến cửa nhà. “Tui còn nhớ, khi đó thấy lũ thì thích lắm, ra sân nghịch lũ. Cụ tui kéo vô quất cho mấy roi xoắn đít. Nghe cụ tui nói lớn lên chừ mới chứng kiến lũ lớn. Hồi đó, lũ làm chết mấy trăm người”, ông Giáo hồi tưởng.

Nói chuyện về lũ làm cả hai ông như muốn trải lòng. Ông Giáo cứ nhắc mãi chuyện đã qua. Ông nói, lũ cũng có năm, bảy đường. Thông thường lũ chỉ chớm đến vườn nhà là được, là có lợi lớn cho nông dân. Nhưng lũ lớn thì thiệt hại khó lường.

“Thông thường, lũ đến và rút chỉ trong vòng 4 - 5 ngày. Nước vừa đủ đầy cho ao hồ, đập để tưới cho vụ sau. Cây cối vừa ngấm để không thối rễ. Như cái lũ của tuần trước là “lũ đẹp”. Ai ngờ, lũ trước chưa rút, lũ sau lại chồng lên làm người dân khốn đốn”, ông Giáo trầm tư.

Những tiếng kêu cứu trong đêm thẳm

Buổi chiều, lũ lên nên ông Giáo bảo mọi người chuyển đồ đạc lên cao hơn và dọn lên ở nhà bên ngoại ở giữa xóm (nơi mà cơn lũ 1950 không ngập được) để trú cho an lòng.

Ông kể: “Khoảng 8 giờ tối, đang thiu ngủ, tui nghe tiếng động chi lạ lắm nên dậy coi. Vừa thả chân ra khỏi giường thì nước lũ bắn ướt. Hoảng quá tui kêu mọi người dậy thì lũ đã ngập vào nhà như ai bơm nước. Cả nhà chạy ra đường bê tông thì đã ngập đến lưng quần. Quanh làng, tiếng người gọi cứu, tiếng heo kêu, chó sủa cứ loạn cả lên. Không thể ngờ lũ lên đến đây. Đúng là cả trăm năm mới chứng kiến lũ này”.

Cũng tại thời điểm lũ dữ tràn lên, chúng tôi có mặt trên con thuyền trọng tải 3 tấn gắn máy 25CV, lao ra dòng lũ để về vùng trũng thấp huyện Quảng Ninh. Gió thổi ngược xốc lũ thành những con sóng hung hãn, đập lắc liên hồi vào mạn thuyền như trẻ đùa chơi võng. Phải gần 1 giờ đồng hồ chúng tôi mới tiếp cận được trung tâm xã Tân Ninh.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hoan nói gấp gáp: “Xã có trên 2.000 nóc nhà bị ngập trắng, chúng tôi phải huy động hết lực lượng để đưa bà con từ chỗ thấp lên chỗ cao, hoặc về trú tạm tại ủy ban xã. Mọi người đi luôn thôi”.

Chiếc đò máy lại xé mưa lũ, đẩy hết tốc lực hướng về thôn Quảng Xá.

Lúc này, nhà ông Đỗ Mai Thúy (75 tuổi, thôn Quảng Xá), nước đã chạm tới mái ngói. Thuyền cập mái, lực lượng cứu hộ phải phá ô cửa đầu hồi, từ đó dìu ông bước ra mái hiên mới xuống được thuyền.

Ngồi lọt thỏm trong lòng thuyền, ông Thúy vẫn chưa hoàn hồn: “May quá, tưởng không có ai đến kịp. Đây là lần đầu tiên tui thấy cơn lũ dữ như ri, lũ dâng cao chưa từng thấy, sóng lớn dập làm sập tường phía sau rồi”.

Đưa người về trụ sở xã, con đò lại xé lũ ngược về thôn Hữu Tân, nhiều tiếng kêu cứu trong những ngôi nhà bị ngập vọng ra. Đò ghé sát ô cửa gió của ngôi nhà cụ Nguyễn Thị Gái (gần 90 tuổi). Tình thế cấp bách, một người trong đoàn phải chui qua ô cửa gió bế ra, ngâm mình lâu trong nước, cụ run cầm cập. Khoảng 3 giờ đồng hồ quần thảo trong lũ, thuyền đã đón gần 30 người già, trẻ con đưa về trú tại tầng 2 trụ sở UBND xã.

Trời sẩm tối, tôi lên ca nô của tổ công tác Bộ đội Biên phòng Quảng Bình do Thượng tá Đặng Văn Hoàng, Phó trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm phụ trách với 7 cán bộ chiến sỹ đè lũ đến tiếp ứng cho bà con vùng ngập lũ Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh).

Lũ lên ngập mái nhà ở xã Hàm Ninh. Ảnh: T.Phùng.

Lũ lên ngập mái nhà ở xã Hàm Ninh. Ảnh: T.Phùng.

Lúc này, trụ sở xã Hàm Ninh lũ đã ngập lên gần chạm mái bằng tầng 1. Phó Chủ tịch Võ Hữu Cương đưa tay quệt nước chảy ròng trên mặt: “Toàn bộ 8 cole của xã và các thôn phải chạy hết công lực từ sáng đến giờ. Trời tối sầm, nước lũ lại chảy xiết, biết nguy hiểm nhưng vì tính mạng của bà con mình nên anh em chẳng quản ngại, đến giờ vẫn chưa ăn uống gì”.

Vừa dứt lời, có tin báo thôn Trường Niên có bốn người già đang cần cứu hộ vì lũ đã gần chạm mái nhà. Ánh đèn pin xuyên qua màn mưa chỉ được một khoảng ngắn. Chiếc cole chạy trước, ca nô bám sau để biết được luồn lạch. Lũ cường, ép ca nô đâm vào gốc cây nghe cộp cộp liên hồi. Vừa né được thì đã bị mớ dây diện như đám bùng nhùng chụp xuống khiến cano như lịm máy vì không thể tiến lên. Mất một lúc mới thoát ra được. Khi đưa được cả bốn cụ già về trụ sở thì đồng hồ chỉ 21h.

Máy điện thoại của Thượng tá Đặng Văn Hoàng réo chuông liên tục. “Nhà tui có hai mẹ con, nước ngập đến mái ngói rồi. Phải dỡ ngói chui ra ngoài”.

Mọi người đang tranh thủ nhai mì tôm sống nghe vậy, bất giác ai cũng đưa tay xuống. Cả ngày chưa ăn được miếng gì, lại quần quật trong mưa lũ. Thấy anh em vậy cũng thương lắm. Nhưng tính mạng người dân là trên hết. Mấy anh em xốc lại quân phục, khoác áo phao lên ca nô.

Trong màn đêm dày đặc, tiếng mưa ràn rạt quất lên mũ cối đội trên đầu cũng không át được tiếng kêu cứu của người dân. Chiếc cano vẫn lầm lũi đè lũ trườn đi. Khi đưa được hai mẹ con bà Trần Thị Bốn lên ca nô và cứu hộ thêm ba người phụ nữ đơn thân khác thì cũng đúng nửa đêm.

Cứ nghe điện thoại ở khu vực xã Hàm Ninh là chúng tôi lại lên đường ngay. Nhưng có những cuộc điện thoại kêu cứu trong đêm mà ở địa bàn khác thì chúng tôi nghe se sắt trong lòng. Ai cũng lặng lẽ ngồi không nói. Vẫn biết, những nơi đó vẫn có lực lượng cứu hộ, nhưng không biết có đến kịp không?

Riêng chúng tôi thì không thể đến vì đêm tối, mưa lũ và những con sóng dữ khó mà biết được phương hướng cần đi. Vả lại, lúc này, người dân Hàm Ninh kêu cứu vẫn đang còn nhiều quá. Khi điện thoại của Thượng tá Đặng Văn Hoàng thôi đổ chuông thì đồng hồ chỉ sang con số 5h sáng.

Những hồi chuông gắt, ngắn, dồn dập, mở máy là những tiếng gọi khẩn thiết: “Nhà em có 4 mẹ con ở thôn Trung, xã Võ Ninh cần cứu gấp…”, “Ở nhà em có 2 người trú và em mới sinh cháu được 7 tháng. Các anh ơi cứu với…”, “Có đến được Vạn Ninh cứu nhà em với…”, “Chú ơi nhà cháu ở Hiển Lộc, xã Duy Ninh ngập đến mái rồi, không có cứu giúp chắc trụ không được…”.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.