Bởi sản xuất giống cấp siêu nguyên chủng rất kỳ công, phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật phức tạp với chi phí đầu tư cao. Vả lại, để gieo cấy lúa thương phẩm bình thường, thì đâu nhất thiết cần giống siêu nguyên chủng.
Thị trường Việt Nam xuất hiện nhiều sản phẩm giống lúa Khang dân 18 cấp siêu nguyên chủng |
Vài năm trở lại đây, thị trường “bùng nổ” các sản phẩm lúa giống siêu nguyên chủng. Thậm chí, tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp ở đường làng, ngõ xóm cũng bày bán lúa giống siêu nguyên chủng. Ai mua cũng được, số lượng bao nhiêu cũng có, thậm chí giá mỗi nơi mỗi khác, khiến người mua không biết đâu mà lần.
Với cơ sở sản xuất lúa giống, hạt giống siêu nguyên chủng là cấp giống cao nhất. Lấy ví dụ để dễ hình dung: Từ 1kg hạt giống siêu nguyên chủng có thể tạo ra được khoảng 100kg hạt giống nguyên chủng (sau một vụ gieo cấy). Từ 100kg hạt giống nguyên chủng có thể cho ra 10 tấn lúa giống cấp xác nhận 1, là cấp giống lúa được bán phổ biến trên thị trường để nông dân gieo cấy lúa thương phẩm.
Đối với các giống lúa không có bản quyền (ví dụ như Khang dân 18, Q5...) được trồng phổ biến từ lâu nay, muốn sản xuất được 1 lô giống cấp siêu nguyên chủng phải trải qua 4 vụ gieo cấy để phục tráng, chọn lọc dòng đúng với mô tả về đặc tính giống, đảm bảo độ thuần đạt 100%.
Do tỷ lệ hạt lúa giống đạt tiêu chuẩn thu được rất thấp nên các công ty không dại gì bán ra thị trường. Họ chỉ dùng để nhân ra các cấp giống nguyên chủng, xác nhận rồi mới đưa đến tay nông dân thông qua các kênh phân phối.
Theo ông Nguyễn Văn Hỷ, PGĐ phụ trách kỹ thuật Cty CP Giống cây trồng Hải Dương, giá thành làm ra 1kg hạt giống lúa Khang dân 18 siêu nguyên chủng (đây là một trong những giống lúa dễ làm thuần) khoảng 25.000 đồng. Nếu tính cả chi phí đóng gói, vận chuyển, chiết khấu... đến tay người nông dân không dưới 35 - 40 ngàn đồng/kg.
Nhưng vấn đề mấu chốt là, không ai dại gì bán lúa giống cấp siêu nguyên chủng, bởi số lượng mỗi công ty sản xuất được rất ít (khoảng 20 tấn/năm), chỉ đủ để nhân giống xác nhận (2.000 tấn/năm). Còn ở góc độ người nông dân, cũng không ai đi mua giống siêu nguyên chủng về gieo cấy lúa thương phẩm. Làm thế có người nói, chẳng khác nào lấy con dao bầu để chém một con muỗi.
Vào vai người mua hàng, chúng tôi đi thị sát thị trường lúa giống tại các tỉnh, thành phía Bắc. Thật bất ngờ, ngoài các sản phẩm lúa giống cấp xác nhận thì giống lúa cấp siêu nguyên chủng được bày bán khá nhiều tại các đại lý vật tư nông nghiệp lớn, nhỏ.
Đại lý thích bán sản phẩm hạt giống siêu nguyên chủng hơn bởi chiết khấu cao hơn |
Ông Trần Mạnh Báo kể rằng: "Một nhân viên của Cty CP Giống cây trồng Thái Bình vừa mới chân ướt chân ráo tách ra thành lập doanh nghiệp tư nhân được 2 năm, kinh nghiệm chưa nhiều, vốn đầu tư rất ít, không một tấc đất sản xuất, cơ sở vật chất yếu kém, thế mà họ cho ra thị trường số lượng lớn sản phẩm lúa giống cấp siêu nguyên chủng. Ai cũng biết đó là chuyện không thể tin được, nhưng vấn đề đặt ra là cơ quan nào sẽ kiểm tra, xử lý? Tôi chưa thấy động thái nào quyết liệt và mạnh mẽ của cơ quan nhà nước đối với thực trạng này". |
Điển hình nhất là các giống Khang dân 18 siêu nguyên chủng, Q5 siêu nguyên chủng, Bắc thơm số 7 siêu nguyên chủng, Hương thơm số 1 siêu nguyên chủng... Còn các giống lúa được quảng cáo trên bao bì với nội dung “cấp giống nguyên chủng” thì nhiều không thể đếm xuể.
Bà chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Châu Thoa (địa chỉ tại khu vực Viện Ngô, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng,Hà Nội) cho biết, giá 1kg giống Khang dân 18 siêu nguyên chủng của một công ty chỉ 22.000 đồng, còn sản phẩm lúa giống Khang dân 18 cấp nguyên chủng là 15.000 đồng. Ngoài ra, cửa hàng bà còn bán nhiều giống lúa cấp siêu nguyên chủng và nguyên chủng khác như Q5, Bắc thơm số 7... với giá 22.000 - 25.000 đồng/kg.
Thậm chí, có những công ty còn chân ướt chân ráo trên thị trường giống, mới thành lập từ năm 2014, ví dụ như Cty TNHH Giống cây trồng Tiền Hải (Tiền Hải, Thái Bình), cũng tung ra thị trường lúa giống Khang dân 18 cấp siêu nguyên chủng với giá trên 20.000 đồng/kg...
Phi lý!
Trước thông tin lúa giống siêu nguyên chủng bán với giá chỉ 22.000 đồng/kg, ông Đặng Văn Trung, Phó TGĐ Cty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang, nói thẳng: Đó là điều phi lý, nếu không nói là bịp bợm!
Bản thân công ty ông Trung cũng đang sở hữu một giống lúa bản quyền có tên Thái Bắc 1798. Vì chưa đủ năng lực sản xuất hạt siêu nguyên chủng nên doanh nghiệp này phải đưa giống tác giả cho Cty CP Giống cây trồng Quảng Ninh sản xuất hạt siêu nguyên chủng, sau đó mua lại với giá vài chục ngàn đồng/kg.
Bởi vậy, việc doanh nghiệp nào đó bán lúa siêu nguyên chủng với giá khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg là khó tin. Bởi trong hoạt động thương mại giống cây trồng, ngoài chi phí sản xuất giống, nhà cung ứng giống còn phải chịu rất nhiều chi phí khác, ví dụ như kho lưu trữ bảo quản, vận chuyển, bao bì nhãn mác, quảng cáo tiếp thị sản phẩm... khiến giá thành hàng hoá đội lên rất lớn.
Trước tình trạng này, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam, nói thẳng: “Chẳng có doanh nghiệp lúa giống nào có thừa hạt siêu nguyên chủng để bán như vậy. Đó là hành vi lừa dối nông dân. Đáng tiếc rằng, có cả công ty giống cây trồng rất tiếng tăm ở Việt Nam cũng là một trong những tác giả của “trò lừa” này, từ đó tạo thói quen xấu cho các công ty nhỏ bắt chước làm theo”.Ông Đỗ Thanh Tùng, Giám đốc Cty TNHH Hạt giống Việt - một trong những thành viên tham gia dịch thuật Luật Trồng trọt của một số quốc gia phát triển để góp ý vào dự thảo Luật Trồng trọt của Việt Nam, chia sẻ: “Tôi chưa thấy cơ sở sản xuất giống cây trồng ở quốc gia nào trên thế giới bán sản phẩm lúa giống cấp siêu nguyên chủng và nguyên chủng như Việt Nam. Họ chỉ bán giống lúa ở cấp xác nhận, bởi chi phí sản xuất hạt siêu nguyên chủng cực lớn, nông dân không thể mua được. Và xét về hiệu quả kinh tế, nếu chỉ gieo cấy lấy lúa thương phẩm ăn thì sử dụng hạt giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận không tạo ra sự khác biệt lớn về năng suất, chất lượng. Bởi lúa giống cấp xác nhận đã hội tụ đầy đủ các đặc tính tốt nhất của một giống cây trồng”.
"Câu" người mua Chủ một đại lý kinh doanh giống cây trồng tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam bật mí, tâm lý của nông dân rất chuộng lúa giống siêu nguyên chủng, bởi họ nghĩ rằng lúa siêu nguyên chủng sẽ cho năng suất và chất lượng tốt hơn lúa giống cấp xác nhận. Mỗi sào Bắc bộ chỉ cần 1,5kg thóc giống. Họ chấp nhận mất thêm 10.000 đồng chi phí đầu tư giống (so với lúa giống cấp xác nhận) để có một ruộng lúa bội thu. "Còn chúng tôi cũng thích “câu” nông dân mua lúa giống siêu nguyên chủng hơn, vì mỗi kg lúa giống siêu nguyên chủng đại lý “ăn” trắng 4.000 - 5.000 đồng tiền phần trăm chiết khấu, còn nếu bán lúa giống cấp xác nhận hoặc nguyên chủng, mức chiết khấu chỉ khoảng 2.000 đồng", chủ đại lý này nói. |