Tình trạng lấn chiếm hành lang, vi phạm pháp luật về đê điều vẫn còn nhiều, đòi hỏi nỗ lực giải quyết của tỉnh Thái Nguyên. |
Cơ quan thường trực quản lý và bảo vệ đê điều tỉnh Thái Nguyên đã thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương có đê tiến hành kiểm tra xử lý, các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, đã phát hiện, lập biên bản, xử lý hàng trăm vụ. Tuy nhiên, số vụ tồn đọng cũng còn rất nhiều.
Từ công trình đại thủy nông Hồ Núi Cốc
Mấy năm trước, dư luận tỉnh Thái Nguyên đặc biệt lo lắng về những công trình xây dựng bành trướng, vi phạm Pháp lệnh kKai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, vi phạm nghiêm trọng hành lang bảo vệ hồ Núi Cốc. Các cơ quan chức năng địa phương đã phải “cầu cứu”, cuối cùng, UBND tỉnh Thái Nguyên đích thân đứng ra chỉ đạo xử lý vụ việc.
Gần đây nhất, tuyến đường giao thông nông thôn loại A trên địa bàn xã Phúc Tân (thị xã Phổ Yên) dù đã được thẩm định thiết kế nhưng lại vi phạm cả quy định của UBND tỉnh cũng như Luật Thủy lợi.
Cụ thể, năm 2011, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quy chế quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng theo đồ án quy hoạch xây dựng vùng du lịch quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định quy định rõ, cao độ xây dựng các công trình chung quanh hồ phải bảo đảm tối thiểu từ 50m trở lên (bằng với mặt đập chính) nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ cảnh quan ở đây.
Luật Thủy lợi cũng quy định “Vùng phụ cận của lòng hồ chứa nước có phạm vi được tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đỉnh đập trở xuống phía lòng hồ”. Đối với hồ Núi Cốc, phạm vi bảo vệ vùng lòng hồ Núi Cốc có cao trình từ 50m trở xuống phía lòng hồ.
Tuy nhiên, theo bản thiết kế đã được phê duyệt thì tuyến đường giao thông nông thôn loại A, dài gần 2,1km, vốn đầu tư gần 13 tỷ đồng từ ngân sách, chạy ven hồ Núi Cốc trên địa bàn xã Phúc Tân, nhiều đoạn chỉ có cao độ (còn gọi là cốt đường) 48,75m. Rõ ràng, đơn vị tư vấn khảo sát, lập thiết kế, thẩm tra tuyến đường đến các đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt dự án tuyến đường nêu trên đều chưa căn cứ các quy định hiện hành, không tham vấn ý kiến đơn vị quản lý hồ Núi Cốc dẫn đến những vi phạm hành lang bảo vệ hồ.
Việc khắc phục nhiều đoạn của tuyến đường vi phạm hành lang bảo vệ hồ Núi Cốc là rất khó khăn vì phải nâng mặt đường lên trên cao trình 50m, phải làm lại toàn bộ quy trình đầu tư, thiết kế. Thiệt hại về kinh tế dự kiến tăng thêm 5 tỷ đồng. Trong khi đó, người dân địa phương thì bức xúc vì hiến đất để mong sớm có công trình giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giờ đường cũ bị lấp bỏ, đường mới ngổn ngang đất đá, lầy lội không biết đến bao giờ mới xong.
Đến các tuyến đê
Thái Nguyên hiện có 6 tuyến đê với tổng chiều dài gần 50km trải dọc theo bờ hữu sông Cầu và bờ tả sông Công. Đi kèm hệ thống đê, có 17 kè lát mái và 5 kè mỏ hàn cứng, 21 cống tiêu thoát lũ dưới đê.
Hệ thống đê này có nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, tài sản cho các khu dân sinh, kinh tế, khu công nghiệp của Trung ương và địa phương, các cơ sở quốc phòng và hàng nghìn héc ta đất canh tác cho thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã phổ Yên và huyện Phú Bình... Tuy nhiên, thời gian qua, tại các tuyến đê trên đã xuất hiện nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều.
|
Vấn nạn khai thác cát sỏi vẫn tiếp diễn, tạo sức ép không nhỏ đối với công tác bảo vệ hành lang an toàn công trình thủy lợi. |
Ông Nguyễn Văn Bắc, Chi cục phó Chi cục Thuỷ lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên cho biết, những năm qua, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Các đối tượng vi phạm cố tình làm lều, quán, xây dựng tường rào, làm mái hiên... trong hành lang bảo vệ đê. Cá biệt có một số trường hợp xây dựng công trình kiên cố, đổ rác thải trong hành lang bảo vệ đê, kè, cống ảnh hưởng đến an toàn công trình đê, đặc biệt là khi có mưa, lũ xảy ra.
Thống kê, hằng năm có hàng trăm vụ vi phạm đã được xử lý nhưng số vụ tồn đọng cũng không ít. Theo đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tư xây dựng tại các tuyến đê tại Thái Nguyên trước hết là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế.
Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương, đặc biệt là chính quyền các xã, phường nơi có các tuyến đê đi qua chưa thực hiện hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật, ngăn chặn, xử lý vi phạm thiếu kiên quyết dẫn đến tình trạng nhiều vụ vi phạm cũ chưa được giải quyết dứt điểm đã phát sinh thêm các vụ vi phạm mới.
Một thực tế nữa là do tồn tại từ quá khứ, các khu dân cư, cơ sở sản xuất đã hình thành trong phạm vi bảo vệ đê trước khi có Pháp lệnh Đê điều nên gây khó khăn cho các cấp, ngành chức năng của tỉnh trong việc giải toả, di dời các công trình vi phạm. Ở một số vụ vi phạm khác, mặc dù đã có chế tài, hướng dẫn, nhưng chưa có trường hợp nào bị các địa phương xử phạt hành chính về lĩnh vực đê điều.
Đặc biệt, một số địa phương, ngành khi cấp phép cho các hoạt động sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ đê chưa quan tâm đến pham vị điều chỉnh của pháp luật về đê điều và phòng chống lụt bão cũng như không tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn nên đã cấp đất, giao đất, cho thuê đất, thực hiện hợp đồng sử dụng bến bãi, xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê, hành lang thoát lũ...
Vấn nạn khai thác cát sỏi
Tình trạng cát tặc lộng hành và ngay cả những mỏ khai thác cát được cấp phép có nguy cơ lớn đối với an toàn đê điều trên địa bàn Thái Nguyên. PV Báo NNVN đã từng đi dọc sông Cầu qua 5 huyện, thành của tỉnh Thái Nguyên, tận mắt được chứng kiến những khu vực lòng sông bị tàn phá bởi tàu hút cát.
Có những đoạn sông bị công trường khai thác cát sỏi làm biến dạng hoàn toàn. Tình trạng khai thác cát sỏi trái phép diễn ra trong nhiều năm qua đang bức tử Sông Cầu. Dòng chảy bị thay đổi.
Trong khi đó, tại những vị trí mỏ cát được cấp phép thì việc ảnh hưởng đến an toàn đê điều cũng dễ dàng nhận ra. Tình hình khai thác cát sỏi và các phương tiện vận chuyển đi trên đê của các đơn vị, doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác kinh doanh, thăm dò làm hư hỏng mặt đê, ảnh hưởng đến an toàn công trình và gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý.
Tuyến đường được phê duyệt xây dựng vi phạm các quy định của UBND tỉnh Thái Nguyên cũng như Luật Thủy lợi về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi. |
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên cho biết, thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành liên quan tiến hành giải toả các công trình trong phạm vi 5m tính từ chân đê trở ra theo đúng quy định về hành lang bảo vệ đê đối với đê đi qua khu dân cư, khu đô thị. Đối với các công trình nhà ở riêng biệt không thuộc khu dân cư tập trung, xử lý giải toả theo hành lang bảo vệ đê 25m, tính từ chân đê trở ra.
Đồng thời, phối hợp với chính quyền cấp huyện và cấp xã, nơi có tuyến đê đi qua tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật đê điều và phòng, chống lụt bão; tiếp tục triển khai ký cam kết không vi phạm pháp luật đê điều đối với các phường, xã có đê...