| Hotline: 0983.970.780

Trăn trở với đặc sản rươi

Thứ Năm 15/07/2021 , 14:01 (GMT+7)

Rươi có giá trị kinh tế cao và làm được nhiều món ăn đặc sản nhưng về cơ bản chưa được quan tâm chế biến thành thương hiệu để nâng cao giá trị kinh tế.

Khoảng 70% sản lượng rươi được xuất sang Trung Quốc. Ảnh: Đinh Mười.

Khoảng 70% sản lượng rươi được xuất sang Trung Quốc. Ảnh: Đinh Mười.

Hải Phòng được xem là địa phương có diện tích đầm rươi lớn hàng đầu cả nước với khoảng 1.200ha. Do gần cửa biển, nước lợ có độ mặn cao nên rươi ở Hải Phòng thường mỏng vỏ, nhiều trứng và được đánh giá rất ngon, sản phẩm người dân làm ra thường không đủ để bán.

Rươi có giá trị kinh tế cao, có thể chế biến thành những món ăn ngon đặc sản nhưng sau khi thu hoạch chủ yếu được các thương lái thu mua và xuất sang Trung Quốc khoảng 70%, còn lại được tiêu thụ trong nước. Điều này, tuy có lợi nhuận cao nhưng chưa tận dụng hết thế mạnh, giá trị của sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Nhung, một chủ đầm rươi ở xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, đồng thời cũng là một đầu nậu thu mua rươi lớn cho biết, rươi Hải Phòng được thị trường ưa chuộng, sản phẩm làm ra được thu mua ngay tại ruộng với giá cao.

"Trung bình mỗi năm tôi thu mua cung ứng cho thị trường Trung Quốc từ 40-50 tấn rươi tươi, nguồn thu không phải nhỏ, có thể nói là sống khỏe với việc buôn bán này. Tuy nhiên, tôi luôn trăn trở với rươi, với các sản phẩm chế biến từ rươi. Đây là món đặc sản, có thể chế biến được nhiều món ăn ngon, những sản phẩm đặc trung của vùng miền có giá trị kinh tế cao" - chị Nhung chia sẻ.

Sinh ra từ gia đình có gốc gác từ ngành nông nghiệp, quá trình làm việc được đi nhiều, tiếp xúc nhiều, thấy các tỉnh có đặc sản vùng miền rất đặc trưng của địa phương, nhiều nơi rất khó khăn nhưng các cá nhân, tổ chức làm rất tốt. Nhìn về Hải Phòng, có rươi là đặc sản, điều này ai cũng biết nhưng chưa có sản phẩm nào ‘ra hồn', chưa có đơn vị nào chế biến chuyên sâu.

Điều này khiến chị Nhung nhiều đêm trăn trở và quyết định mạo hiểm đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng chuỗi sản xuất, chế biến các sản phẩm từ rươi thành đặc sản vùng miền, cung cấp ứng rộng rãi ra thị trường.

“Việc xuất thô giá trị đã rất cao rồi nên hầu như không ai quan tâm đến chế biến. Với giá trị sẵn có của con rươi, nếu được chế biến, đầu tư bài bản chắc chắn giá trị của 1kg rươi sẽ lớn hơn nhiều chứ không chỉ quanh quẩn 300-400 nghìn đồng”, chị Nhung bộc bạch.

Chị Nguyễn Thị Nhung chia sẻ với PV về mong muốn đưa sản phẩm từ rươi lên tầm cao mới. Ảnh: Đinh Mười.

Chị Nguyễn Thị Nhung chia sẻ với PV về mong muốn đưa sản phẩm từ rươi lên tầm cao mới. Ảnh: Đinh Mười.

Là người gắn bó với rươi nhiều năm nay, chị Nhung nhận định, rươi là đặc sản, rất ngon tuy nhiên không phải ai cũng có thể tiếp cận. Một phần do giá cả đắt đỏ, một phần vì chưa được đầu tư bài bản từ chế biến cho đến các kênh bán hàng nên nhiều người "có tiền, muốn muốn mua nhưng không biết mua ở đâu".

Do đó, để đông đảo người tiêu dùng ai cũng có thể sử dụng các sản phẩm từ rươi, cần có cơ sở chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn nguyên liệu đảm bảo và có chuỗi phân phối, bán hàng chuyên nghiệp, để đưa sản phẩm đi khắp nơi.

“Để có thể kinh doanh chế biến rươi, phải có lượng hàng dự trữ đủ lớn để chế biến trong cả năm. Ít nhất phải từ 20-30 tấn rươi, với giá thị trường khoảng 400.000đ/1kg thì từng đó cũng đã 12 tỷ rồi. Sau khi đầu tư, còn phải nhà xưởng, nhà cấp đông, nhân công… Tiền bỏ ra ban đầu rất lớn, tuy nhiên chưa biết thị trường như thế nào, có bán được không, trong khi đó, nếu bán tươi thì sẽ bán được luôn với giá cao. Đây là cái khó đầu tiên nhìn vào ai cũng nản, đó chính là lý do đến nay chưa ai dám đầu tư mạnh vào lĩnh vực này”, chị Nhung thẳng thắn.

Để hiện thực hóa dự định, bước đầu chị Nhung đã đầu tư hệ thống cấp đông đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi châu Âu, rươi sau khi thu mua và sơ chế sẽ được sơ chế và cấp đông ở nhiệt độ âm 60 độ C, đảm bảo giữ nguyên chất lượng phục vụ sơ chế trong 1 năm, thậm chì là lâu hơn.

Rươi được kho từ 5-6h bằng những gia vị đặc trưng của vùng đất Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Rươi được kho từ 5-6h bằng những gia vị đặc trưng của vùng đất Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Đối với vùng nguyên liệu, ngoài vùng rươi rộng hơn 30ha của gia đình, cơ sở đã tiến hành ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân và các thương lái để đảm bảo nguồn hàng phong phú.

Hiện tại cơ sở chế biến của chị Nhung đang đưa 2 sản phẩm ra thị trường là rươi kho và chả rươi, các sản phẩm này được chế biến phương pháp cổ truyền, không có hương liệu, gia vị đặc trưng của vùng miền, không dùng chất bảo quản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sản phẩm sau chế biến được tiêu thụ tại siêu thị, nhà hàng, bếp ăn và bán lẻ thông qua các kênh online. Còn tại các địa phương, vùng miền, một số đơn vị có tiềm lực mạnh được cơ sở ký hợp đồng cho phân phối độc quyền. Về cơ bản, các sản phẩm chế biến từ rươi được người tiêu dùng ưa thích và luôn trong tình trạng 'cháy' hàng.

Theo Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng, cơ sở chế biến rươi của chị Nguyễn Thị Nhung là một trong những cơ sở có quy mô và đầu tư bài bản. Sau khi kiểm tra, thẩm định, đơn vị đã cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để chế biến và kinh doanh đối với 2 sản phẩm rươi kho và chả rươi của cơ sở theo quy định.

 

Xem thêm
Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn Việt Nam

Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan, Lào và Campuchia.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.