Đậu phụ vốn là một món ăn truyền thống và được thường xuyên sử dụng trong bữa ăn của mỗi gia đình Việt, vừa có tác dụng giảm cân, làm đẹp và chống lão hóa nhưng đa số đậu phụ hiện nay trên thị trường đều không được rõ ràng về nguồn gốc và tiềm ẩn nguy cơ độc hại với các loại đỗ biến đổi gen, chất bảo quản...
Mới đây, qua giới thiệu chúng tôi được biết đến chị Đỗ Thị Hoa, người huyện An Dương, TP Hải Phòng, là chủ nhân dự án khởi nghiệp “chế biến sản phẩm đậu phụ từ đỗ tương không biến đổi gen, kết đông bằng muối Nigari của Nhật Bản theo phương pháp thủ công” với thương hiệu đậu Hansoy.
Dự án được dư luận rất quan tâm thời gian gần đây, do liên quan trực tiếp đến vấn đề ăn uốn hàng ngày, đến sức khỏe con người, đặc biệt là khắc phục được nỗi lo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất đậu phụ cũng như từ các sản phẩm từ đậu nành.
Chị Hoa vốn dĩ là nhân viên của một doanh nghiệp Nhật Bản đứng chân trên địa bàn TP Hải Phòng với mức lương nhiều người mơ ước, chưa từng làm kinh doanh, chưa từng làm sản xuất. Chỉ vì một lần được ăn đậu phụ của Nhật Bản, thấy quá lạ và ngon, sẵn gia đình có truyền thống làm nghề này nên chị quyết định ‘bỏ’ việc để về quê khởi nghiệp.
“Qúa trình làm việc cho doanh nghiệp của Nhật, tôi từng ăn một số sản phẩm đậu của họ, rất là ngon và mềm. Lương của tôi lúc đó hơn 1.000USD, chưa phải là cao nhưng thời điểm năm 2017 cũng không phải là con số nhỏ. Tuy nhiên, tôi muốn tạo ra một sản phẩm ngon, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng nên tôi quyết định nghỉ việc và bắt tay vào thực hiện dự định” – chị Hoa chia sẻ.
Theo chi Hoa, quy trình bình thường để làm đậu phụ có nhiều công đoạn như: xay đậu tương, lọc, nấu rồi kết đông. Bình thường các mô hình sản xuất truyền thống sẽ sẽ dùng nước chua để kết đông, nước chua chính là nước chắt ra trong quá trình làm đậu, được sử dụng đi, đi sử dụng lại nhiều lần để ‘làm mồi’. Trong quá trình bảo quản nước này dễ xảy ra nhiễm khuẩn, chất lượng đậu không ngon và không đảm bảo sức khỏe và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để có sản phẩm đậu phụ an toàn, đảm bảo vệ sinh, nguyên liệu làm đậu được chị Hoa sử dụng là 100% sữa đậu nành không biến đổi gel, còn quá trình kết đông sẽ dùng nước muối Nigari nhập khẩu từ Nhật Bản và sử sụng nước lọc tinh khiết trong quá trình chế biến.
Để hoàn thành dự định, chị Hoa đã tìm về vùng trồng rau củ tập trung ở Khoái Châu, Hưng Yên để khảo sát và ký hợp đồng bao tiêu đậu nành không biến đổi gen của người dân. Còn các nguyên liệu phục vụ công tác sản xuất khác, phần được nhập khẩu, phần thì kế thừa từ cơ sở đang hoạt động của gia đình.
“Thật ra tôi vẫn làm theo hướng thủ công, tuy nhiên, mục tiêu muốn hướng đến là sản phẩm sạch, an toàn chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Nguồn đỗ tương sẽ làm thành phần chính, rất quan trọng với sản phẩm đậu, sau đó, quá trình chế biến có kết hợp với nước muối Nigari của Nhật để kết đông. Muối này ngoài tác dụng như cải thiện được đường tiêu hóa, còn có lợi cho 1 số bệnh như tiểu đường, theo khoa học thì chất này có lợi cho quá trình trao đổi chất. Còn đối với làm đậu giúp cho miếng đậu mềm, giữ cho miếng đậu thơm, thanh” – chị Hoa cho hay.
Theo Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng, sản phẩm đậu phụ Hansoy được sản xuất trên cơ sở nguyên liệu đầu vào từ các hộ trồng đỗ tương tại khu vực trồng rau củ an toàn thuộc xã Thành Công, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia chuỗi cung ứng có đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, sản phẩm đậu Hansoy có kết quả giám sát đạt yêu cầu. Hiện tại, sản phẩm đậu phụ và sữa đậu nành Hansoy đã có mặt tại hàng trăm điểm bán, cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trên địa bàn thành phố Hải Phòng và 1 số địa phưng lân cận.