| Hotline: 0983.970.780

Trang bị kỹ năng xử lý tình huống thiên tai cho ngư dân

Thứ Tư 15/11/2023 , 15:32 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Hiện bước vào mùa mưa bão, việc hướng dẫn, tuyên truyền cho ngư dân phòng tránh rủi ro, trang bị kỹ năng xử lý tình huống thiên tai là rất cần thiết.

Lực lượng chức năng kiểm tra tàu cá trước khi cho tàu xuất bến. Ảnh: KS.

Lực lượng chức năng kiểm tra tàu cá trước khi cho tàu xuất bến. Ảnh: KS.

Ngư dân chủ động ứng phó thiên tai

Những ngày qua, tại cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang), nhiều tàu cá trong và ngoài tỉnh làm thủ tục để vươn khơi khai thác cá ngừ sọc dưa, cá ngừ đại dương. Thời điểm này đang bước vào mùa mưa bão nên trước khi chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày ngoài khơi xa, hầu hết ngư dân đều theo dõi dự báo thời tiết trên biển. 

“Thông thường, trước khi chúng tôi vươn khơi sẽ theo dõi dự báo thời tiết trên biển ít nhất khoảng 10 ngày tới. Nếu thời tiết đảm bảo an toàn tuyệt đối mới cho tàu vươn khơi. Trong quá trình đánh bắt mà nhận thấy thời tiết có dấu hiệu bất thường, các tàu sẽ nhanh chóng di chuyển vào bờ hoặc tìm đến nơi gần nhất để tránh trú an toàn”, ngư dân Cao Văn Thơ, chủ tàu KH 99789 TS, ở xã Phước Đồng (TP Nha Trang) bày tỏ.

Ngoài theo dõi thời tiết, ông Thơ cho rằng, việc kiểm tra, sửa chữa máy móc, thiết bị hàng hải, máy thông tin liên lạc, tín hiệu, trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa là rất cần thiết mỗi khi vươn khơi bám biển.

Ngư dân Trần Son, chủ tàu KH 96255 TS, ở phường Vĩnh Phước (TP Nha Trang) cho biết, để đảm bảo an toàn cho chuyến biển dài ngày, cách đây 3 tháng, ông đã cho tàu lên đà để làm nước, kiểm tra, sửa chữa máy móc, thiết bị hàng hải, máy thông tin liên lạc… Không những thế, trước khi làm thủ tục xuất bến, ông còn kiểm tra lại toàn bộ trang thiết bị trên tàu nhằm giảm thiểu rủi ro khi đi biển mùa mưa bão.

Tàu cá chuẩn bị nguyên vật liệu để vươn khơi bám biển. Ảnh: KS.

Tàu cá chuẩn bị nguyên vật liệu để vươn khơi bám biển. Ảnh: KS.

Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, toàn tỉnh có 3.191 tàu cá khai thác hải sản trên biển, trong đó 660 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động ở vùng biển xa.

Ông Nguyễn Văn Ba, phụ trách Ban Quản lý cảng Hòn Rớ cho biết, để đảm bảo an toàn cho tàu cá vươi khơi bám biển, trước khi tàu vươn khơi, Ban Quản lý phối hợp với Chi cục Thủy sản và Bộ đội Biên phòng kiểm tra, kiểm soát hồ sơ về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, văn bằng, chứng chỉ, danh bạ thuyền viên. Đồng thời kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, thiết bị hàng hải, máy thông tin liên lạc, định vị và các trang bị cứu sinh, cứu hỏa trên các tàu cá. Khi những tàu đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị theo quy định mới được cho xuất bến. 

Bên cạnh đó, trong mùa mưa bão, Ban Quản lý cũng thường xuyên mở loa phát thanh về bản tin thời tiết để bà con nắm bắt, chủ động vươn khơi đánh bắt an toàn. Ngoài ra, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, Ban Quản lý tích cực hướng dẫn ngư dân cho tàu vào khu neo đậu tránh trú an toàn.

Sẵn sàng hỗ trợ ngư dân

Ông Trần Duy Nhất, Trưởng trạm Kiểm ngư Nha Trang (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa) cho biết, vào mùa mưa bão, để hoạt động khai thác hải sản trên biển thuận lợi, Chi cục phối hợp cơ quan chức năng và địa phương tích cực tuyên truyền cho ngư dân về điều kiện bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền khi ra khơi, nhất là các tàu đánh bắt xa bờ.

Hiện nay công tác đảm bảo an toàn về người và phương tiện khi tham gia sản xuất trên biển được cơ quan chức năng và cộng đồng ngư dân trong tỉnh quan tâm, chú trọng. Việc thực hiện đăng kiểm an toàn kỹ thuật tàu cá được triển khai nghiêm ngặt để hạn chế thấp nhất rủi ro từ các sự cố khi tàu hoạt động trên biển.

Ngư dân đánh bắt cá ngừ cập cảng Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: KS.

Ngư dân đánh bắt cá ngừ cập cảng Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: KS.

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, để đồng hành cùng ngư dân, Trung tâm Giám sát tàu cá tại Chi cục Thủy sản đã bố trí lực lượng trực ban 24/7, từ đó theo dõi chặt chẽ các tàu cá của Khánh Hòa hoạt động trên các vùng biển. Đồng thời duy trì thông tin liên lạc với gia đình chủ phương tiện, thuyền viên, kịp thời phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các tàu bị nạn.

Đặc biệt, những năm qua, Chi cục Thủy sản còn đẩy mạnh việc tổ chức hoạt động sản xuất trên biển theo mô hình tổ, đội nhằm giúp ngư dân đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau mỗi khi các tàu gặp nạn trên biển. Cho đến nay, toàn tỉnh có 80 tổ hợp tác sản xuất an toàn trên biển, mỗi tổ có từ 5 - 8 tàu cá.

Theo ông Trần Duy Nhất, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 6 tàu cá bị nạn trên biển, trong đó 2 tàu bị chìm, 1 tàu bị phá nước được các tàu khai thác ở gần hỗ trợ lai dắt về bờ, 1 tàu bị hỏng máy và 2 tàu có 2 lao động bị tai nạn. Các vụ việc được cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời nên hạn chế thiệt hại thấp nhất.

Điển hình trong tháng 6 vừa qua, tàu cá KH 91054 TS của ngư dân Nguyễn Thiện, ở phường Vĩnh Phước (TP Nha Trang) bị tàu hàng đâm chìm trên biển và trên tàu có tất cả 10 thuyền viên. Sau khi nắm bắt vụ việc cơ quan chức năng đã thông báo cho 2 tàu cá Khánh Hòa khai thác gần khu vực tàu bị nạn hỗ trợ, ứng cứu kịp thời đưa về bờ an toàn. Còn tàu chìm cũng được các tàu khai thác cùng hỗ trợ kéo về cảng Hòn Rớ để sửa chữa.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.