| Hotline: 0983.970.780

Trắng tay, lâm cảnh nợ nần vì cá cuốn theo nước lũ

Thứ Tư 02/10/2024 , 14:50 (GMT+7)

Chỉ trong chớp mắt, những hộ nuôi thủy sản ở Lào Cai bỗng lâm cảnh nợ nần, trắng tay vì hàng triệu con cá giống, cá thương phẩm bị nước lũ cuốn trôi.

Góc tường bao ao nuôi của hộ dân ở xã Quang Kim (huyện Bát Xát, Lào Cai) chỉ còn là đống đổ nát sau bão. Ảnh: H.Đ.

Góc tường bao ao nuôi của hộ dân ở xã Quang Kim (huyện Bát Xát, Lào Cai) chỉ còn là đống đổ nát sau bão. Ảnh: H.Đ.

Cá quý hiếm, cá giống "sạch bách” không còn một con

Trại nghiên cứu và sản xuất giống của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai ở xã Quang Kim (huyện Bát Xát, Lào Cai) bố trí 4 ao nuôi cá quý hiếm để bảo tồn. Thế nhưng, bão số 3 đã gây ngập úng, lũ diện rộng, phá hủy tường rào của trung tâm.

Chỉ vào dấu vết bùn đất còn sót lại, ông Phạm Quốc Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai xót xa, nước lên cao trên đầu người, gây sập tường xây kiên cố của trung tâm khiến toàn bộ 150 cặp cá bố mẹ, gần 1 triệu cá giống bị cuốn theo nước lũ, trôi ra ngoài.

Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai có 2ha nước mặt với 32 ao cá chủ yếu để sản xuất cá chép giống và nuôi cá bảo tồn. Hiện tại, các ao nuôi chỉ toàn bùn đất, chưa thể khôi phục sản xuất và thực hiện công tác nghiên cứu. Cán bộ trung tâm được huy động lên đầu nguồn, cách trung tâm 2km, để xúc dọn cát, khơi thông nước. Tuy nhiên, nước chảy về rất đục, chưa thể dẫn trở lại các ao nuôi. 

“Để khôi phục, chúng tôi phải nạo vét toàn bộ các ao, rắc khoảng 7 tấn vôi bột khử trùng… Song, khó khăn nhất vẫn là để tạo ra một cặp cá bố mẹ cần 3-4 năm. Từ nay đến khi chọn tạo được các cặp cá bố mẹ, có thể thuần thục sinh sản cá giống, trung tâm sẽ gặp nhiều vất vả”, ông Phạm Quốc Cường chia sẻ.

Các ao tại trung tâm hiện nổi váng vàng khè, nước bị nhiễm phèn, sắt. Cán bộ trung tâm đã sử dụng lưới để kiểm tra số lượng cá còn sót lại trong ao, hy vọng vớt vát lại được chút ít, nhưng chỉ bắt được vài con cá rô, “đòng đong cân cấn”. 

Ngoài cơ sở hạ tầng, vườn ươm cây ôn đới như lê, đào, mận, ruộng lúa nhân dòng… của trung tâm cũng bị ngâm nước, bùn vùi lấp. Ước tính tổng thiệt hại gần 1,3 tỷ đồng. Chưa kể, việc làm, đời sống của hàng chục con người tại trung tâm cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai, trung tâm đã có báo cáo cụ thể tới Sở NN-PTNT tỉnh để tìm giải pháp gỡ khó, sớm khôi phục việc nghiên cứu, sản xuất giống và sửa chữa cơ sở hạ tầng.

Khu trại nghiên cứu sản xuất giống của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai. Ảnh: H.Đ.

Khu trại nghiên cứu sản xuất giống của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai. Ảnh: H.Đ.

Trắng tay, ôm nợ sau mưa lũ 

Xã Quang Kim của huyện Bát Xát là địa phương phát triển trọng tâm vào nuôi thủy sản nước ngọt. Thế nhưng, hàng chục tấn cá của bà con nông dân bị lũ cuốn trôi.

Ông La Văn Sằng ở thôn Làng Kim, xã Quang Kim có 0,3ha mặt nước nuôi cá thương phẩm, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Từ nuôi cá, gia đình ông có của ăn của để, vươn lên thành hộ khá trong xã. Tuy nhiên, mưa lũ phút chốc khiến cho gia đình ông trắng tay. 

“Chiều 9/9, lũ bắt đầu về, đến tối đã dâng cao ngập vào ao. Tôi và gia đình chăng lưới nhưng bất lực, nước quá cao, chảy xiết nên không giữ lại được con cá nào”, ông Sằng cho hay.

Ông Phạm Văn Hàn là một trong những người đầu tiên ở xã Quang Kim nuôi cá lăng chấm (cá quất) với hy vọng loại cá đặc sản này sẽ giúp đổi đời. Gia đình ông vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng ao nuôi rất bài bản, bờ ao được kè cứng bằng bê tông. Các phương tiện cơ giới có thể lưu thông dễ dàng tới các ao cá khi đến vụ đánh bắt… 

Sau lũ, ông và các thành viên đang cố gắng dọn dẹp bùn đất, vớt vát những gì còn sót lại. Hơn 1 tấn cá ngạnh (trị giá 150 triệu đồng), 1,5 tấn cá lăng chấm (trị giá hơn 1 tỷ đồng), 1 tấn cá trắm đen (trị giá 200 triệu đồng), 0,5 tấn cá chép (trị giá 50 triệu đồng)… đều sạch bách, không còn một con. Tường rào, bờ kè và máy móc phục vụ nuôi thủy sản bị lũ phá hủy. 

“Có muốn nuôi thả lại cũng mất rất nhiều công sức, thời gian để nạo vét, tẩy trùng ao nuôi nhưng toàn bộ vốn liếng đã đổ dồn vào trước đây mất sạch. Hơn 400 triệu đồng nợ ngân hàng chưa biết tính sao”, ông Phạm Văn Hàn lo lắng. 

Xã Quang Kim là địa phương có diện tích nuôi cá lớn của huyện Bát Xát. Mỗi năm có hàng trăm tấn cá sạch cung cấp cho thị trường của huyện, thành phố Lào Cai. Trận mưa lũ vừa qua đã làm người nuôi thủy sản thiệt hại nhiều tỷ đồng. 

Ông Ngô Hoàng Sơn, Chủ tịch UBND xã Quang Kim (huyện Bát Xát, Lào Cai), cho hay, "trước những thiệt hại này, chúng tôi đang tuyên truyền, vận động bà con vệ sinh, tẩy trùng ao cá để sớm thả cá trở lại. Với các hộ bị thiệt hại lớn xã rà soát, tính toán xem có nguồn nào để hỗ trợ bà con…".

Ao nuôi cá của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai chỉ còn lại bùn đất. Ảnh: H.Đ. 

Ao nuôi cá của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai chỉ còn lại bùn đất. Ảnh: H.Đ. 

Rà soát, hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản

Tính tới ngày 27/9/2024, thiệt hại về chăn nuôi, thú y, thủy sản toàn tỉnh Lào Cai là 270,7 tỷ đồng. Trong số 401ha nuôi thủy sản bị ảnh hưởng thì có hơn 331ha thiệt hại trên 70%. Cá thương phẩm bị chết, lũ cuốn trôi do vỡ ao, vỡ bể lên tới 3.050 tấn, trong đó cá nước ấm là 2.914 tấn.

Một số khu vực hiện đi lại vẫn khó khăn do sạt lở, nguồn nhân lực mỏng, các địa phương đang tiếp tục thống kê, cập nhật nên số liệu sẽ có sự biến động. Tỉnh Lào Cai sẽ khắc phục sản xuất với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật về xử lý môi trường, chuẩn bị giống, vật tư sản xuất...

Theo ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, việc rà soát, thống kê thiệt hại về chăn nuôi để xây dựng phương án hỗ trợ thiệt hại cho người dân và mức hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Về kinh phí, hỗ trợ thiệt hại đối với hơn 327ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại gồm ao hồ, diện tích lồng bè nước ngọt với tổng kinh phí hơn 3.842 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 80% và nguồn ngân sách địa phương 20% (quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 7 Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ).

Hỗ trợ mua vật tư, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản 2.018 triệu đồng phục vụ công tác khử độc tiêu trùng cho 336ha diện tích ao hồ, bể nuôi thủy sản bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3.

Trong đó, đối với lĩnh vực thủy sản, giải pháp cho ao nuôi bị ảnh hưởng bởi lượng nước mưa, không bị bùn đất tràn vào ao, bà con cần chủ động tháo nước tầng, mặt để giảm bớt lượng nước mưa có trong ao, dùng vôi bột nước để cân bằng, ổn định môi trường nước trong ao.

Với nuôi cá nước lạnh, cần gia cố, kiểm tra hệ thống cấp nước và thoát nước, tiến hành thay 60-80% lượng nước trong bể nuôi, phòng bệnh cho cá bằng sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để tiêu diệt các sinh vật gây hại.

Các bể, ao bị lũ tràn qua, có nhiều bùn đất phù sa trong ao, bể nuôi cần vớt bỏ hết rác thải nổi trên mặt ao, sau đó tháo hoặc bơm cạn nước ao để hút bùn loãng và nạo vét đáy ao cho sạch, phơi nắng 5-7 ngày để giúp đáy ao được khoáng hóa, phân hủy các chất độc còn tồn đọng. Dùng vôi bột rải đáy và bờ ao để diệt tạp và mầm bệnh, trung hòa độ pH hoặc dùng hóa chất để diệt mầm bệnh. Sau đó, thau rửa ao nhiều lần, lấy nước vào ao để thả cá vụ nuôi tiếp theo…

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.