| Hotline: 0983.970.780

Cát đá bồi lấp kênh mương, người dân đắp đá nắn dòng chảy

Thứ Hai 30/09/2024 , 16:02 (GMT+7)

Các tuyến mương dẫn nước bị đứt gãy, cát đá vùi lấp gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tưới tiêu cho sản xuất vụ đông của bà con ở Lào Cai.

Kênh mương thủy lợi xã Liêm Phú bị vùi lấp hoàn toàn, người dân đắp đá để nắn dòng nước. Ảnh: H.Đ.

Kênh mương thủy lợi xã Liêm Phú bị vùi lấp hoàn toàn, người dân đắp đá để nắn dòng nước. Ảnh: H.Đ.

Công trình nhỏ nhưng công năng lớn

Tại huyện Văn Bàn (Lào Cai), bão số 3 đã làm 2 người chết, thiệt hại về cơ sở vật chất, công trình, hoa màu lên tới hàng trăm tỷ đồng. Ưu tiên hiện nay là sửa chữa, khắc phục cấp bách các công trình thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giao thông thông suốt và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. 

Giá trị thực tế một số công trình tuy nhỏ nhưng để đáp ứng về tiêu chuẩn kỹ thuật và khả năng phòng chống thiên tai trong thời gian tới thì cần phải sửa chữa, nâng cấp và số kinh phí cần đến hơn 1.156 tỷ đồng. 

Trong đó, các công trình nước sinh hoạt, công trình thủy lợi hư hỏng phải khắc phục ngay để đảm bảo khung thời vụ sản xuất đối với vụ đông và phục vụ đời sống của bà con. Khi xuống giống đúng thời điểm sẽ mang lại hiệu quả cao nhất, tránh việc xuống giống muộn gặp thời tiết lạnh năng suất cây trồng giảm. 

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Bàn (Lào Cai) cho hay, toàn huyện có 376 công trình thủy lợi, với tổng chiều dài hơn 738km. Các công trình này đã góp phần tưới tiêu cho gần 9.000ha lúa 2 vụ; 1.946ha rau, màu và ổn định nguồn nước cho 460ha ao, hồ nuôi thủy sản. Tuy nhiên, mưa bão khiến nhiều công trình hư hỏng.

Với những công trình bị hư hại nhỏ, bà con đã chủ động sửa chữa. Số chưa được khắc phục không gây ảnh hưởng nhiều đến sản xuất vụ mùa vì lúa đã chắc xanh, nhu cầu nước tưới không cao. Song để chuẩn bị cho vụ đông cần sớm khắc phục các hư hỏng để đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con… 

Phòng NN-PTNT huyện đang phối hợp UBND các xã đánh giá tình hình thiệt hại, đề xuất phương án khắc phục sớm cấp nước sản xuất trở lại.

Công trình thủy lợi của huyện Văn Bàn chủ yếu có quy mô nhỏ, kênh mương có mặt cắt khoảng 1,2m. Số lượng đập đầu mối, kênh dẫn bị hư hỏng không lớn nhưng bùn đất, đá sỏi từ thượng lưu đổ về bồi lấp, không còn khả năng dẫn nước. Ngoài ra, các kè bảo vệ sông suối, kè bảo vệ khu vực dân cư, sản xuất bị sạt lở cũng phải khắc phục. 

Trong khi đó, đường giao thông đến những công trình thủy lợi đã bị mưa lũ xói lở gây khó khăn cho việc tiếp cận, vận chuyển vật liệu đến chân công trình.

Công trình thủy lợi Lâm Sinh tại thôn Liêm, xã Liêm Phú bị hư hỏng nặng. Ảnh: H.Đ.

Công trình thủy lợi Lâm Sinh tại thôn Liêm, xã Liêm Phú bị hư hỏng nặng. Ảnh: H.Đ.

Khắc phục tạm để cứu lúa

Tại xã Liêm Phú của huyện Văn Bàn, trong hơn 80ha canh tác của bà con nông dân thì 16,11ha lúa bị đổ gãy, ngập úng, bị cát đá vùi lấp, không còn nhận ra mặt ruộng. Chủ động ứng phó mưa lũ, bà con nhân dân trên địa bàn xã lấy bao cát làm đập ngăn bùn đất, nước lũ chảy vào đồng ruộng. Song cũng chỉ hạn chế được phần nào thiệt hại. 

Các công trình giao thông, đường dân sinh, đường ra ruộng đồng bị sạt lở, lũ cuốn mất chân, hở hàm ếch khiến việc đi lại của bà con hết sức nguy hiểm. 

Tại xã này, một số diện tích lúa đang xanh, chưa thể thu hoạch. Sau bão, nhiều kênh mương thủy lợi đã bị cát đá bồi lấp hàng trăm mét khối, chỉ có thể sử dụng máy móc nạo vét. 

Kênh Tạng phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng thôn Liêm của xã Liêm Phú bị vùi lấp đập đầu mối, không còn khả năng dẫn nước. Công trình thủy lợi Lâm Sinh của thôn này gãy vai đập phải, kênh dẫn ngập cát. Chính quyền địa phương cùng bà con xếp đá nắn dòng chảy dẫn nước đến ruộng. Giải pháp này chỉ có tác dụng khi nước chưa rút. Một vài ngày tới, đặc biệt khi mùa khô đến, sản xuất vụ đông, nước tưới tiêu sẽ gặp khó.

Ông La Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Liêm Phú (huyện Văn Bàn, Lào Cai) cho hay, cơn bão số 3 diễn biến phức tạp, nước lũ to, gây sạt lở, phá hủy kênh mương tưới tiêu cho các cánh đồng của xã Liêm Phú. Hiện nay, UBND xã chỉ đạo người dân khắc phục 4 tại chỗ, dùng sức dân khơi thông, hót dọn kênh mương để tưới tiêu, cứu vớt cho một số diện tích lúa và hoa màu của người dân. 

Về lâu dài, đối với các công trình bị thiệt hại lớn, khối lượng lớn thì cần hỗ trợ kinh phí mới thực hiện khắc phục được hoàn toàn. Trong đó, cần khắc phục 2 đập đầu mối tại thôn Lâm Sinh và thôn Liêm; xây tường chắn, kè đá kênh Tạng nốt thôn Liêm để bảo vệ cho hơn 30ha lúa, thủy sản, rau màu mạ... bảo vệ tài sản cho hơn 50 hộ dân khỏi nguy cơ lũ quét.

Người dân xã Võ Lao tiếc nuối ruộng ngô bị hỏng sau khi bão đi qua. Ảnh: H.Đ.

Người dân xã Võ Lao tiếc nuối ruộng ngô bị hỏng sau khi bão đi qua. Ảnh: H.Đ.

Nạo vét kênh mương, xuống giống bù đắp thiệt hại 

Cánh đồng ngô bị ngâm nước đã úa vàng, bắp ngô bắt đầu thối hỏng khiến ông Đoàn Văn Thuận tại thôn Văn Thủy, xã Võ Lao (huyện Văn Bàn) chỉ có cách chặt bỏ để xuống giống cho kịp thời vụ. Từ nay đến Tết, nếu khắc phục nhanh, ông có thể xuống giống gỡ gạc được phần nào thiệt hại. 

Theo bà Trần Anh Tân, Chủ tịch UBND xã Võ Lao (huyện Văn Bàn, Lào Cai), mưa lũ làm kè chống sạt lở suối Võ Lao giáp khu vực canh tác của bà con có nhiều điểm sạt lở, gây ảnh hưởng đến khu vực xung quanh. Về sản xuất, khoảng 83ha lúa, gần 600ha ngô của người dân bị ảnh hưởngg, hư hỏng, 63 hộ bị ngập và 27 hộ bị sạt lở...

Qua thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh hiện có 380 công trình thủy lợi bị hư hỏng do thiên tai, dự báo ảnh hưởng đến cung cấp nước tưới cho diện tích trồng lúa trên 3.000ha vụ đông xuân năm 2024-2025.

Ngành nông nghiệp hiện tập trung, huy động toàn bộ lực lượng phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, thiệt hại về các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, cấp nước tập trung khu vực nông thôn... phối hợp chặt chẽ với các địa phương chủ động khôi phục sản xuất sau bão số 3.

"Về đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo nạo vét bùn đất bồi lắng trong lòng kênh, diện tích canh tác, tu bổ kênh mương đảm bảo thông thoáng, khắc phục các hư hỏng nhỏ bằng mọi nguồn lực. Trong đó, huy động nhân dân đóng góp, ngân sách địa phương, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách theo Nghị Quyết 08/2023/NQ-HĐND tỉnh ngày 6/7/2023 và nguồn kinh phí hợp pháp khác. Về lâu dài phải đầu tư đầu tư sửa chữa nâng cấp toàn bộ hệ thống hạ tầng công trình thủy lợi, đập, hồ chứa bị hư hỏng, thiệt hại", ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai cho hay.

Qua rà soát, Lào Cai cần khoảng 120 tấn lúa giống các loại, 60 tấn ngô giống, 1 tấn giống hạt rau các loại bắp cải, xu hào, cà chua, bí xanh, cải các loại. Ngay sau đó, Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT và Báo Nông nghiệp Việt Nam cùng các đơn vị trong ngành đã hỗ trợ Lào Cai 60 tấn giống cây trồng (ngô, lúa), 14 tấn phân bón và gần 1,5 tỷ đồng… để bà con khôi phục sản xuất.

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Thủ phủ hoa cúc miền Trung sẵn sàng cho thị trường Tết

Quảng Ngãi Năm nay thời tiết không có mưa lũ lớn nên các vườn hoa phát triển tốt. Người dân kỳ vọng sắp tới thị trường, giá cả ổn định để có một cái Tết đầm ấm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.