Ngôi sao Kim Kardashian West, nổi tiếng với thân hình “siêu vòng ba’’, bị cáo buộc có hành vi không đúng đắn về văn hóa khi cho ra mắt một thương hiệu trang phục đồ lót ôm sát người, có tên gọi “Kimono”.
Đồ lót mang thương hiệu “Kimono”
Cô Kim hồi tuần rồi đã lên mạng xã hội thông báo khai trương một thương hiệu đồ lót lấy cảm hứng từ da thịt đàn bà với nhiều tông màu.
Cô Kim mặc đồ lót nhãn hiệu Kimono. |
Bà mẹ bốn con này tung ra nhiều hình ảnh người mẫu bốc lửa mang loại đồ lót mới trên mạng nhắn tin Twitter, cùng với trạng thái đi kèm: “Cuối cùng tôi cũng có thể chia sẻ với các quý vị dự án này, dự án mà tôi đã phát triển trong vòng một năm qua. Tôi đã nghĩ đến nó suốt 15 năm ròng”. “Kimono là nỗ lực của tôi trong việc giúp phụ nữ có giải pháp giúp thân hình cân đối”.
Trang web được lập ra để giới thiệu sản phẩm và dự án nói: “Kimono là đỉnh cao đúc kết các kinh nghiệm cá nhân của cô Kim về đồ lót hỗ trợ làm đẹp hình thể, bắt nguồn từ đam mê tạo ra giải pháp mang tính kỹ thuật cho tất cả mọi người”.
Bộ sản phẩm của cô Kim “siêu vòng ba” bao gồm áo lót ngực không đường khâu, trang phục bó sát người một mảnh, đồ lót cạp cao và một loại quần ngắn bó sát người một chân, có vẻ như là đồ lót mặc trong váy.
Nhưng điều gây tranh cãi là có vẻ Kim Kardashian đã lấy cụm từ “kimono” để làm nhãn hiệu cho các loại trang phục đồ lót này. Theo tờ Business Insider, tìm kiếm trên kho dữ liệu của Văn phòng Bản quyền và Nhãn hiệu Mỹ cho thấy thương hiệu Kimono Intimates Inc. áp dụng cho một loại nhãn hàng hóa và đã có font chữ, thiết kế riêng.
Kim Kardashian nổi tiếng với thân hình “phong nhũ phì đồn”. |
Ra đời từ thời kỳ Hakuhō (giai đoạn đầu của thời kỳ Nara) kéo dài từ năm 645-710 ở Nhật Bản, kimono là trang phục áo dài đến mắt cá chân với tay áo rộng, dài, cổ chữ V. Là loại áo không cúc, áo được choàng từ trái qua phải ở trước ngực rồi thắt đai ở eo.
Đã từ rất lâu, kimono được xem là quốc phục, là hình ảnh biểu trưng của con người và văn hóa Nhật Bản. Kimono không đơn thuần là trang phục truyền thống mà còn được xem là một tác phẩm nghệ thuật.
Người Nhật đã sử dụng Kimono trong vài trăm năm. Ngày nay, Kimono thường chỉ được sử dụng vào các dịp lễ tết. Phụ nữ Nhật mặc Kimono phổ biến hơn nam giới, thường có màu và hoa văn nổi bật. Phái nam dùng Kimono chủ yếu trong lễ cưới và buổi lễ trà đạo, và Kimono dành cho nam giới thường không có hoa văn, màu tối hơn.
Phản đối
Chính vì Kimono có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người Nhật nên chuyện cô Kim lấy từ này làm nhãn hiệu đồ lót đã gây ra phản ứng từ nhiều phía.
Thị trưởng thành phố Kyoto, một trong những đô thị lớn nhất Nhật Bản, đã viết thư ngỏ gửi tới Kardashian West kêu gọi cô này cân nhắc lại dự án thương mại của mình.
“Chúng tôi cho rằng tên gọi “Kimono” là tài sản được chia sẻ với toàn nhân loại, những người yêu mến Kimono và văn hóa hàm chứa trong đó và do vậy chúng không thể được độc quyền”, ông Daisaku Kadokawa viết.
“Tôi muốn cô đến thăm Kyoto, nơi nhiều loại hình văn hóa Nhật Bản trong đó có Kimono đã và đang được gìn giữ, để cảm nhận cốt lõi tinh thần văn hóa Kimono và hiểu suy nghĩ của chúng tôi, mong muốn mạnh mẽ của chúng tôi”, ông viết thêm.
Đã có rất nhiều người, ở nhiều khu vực, bày tỏ sự bất bình với cô Kim. Nhiều người bày tỏ sự tức giận trên mạng khi sử dụng cụm từ khóa hashtag #KimOhNo (chơi chữ từ “Kimono” thành “Kim, ôi, không”.
Một người Mỹ gốc Nhật ở San Francisco tên là Yuka Ohishi nói trên đài CNN: "Tôi đã không hài lòng khi một số công ty sử dụng từ kimono để tiếp thị quần áo và đồ tắm biển. Nay Kim Kardashian đạt đến một đỉnh cao mới khi sử dụng nó như một kiểu bỡn cợt. Các loại trang phục của cô ta không có chút gì liên quan đến Kimono Nhật Bản. Cô ta không có chút tôn trọng nào cả”.
“Kimono là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của chúng tôi. Đối với tôi và gia đình, chúng tôi đã mặc nó để cầu chúc sức khỏe và phát triển, trong cưới hỏi, tang ma. Chúng được lưu truyền từ đời ông cha qua nhiều thế hệ, được nâng niu. Đối với một số người Nhật Bản, Kimono còn là trang phục hằng ngày”. “Tôi rất cáu giận khi nghĩ rằng nhãn hiệu của Kim Kardashian đơn giản là lợi dụng cái tên đó, cố tìm cách biến nó thành thương hiệu, và rồi bán ra một thứ hoàn toàn không liên quan”.
Trang phục Kimono truyền thống. |
Yasuno Yoshizawa, chuyên gia tư vấn về giao lưu văn hóa ở California viết: “Tôi cảm thấy rất buồn khi cái tên “Kimono” được sử dụng cho một thứ hoàn toàn khác với thứ chúng tôi, người Nhật, hiểu về nó. Kimono là trang phục truyền thống của Nhật Bản và chúng tôi tự hào về văn hóa và lịch sử của nó. Tôi xin lỗi nhưng chọn tên kiểu này đơn giản là ngu ngốc.#KimOhNo”.
Một người Nhật khác không dài dòng, nói thẳng: “Văn hóa của chúng tôi không phải là đồ lót của quý vị. #KimOhNo”.
Phản ứng trước đống “gạch đá” dành cho mình, ngôi sao truyền hình thực tế Mỹ đã gửi tới New York Times một thông cáo, nhấn mạnh rằng cô ta không thay đổi tên của dòng sản phẩm sắp ra mắt.
“Tôi quyết định đặt tên công ty của tôi là Kimono, không phải để tách rời nó khỏi nguồn gốc Nhật Bản nhưng là cái gật đầu đối với vẻ đẹp và các chi tiết được thể hiện trên các sản phẩm may mặc. Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu là một cách để định danh, cho phép tôi sử dụng từ này cho các loại đồ lót hỗ trợ hình thể nhưng không ngăn chặn hay hạn chế bất kỳ ai, trong trường hợp này, sản xuất kimono hay sử dụng từ kimono để chỉ loại trang phục truyền thống. Nhãn hiệu của tôi được xây dựng với sự bao hàm, sự đa dạng và tôi rất tự hào với những gì sẽ xuất hiện”.