Có phải là ca lây nhiễm F3?
Ngày 11/2, trả lời báo chí về trường hợp thứ 15, bé gái 3 tháng tuổi nhiễm nCoV tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho rằng ca bệnh thứ 15 lây từ bà ngoại sang cháu, bà ngoại lây từ cháu gái trước đó trở về từ Vũ Hán và nhiễm nCoV.
Ông Khuê cho biết, dấu hiệu này cho thấy bệnh đã lây lan đến thế hệ thứ ba (F3). Ngay lập tức, có nhiều ý kiến khác nhau về cách gọi này.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp y tế công cộng Việt Nam cho biết “cách gọi ca lây nhiễm F3 là một cách gọi vui”.
Dưới góc độ bệnh truyền nhiễm, về phân loại, ca bệnh được chia thành: ca xâm nhập (những người đi từ vùng dịch về) và ca lây lan tại cộng đồng.
“Trường hợp trẻ 3 tháng trên là ca lây lan tại cộng đồng”, ông Phu nhấn mạnh.
Cũng theo vị Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp y tế công cộng Việt Nam, việc trẻ nhỏ nhiễm bệnh không phải là điều nằm ngoài dự đoán của ngành y tế. Theo thống kê thì tỷ lệ trẻ con mắc bệnh ít hơn, chứ không phải trẻ con không có khả năng bị lây.
“Bản chất việc lây bệnh là có tiếp xúc hay không với nguồn bệnh nên bất cứ ai cũng có khả năng lây. Trẻ do ít đi lại nên được đánh giá là khả năng lây nhiễm thấp hơn”, TS Phu nói.
Biện pháp phòng bệnh chính theo ông Phu là phòng chủ động từ người khác, không thể bắt trẻ đeo khẩu trang, có ý thức rửa tay nên cần cách ly để trẻ không tiếp xúc với nguồn bệnh, không bế, hôn hít trẻ...
Sức khoẻ bệnh nhi ổn định
Trong khi đó, nói về hướng điều trị đối với trường hợp này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết việc điều trị cho trẻ nhỏ nhiễm virus corona mới không khác biệt quá nhiều so với người lớn.
Nguyên tắc chung vẫn là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Hiện trẻ có biểu hiện ho và chảy nước mũi, chưa có biểu hiện về lâm sàng ảnh hưởng nghiêm trọng. Trẻ và mẹ hiện được cách ly tại phòng khám đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên.
“Nếu trẻ diễn biến nặng lên, Bệnh viện Nhi Trung ương - nơi có nhiều kinh nghiệm về điều trị sẽ tổ chức tiếp nhận điều trị cho bé. Chúng tôi sẽ cử chuyên gia trực tiếp về địa phương để hỗ trợ”, PGS Khuê nhấn mạnh.
Được biết, phác đồ điều trị virus corona mới của Bộ Y tế cũng có phần hướng dẫn chăm sóc khi trẻ nhiễm bệnh. Trong đó quy định cụ thể trẻ nhỏ nhiễm virus này có những dấu hiệu nào thì được chẩn đoán bị viêm phổi nặng, viêm phổi nhẹ, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển…
Theo đó, trong trường hợp người lớn và trẻ lớn được chẩn đoán bị viêm phổi nặng khi bị viêm phổi kèm theo nhịp thở >30 lần/phút, khó thở nặng hoặc chỉ số oxy trong máu <90% khi thở khí phòng.
Trong khi ở trẻ nhỏ là có biểu hiện ho hoặc khó thở và có ít nhất một trong các dấu hiệu như tím tái hoặc chỉ số oxy trong máu <90%, suy hô hấp nặng (thở rên, rút lõm lồng ngực). Hoặc trẻ được chẩn đoán viêm phổi và có bất kỳ dấu hiệu nặng như: không thể uống/bú được, rối loạn ý thức (li bì hoặc hôn mê), co giật. Có thể có các dấu hiệu khác của viêm phổi như rút lõm lồng ngực, thở nhanh.
Về điều trị, nếu trẻ bị suy hô hấp ở mức độ nhẹ - vừa thì sẽ được cho thở oxy để đạt đích là chỉ số oxy trong máu > 92%. Nếu trẻ có dấu hiệu cấp cứu như khó thở nặng, tím tái, sốc, hôn mê, co giật… cần cung cấp oxy trong quá trình cấp cứu để đạt đích là số oxy trong máu > 94%.