| Hotline: 0983.970.780

Trên đồi Bá Vân [Bài 2]: Tiếng vó ngựa nơi núi rừng Việt Bắc

Thứ Ba 21/11/2023 , 06:30 (GMT+7)

Tiền thân là Trại nhân giống ngựa Bá Vân, hiện Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi đang lưu giữ, chăm sóc nhiều giống ngựa quý tại Việt Nam.

Đàn ngựa của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đàn ngựa của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi. Ảnh: Phạm Hiếu.

Vượt trội giống ngựa lai 25% máu Cabardin

Từ bao đời nay, con ngựa là hình ảnh thân thuộc luôn xuất hiện cũng như gắn liền với đời sống của người dân Việt Nam, đặc biệt là đời sống thường nhật của đồng bào khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa nơi địa đầu Tổ quốc.

Trong cuộc sống, ngựa được dùng làm phương tiện vận chuyển. Trong sản xuất, ngựa được xem là công cụ cày ruộng, kéo xe. Ngoài ra, ngựa là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và là nguyên liệu để chế biến thành các sản phẩm tốt cho sức khỏe người dùng.

Hiện nay, nhắc đến Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi (Viện Chăn nuôi) ở xã Bình Sơn, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên là nhắc đến một đơn vị đang lưu giữ cũng như chăm sóc nhiều giống ngựa quý nhất tại Việt Nam.

Trong đó, hiện Trung tâm đang lưu giữ giống ngựa Cabardin, có nguồn gốc từ nước Nga, phát triển từ thời Xô Viết, có tầm vóc lớn, dáng cao từ 1,4 - 1,5m, nặng 350 - 400kg, thậm chí có những con có thể đạt chiều cao vai tới 1,6m, thân dài 1,7m, ước lượng 500kg. So với các giống ngựa tại Việt Nam, Cabardin to lớn hơn gấp 3 lần.

Thế nhưng, ứng dụng trong thực tế cho thấy việc đưa một con ngựa Cabardin nặng đến 500kg lên vùng cao để phục vụ cho bà con đồng bào đa phần có vóc dáng nhỏ bé là điều không thể.

Chính vì vậy, sau nhiều năm nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi đã sử dụng nguồn gen giống ngựa thuần Cabardin phối với giống ngựa thuần Việt Nam để tạo ra giống ngựa lai F2 25% máu Cabardin.

Ngựa lai 25% máu Cabardin có ngoại hình đẹp, cân đối, kết cấu cơ thể vững chắc, gọn, thanh săn, thiên hướng làm việc kiêm dụng, thồ, kéo, cưỡi. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ngựa lai 25% máu Cabardin có ngoại hình đẹp, cân đối, kết cấu cơ thể vững chắc, gọn, thanh săn, thiên hướng làm việc kiêm dụng, thồ, kéo, cưỡi. Ảnh: Phạm Hiếu.

Giống F2 này có tầm vóc, sức khỏe, sức thồ, sức làm việc cao hơn từ 30 - 50% so với giống ngựa tại Việt Nam lại phù hợp với điều kiện địa hình miền núi cũng như đời sống của bà con đồng bào vùng cao. Nếu 1 con ngựa Việt Nam thường sẽ thồ được khoảng 50kg, 1 con ngựa lai 25% máu Cabardin sẽ thồ được khoảng 75kg.

Ngựa lai 25% máu Cabardin có ngoại hình đẹp, cân đối, kết cấu cơ thể vững chắc, gọn, thanh săn, thiên hướng làm việc kiêm dụng, thồ, kéo, cưỡi. Toàn thân ngựa lai 25% máu Cabardin có hình vuông, đầu và cổ thanh tú, vai và mông phát triển, lưng thẳng, bụng thon, nhìn mặt cắt dọc, cắt ngang đều phát triển, thần kinh hoạt bát, lanh lợi, dễ nuôi, dễ sử dụng.

Nhận thấy nhu cầu lớn về giống ngựa ưu việt này của người dân, hàng năm, Trung tâm có những chương trình liên kết, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc, nhân giống ngựa lai 25% máu Cabardin cho nhiều HTX chăn nuôi tại các địa phương. Từ nguồn giống sẽ cung cấp hàng trăm con ngựa phục vụ cho sản xuất của bà con mỗi năm.

Theo ông Tạ Văn Cần, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi, yếu tố quan trọng để có thể nhân giống hiệu quả giống ngựa lai 25% máu Cabardin là phải lựa chọn được con đực tốt.

Mỗi lần phối giống, một con ngựa đực hoàn toàn có khả năng giao phối với 20 - 25 con ngựa cái nên tốc độ nhân giống rất nhanh. Một con ngựa đực tốt sẽ cho ra 1 đàn ngựa tốt. Bên cạnh đó, tuổi thọ của ngựa đực là khoảng 12 năm, hơn 3 tuổi là ngựa đã có thể phối giống. Như vậy, mỗi 1 con ngựa đực có thể phối giống với 100 - 200 con ngựa cái.

Ngựa có thể tiêu hóa, hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng của thức ăn tinh và giàu đạm như thóc, ngô, cám… Ảnh: Phạm Hiếu.

Ngựa có thể tiêu hóa, hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng của thức ăn tinh và giàu đạm như thóc, ngô, cám… Ảnh: Phạm Hiếu.

Thời gian mang thai của ngựa khoảng 11 tháng, mỗi năm sẽ mang thai 1 lứa. 10 - 15 ngày sau khi đẻ, ngựa cái có thể động dục trở lại và có thể tiếp tục phối giống. Chính vì vậy, quá trình chăm sóc ngựa giống cần phải được đặc biệt quan tâm. Trong quá trình ngựa mang thai, cần tránh cho ngựa vận động mạnh, hạn chế làm việc để tránh hiện tượng đẻ non hoặc xảy thai. Ngoài ra, cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong thời gian ngựa mang thai.

Sau khi đẻ khoảng hơn 10 ngày, ngựa cái đã bắt đầu có thể tiếp tục mang thai nên 1 con ngựa sẽ phải chăm sóc cho 2 ngựa con, 1 con mới đẻ và 1 con trong bụng. Thế nên việc đảm bảo thức ăn, đảm bảo chất dinh dưỡng cho ngựa cái là rất quan trọng.

Ngựa là con vật ăn cỏ như trâu, bò nhưng bộ máy tiêu hoá của ngựa lại khác rất xa trâu bò. Dạ dày ngựa thuộc loại dạ dày đơn, không tiêu hoá được nhiều chất xơ cứng. Ruột ngựa rất dài, đặc biệt đoạn nối ruột non với dạ dày, gọi là manh tràng, cũng dài và rất lớn. Thế nên ngựa có thể tiêu hóa, hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng của thức ăn tinh và giàu đạm như thóc, ngô, cám…

“Hiện nay, điều kiện tiếp cận kiến thức khoa học cũng như tiến bộ kỹ thuật của người dân đã được nâng cao. Cùng với đó, điều kiện chuồng trại của bà con đã được quan tâm cải thiện hơn. Hàng năm, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi cũng mở những lớp tập huấn quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng ngựa cho bà con. Ngoài ra, Trung tâm cũng đa dạng hóa phương thức truyền tải kiến thức cho người dân thông qua các trang mạng xã hội. Trung tâm cũng xây dựng một đường dây nóng để có thể giải đáp kịp thời những thắc mắc, giúp người dân giải quyết những khó khăn trong quá trình nuôi và chăm sóc ngựa”, ông Tạ Văn Cần chia sẻ.

Giá trị của 1 con ngựa bạch có thể lên đến 50 triệu đồng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Giá trị của 1 con ngựa bạch có thể lên đến 50 triệu đồng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Những chú bạch mã có giá trị 50 triệu đồng

Từ xa xưa, trong dân gian hay trong đời sống của người dân Việt Nam, ngựa bạch luôn là một con vật nuôi quý của bà con nông dân. Theo kinh nghiệm dân gian, giá trị dinh dưỡng của cao ngựa bạch chỉ xếp sau cao hổ cốt.

Cao xương ngựa bạch có tác dụng bỗ dưỡng, ích khí, mạnh gân xương cơ. Ngoài tác dụng với sức khỏe nói chung, cao xương ngựa bạch còn có tác dụng điều trị đặc trưng với 1 số bệnh lý cụ thể như viêm khớp, bệnh cột sống thắt lưng, bệnh hen phế quản, bổ dưỡng cho trẻ còi xương, bệnh tiểu đường, yếu sinh lý…

Theo ông Tạ Văn Cần, chính vì có giá trị về y học cũng như giá trị kinh tế cao như vậy nên nhu cầu chăn nuôi ngựa bạch của người dân và xã hội là rất lớn. Nếu như giá trị của ngựa lông màu thông thường là 25 triệu đồng, giá trị của 1 con ngựa bạch có thể lên đến 50 triệu đồng. Tuy vậy, nhiều người có tiềm lực về kinh tế, có số vốn lớn đều sẵn sàng đầu tư để nuôi ngựa bạch.

“Thế nhưng, giá trị cao đi đôi với rủi ro lớn. Việc đầu tư số tiền lớn để nuôi ngựa bạch đồng nghĩa người dân phải chăm sóc kỹ lưỡng hơn, không thể mạo hiểm để khối tài sản lớn phải lao động vất vả như ngựa lông màu, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của ngựa”, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi đưa ra khuyến cáo.

Tại Việt Nam, số lượng ngựa bạch còn rất ít, chỉ chiếm khoảng 5 - 10% trong tổng số đàn ngựa trên cả nước nên có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Chính vì vậy, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi đã được Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ lưu giữ gen của giống ngựa bạch từ đầu những năm 2000. Cho đến nay, Trung tâm đang phối hợp, hỗ trợ người dân nuôi giữ gen và nhân giống ngựa bạch thuần với số lượng trên 30 cá thể tại Bắc Kạn, Lạng Sơn và Lào Cai.

Ông Tạ Văn Cần cho biết, giai đoạn 2004 - 2006, nhận thấy nhu cầu hoạt động của các trường đua ngựa là rất lớn, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi đã nghiên cứu lai tạo một giống ngựa phục vụ cho các cuộc đua nói riêng và cho lĩnh vực thể thao, du lịch nói chung.

Theo đó, Trung tâm đã nhập tinh ngựa đua từ Đức lai tạo với giống ngựa lai 25% máu Cabardin để cho ra giống ngựa có 3 dòng máu, trong đó dòng máu ngựa đua của Đức chiếm 50% với ưu điểm thân hình cường tráng, vạm vỡ, tốc độ cao, sức chạy dẻo dai, bền bỉ.

Xem thêm
Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.