Ông Đinh Văn Đăng, Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà (Lào Cai) có cuộc trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về vấn đề nêu trên.
Được biết, từ lâu con ngựa đã trở thành người bạn thân thiết, gắn bó với người nông dân Bắc Hà, ngựa Bắc Hà có những đặc điểm riêng biệt so với những giống ngựa khác, xin ông cho biết việc bảo tồn phát triển giống ngựa thồ Bắc Hà ra sao?
Chăn nuôi ngựa đối với người dân vùng cao chiếm một vị trí quan trọng, ngựa là phương tiện để vận chuyển hàng hóa, nông sản, ngoài ra chăn nuôi ngựa còn cung cấp một phần sản lượng thịt trong sinh hoạt hàng ngày và tham gia giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà hằng năm.
Để bảo tồn phát triển giống ngựa Bắc Hà, giai đoạn 2014-2020 UBND huyện Bắc Hà đã tham mưu xây dựng dự án “Cải tạo và phát triển đàn ngựa huyện Bắc Hà” được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 4037/QĐ-UBND ngày 23/12/2014.
Quyết định tập trung hỗ trợ con giống để cải tạo phát triển đàn ngựa địa phương, hỗ trợ trồng cỏ, sửa chữa, làm mới chuồng trại, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi ngựa.
Ngoài ra, năm 2017-2018 huyện còn lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu hỗ trợ ngựa cái sinh sản nhằm khuyến khích nhân dân phát triển đàn ngựa, đặc biệt trong việc đầu tư chăm sóc phát triển đàn ngựa đua phục vụ giải đua truyền thống hằng năm của huyện.
Từ đó, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa, thể thao đặc sắc của đồng bào các dân tộc địa phương.
Ngựa thồ Bắc Hà còn là vật nuôi mang lại giá trị kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương, vậy huyện có chính sách ưu đãi gì đối với những hộ nuôi ngựa trên địa bàn trong thời gian tới?
Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân đầu tư phát triển đàn ngựa, huyện đã chỉ đạo tận dụng các nguồn vốn vay ưu đãi từ các chương trình mục tiêu quốc gia thông qua các ngân hàng và nguồn vốn theo Nghị quyết HĐND tỉnh để hỗ trợ nhân dân phát triển chăn nuôi.
Huyện cũng chỉ đạo các cấp hội hỗ trợ thành lập các mô hình, tổ nhóm chăn nuôi giúp người dân tiếp cận kỹ thuật về việc chăm sóc, nuôi dưỡng, chọn con giống, qua đó giúp phát triển sản xuất chăn nuôi hàng hóa, chăn nuôi tập trung bền vững, tạo việc làm cho lao động, tăng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.
Thông qua các giải đua ngựa truyền thống, huyện còn dành phần kinh phí hỗ trợ cho các nài ngựa tham gia để khuyến khích, động viên nhân dân đầu tư phát triển đàn ngựa địa phương trên địa bàn huyện.
Từ thịt ngựa có thể làm thắng cố, cao ngựa... làm phong phú thêm ẩm thực của địa phương, vậy với đặc thù của huyện vùng cao Bắc Hà làm thế nào để nâng cao giá trị các sản phẩm từ ngựa thưa ông?
Để nâng cao giá trị các sản phẩm từ ngựa, trước hết làm tốt tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung chăm sóc, phát triển đàn ngựa theo quy trình kỹ thuật tạo ra các sản phẩm từ ngựa thơm, ngon, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.
Cùng với đó, hàng năm huyện Bắc Hà đã tổ chức các lễ hội, trong đó có sự kiện giải đua ngựa truyền thống để quảng bá hình ảnh, con người và mảnh đất Bắc Hà nhằm thu hút khách du lịch đến với Bắc Hà qua đó quảng bá các sản phẩm từ ngựa đến với du khách thập phương.
Ngoài ra, năm 2020 huyện cũng đã xây dựng bảo hộ nhã hiệu chứng nhận “Ngựa Bắc Hà” nhằm tăng cường công tác quảng bá và khẳng định chất lượng thương hiệu của sản phẩm đặc hữu địa phương đó là ngựa Bắc Hà, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và nâng cao giá trị các sản phẩm từ ngựa.
“Giải đua ngựa Bắc Hà truyền thống có lịch sử lâu đời gần 100 năm qua, được nhiều du khách biết đến, tuy nhiên để nâng tầm giải đua ngựa thành sản phẩm du lịch đặc hữu, đặc sắc thì huyện có chiến lược thế nào thưa ông?”
Năm 2007, Lễ hội đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà chính thức được khôi phục lại. Từ đó đến nay, lễ hội đua ngựa truyền thống đã trở thành hoạt động thường niên của huyện Bắc Hà tổ chức mỗi năm 1 lần, thực sự đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa, thể thao đặc sắc của đồng bào các dân tộc địa phương.
Lễ hội cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh con người, du lịch Bắc Hà đến du khách trong và ngoài nước.
Lễ hội đua ngựa truyền thống đã trở thành điểm nhấn về du lịch của huyện Bắc Hà, với mỗi mùa giải đã thu hút bình quân từ 2,5 - 3 vạn lượt du khách tới tham quan.
Đến năm 2021, Bộ Văn Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 1732/QÐ-BVHTTDL ngày 27/5/2021 công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội đua ngựa Bắc Hà càng khẳng định những nét văn hóa, độc đáo, đặc sắc của Lễ hội đua ngựa Bắc Hà.
Nét độc đáo, hấp dẫn của Lễ hội đua ngựa Bắc Hà là cưỡi ngựa không yên cương, kỵ sĩ đua ngựa là những nông dân ở các bản làng, ngựa đua là ngựa thồ hằng ngày của người dân. Tuy nhiên, với tài điều khiển ngựa khéo léo của đồng bào dân tộc Mông nên cuộc đua diễn ra quyết liệt, gay cấn, hấp dẫn từ vòng loại đến chung kết.
Lễ hội đua ngựa Bắc Hà đã và đang trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của huyện, thành một sản phẩm du lịch mang tính đặc hữu riêng có cho Bắc Hà, chính vì vậy việc chú trọng, quan tâm phát triển sản phẩm này là rất cần thiết.
Huyện Bắc Hà đã đưa lễ hội đua ngựa vào trở thành 1 trong 8 sản phẩm du lịch đặc sắc của huyện, đồng thời đó cũng là ý kiến tham gia của Sở Du lịch tỉnh Lào Cai trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc cho huyện Bắc Hà.
Để nâng tầm sự kiện này, huyện Bắc Hà đã cố gắng tranh thủ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai và các Sở ngành chuyên môn nhằm đưa lễ hội đua ngựa trở thành sự kiện quy mô cấp khu vực và được đưa vào thành sự kiện thường niên của Du lịch Việt Nam.
Cùng với việc phát triển, nâng tầm các sản phẩm du lịch đặc sắc của Bắc Hà, huyện Bắc Hà cũng đang nỗ lực xúc tiến, quảng bá, thu hút các nhà đầu tư về cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch, nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách khi đến với Cao nguyên trắng Bắc Hà.
Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng bởi trong khi vừa phát triển, nâng tầm các sản phẩm thì cũng cần có một cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đảm bảo để du khách khi đến với Bắc Hà sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời nhất.
Xin cảm ơn ông!