Hồi ức nhà văn Thái Vũ

Nghĩa trang Père La Chaise hay Văn Điển?

Nhà văn Thái Vũ - Thứ Ba, 04/07/2023 , 14:28 (GMT+7)

Năm 1988, tôi gần triết gia Trần Đức Thảo nhiều nhất cũng là thời gian thầy tặng tôi cuốn 'Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người”...

Sách Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo. Ảnh: Tư liệu KMS.

Sách Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo. Ảnh: Tư liệu KMS.

Tôi đến khách sạn Bến Nghé ở đường Nguyễn Trung Trực, phân vân vì đầu năm 1976 cũng tại con đường này nhưng ở phía bên kia là trụ sở của Bộ Văn hoá của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, anh Lưu Hữu Phước là Bộ trưởng. Anh thân tình bắt tay tôi khá chặt và bảo thư ký văn phòng pha cà phê sữa.

Thư ký văn phòng tên là Hùng Nam không ngờ lại trùng tên với con trai út của tôi đã mất nên lòng tôi đang vui lại buồn. Anh nói: “Vô đây thì ở lại đây với anh”, nghĩa là tôi sẽ… làm quan, lại được ông Bộ trưởng ưu ái đỡ đầu.

May mà tôi đã từ chối, vì nếu không thì làm sao lần này tôi có thể gặp thầy tôi, triết gia Trần Đức Thảo, khi trong tay tôi đã có hai tác phẩm Biến động-Giặc chày vôi Huế 1885. Chuyện đời… tác phẩm văn học và chức quyền thế đó…

Đến khách sạn Bến Nghé, nhân viên phục vụ hướng dẫn tôi lên lầu 2. Tôi đứng nín thở lát sau mới gõ cửa, nghĩ lâu năm có lẽ thầy đã quên mình. Nhưng không, thầy vẫn nhớ, ôm lấy hai vai tôi lắc lắc. Nước mắt ngấn trên mi, tôi chỉ hỏi thầy có khoẻ không.

Phòng khách sạn đúng ra chỉ là một phòng trọ tạm thời, một cái giường đôi trải nệm chiếm gần trọn căn phòng, nhưng đặc biệt ngay từ lối vào là hai cái tủ đứng… đầy sách, đến một cái bàn nhỏ để sách báo và phía ngang phòng lại một cái bàn nữa và hai cái ghế gỗ có nệm, trên bàn có mấy tập Tạp chí Cộng sản và mấy tờ Tin Moscow bằng tiếng Pháp. Vậy là thầy vẫn mê Liên Xô, tuy là để lấy tin tức, vì năm 1988 này là thời gian Gorbachev đang làm Tổng Bí thư và quan hệ chặt chẽ với Mỹ từ 1985. Gần đó trên một cái ghế nhỏ có một bếp điện nối dây may-so, cũng lại của Liên Xô vốn đang được dùng ở Việt Nam từ Bắc chí Nam. Thêm một tờ báo Sài Gòn Giải phóng mở rộng nằm trên giường, có lẽ thầy đang đọc.

Hai thầy trò ngồi bên mép giường nói chuyện. Nhìn đồ vật trong phòng, tôi thấy một cái làn nhựa, trong đó có mấy quả cà chua chín đỏ và linh tinh mấy thứ thuộc về bếp núc, lại ở sát cửa phòng WC. Té ra là thầy vẫn tự nấu ăn, kiểu ăn chay với gói mì tôm hay bánh mì, cả một túi gạo nhỏ có lẽ để nấu cơm. Trời ơi! Thiếu hẳn một bàn tay chăm sóc của người phụ nữ…

Hỏi ra mới biết ở Sài Gòn thầy còn có gia đình một người cháu. Chính họ cứ cách ngày đến giúp thầy dọn dẹp và đi chợ mua mọi thứ, nhưng không phải nấu ăn giúp thầy. Tôi cũng an tâm vì không muốn động chạm đến đời tư của thầy.

Từ đó, mỗi tuần tôi đến thăm thầy hai lần, đưa cả mấy số báo Văn nghệ thời mở cửa, có truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp mà người ta đang có nhiều ý kiến khác nhau, nhất là chuyện “Tướng về hưu”. Thầy đọc báo xong, lần sau tôi đến, thầy trả lại báo và bảo: “Cậu viết một bài cho hiểu!”. Tôi thưa là viết làm gì, rồi họ lại bảo tôi cơ hội chủ nghĩa, cũng ngại như cái thời ở Hà Nội nhà thơ Hoàng Cát viết bài “Cây táo ông Lành” mà quên chuyện thời phong kiến, triều Nguyễn kết tội phạm huý rất nặng, nay với cái tên “ông Lành" đó.

Mộ phần triết gia Trần Đức Thảo. Ảnh: KMS.

Mộ phần triết gia Trần Đức Thảo. Ảnh: KMS.

Ngoài mấy chuyện vặt giữa thầy và trò, thầy hay nói chuyện với tôi về Nietzsche và Kant, nhất là về Kant, người lấy trẻ em làm điểm khởi động siêu hình học của mình nhưng lại là người rất ít gần trẻ em (tôi tạm ghi như thế - T.V). Đó là những lúc thầy vui, ánh mắt sáng lên khi nói về trẻ em. Với những chuyện như thế, tôi thường tránh không làm thầy liên tưởng đến đời thường. Có lần Hoàng Thiệu Khang, tốt nghiệp đại học khoá 2 năm 1957 đến thăm thầy, và lý luận gì đó với thầy thì tôi vừa đến.

Tôi trách Khang, Khang mới thanh minh là chỉ nói chuyện thời sự với thầy về Gorbachev phản bội: té ra thầy không bằng lòng ý kiến của Hoàng Thiệu Khang và thầy vẫn bảo vệ chính quyền Xô Viết, nhất là bảo vệ Lê-nin. Vui gần thầy, quý thầy, tôi mới nói với em tôi là hoạ sĩ Bùi Quang Ngọc, vốn giỏi vẽ chân dung, đến thăm thầy và vẽ cho thầy một chân dung trước khi thầy qua Pháp. Chú Ngọc đến và được thầy đồng ý ngay.

Tất nhiên là vẽ chân dung trực tiếp thì mất mấy buổi sáng, nhưng chú Ngọc vẫn nhiệt tình đi xe đạp từ khu cư xá Thanh Đa đến quận 1 để vẽ chân dung cho thầy. Có lần thấy thầy ăn uống quá kham khổ, nên em tôi mang 1 kg giò lụa còn nóng đến biếu thầy, nhưng thầy nói thầy vẫn ăn cà chua chín đỏ do cô cháu mua. Thời gian chú Ngọc vẽ chân dung thầy thì tôi đi Huế. Lúc về tôi hỏi chú Ngọc thì chú ấy kể lại: thầy đứng xem chân dung của thầy rất lâu rồi đến bên chú Ngọc, cầm lấy vai chú Ngọc cám ơn. Lát sau không biết thầy loay hoay tìm cái gì, hoá ra thầy tìm cái chứng minh thư của thầy, rồi bóc tấm ảnh trong đó ra tặng chú Ngọc. Đó là buổi gặp gỡ cảm động nhất của em tôi với thầy.

Năm 1988, tôi gần triết gia Trần Đức Thảo nhiều nhất cũng là thời gian thầy tặng tôi cuốn "Vấn đề con người và Chủ nghĩa lý luận không có con người” đúng lúc đất nước đang chuyển bước sang kinh tế thị trường, rồi chuyện “giá-lương-tiền” ra rả trên đài, nhưng thầy không chú ý. Thầy biết là thầy sắp được qua Pháp vì lãnh đạo Thành uỷ có cử người đến khách sạn thăm sức khoẻ của thầy. Thành uỷ muốn thầy thật khoẻ để sang Pháp. Điều này có lẽ làm thầy suy nghĩ vì đơn thương độc mã, thầy chỉ biết lo cho thầy. Từ tình cảm đó tôi xin kể mấy chuyện sau đây, rất thân tình thầy mới nói với tôi.

Ở khách sạn, khách đến trọ thường chỉ ngắn ngày. Vì vậy nhân viên phục vụ phải lễ độ, nhưng với trường hợp thầy vì ở quá lâu, mỗi lần họ lên dọn dẹp phòng biết cuộc sống đơn chiếc của thầy nên thái độ của họ cũng có khác: họ đề nghị với thầy không được cắm phích điện để nấu thức ăn, nếu muốn nấu thì xuống tầng trệt ở dưới. Họ chỉ gợi ý thôi nhưng có lẽ thầy thấy “tủi thân” kiếp ở nhờ, nên một lần tôi đến, thầy bảo: nếu có thể thuê giúp thầy một căn phòng nhỏ ở dưới đất để thầy dọn đến, sống tự do, độc lập. Tôi có hỏi về gia đình người cháu, thầy không nói gì, chỉ nhún nhẹ đôi vai đã xệ xuống.

Tình cảnh của thầy làm tôi đau xé lòng, vì không thể mời thầy đến ở cùng tôi, nhà tôi cũng khá chật. Tôi đến Sở Nhà đất và Công trình công cộng xin nhà khác để có phòng riêng viết sách nhưng họ bắt chờ đến cả năm. Rõ ràng cái bếp điện có dây may-xo đã làm khổ một triết gia đang khổ hạnh. Điều đó, có lẽ Thành uỷ biết nên sau đó thầy được đưa đến ở riêng một căn nhà nhỏ, trong phạm vi quận I, phía nam chợ Bến Thành, khi khách sạn Bến Nghé bị phá bỏ, cải tạo mở rộng, lớn hơn.

Nhưng không lâu sau, thầy được Thành uỷ mời đến nơi ở mới của khách sạn Bến Nghé, trên đường Điện Biên Phủ, phía quận 3. Đây là nơi ở cuối cùng của thầy ở Việt Nam trước khi thầy qua Pháp. Nhưng lại là điều buồn đối với tôi, vì không được gặp thầy, tạm chia tay với thầy. Đó là thời gian tôi ra Huế và Quảng Bình (khi đó còn thuộc tỉnh Bình-Trị-Thiên), đi Tuyên Hoá lấy tài liệu theo con đường của ngự đoàn vua Hàm Nghi “bá thiên” tránh sự truy lùng của bọn Pháp, để viết cuốn Những ngày Cần Vương. Ngày nay nghĩ lại, tôi thấy quả là linh ứng giữa tình nghĩa thầy trò, vì trước khi ra Huế, tôi có đến tạm biệt thầy, như những lần trước từ Huế về, tôi cũng đến thăm thầy. Hôm đó, vào tháng 8 năm 1989, khi còn ở khách sạn Bến Nghé cũ, thầy tiễn tôi ra cửa, khác mọi hôm thầy nắm tay tôi, rồi nói: “Mình chẳng sống lâu, may ra được 4 năm nữa”!

Chao ôi, linh nghiệm thay, năm 1993 thầy đang ở Pháp, thứ Bảy ngày 24/4/1993, lúc 20 giờ đài RFI của Pháp báo tin giáo sư Trần Đức Thảo vừa từ trần, thọ 76 tuổi. Sáng 28/4/1993, thầy được chôn ở nghĩa trang Père La Chaise cùng các danh nhân nước Pháp. Vâng, thưa thầy vậy là đúng 4 năm, tính từ tháng 8 năm 1989, thầy chợt nói câu nói đó và nay thầy mất là vào giữa năm 1993. Lòng tôi buồn lặng khi viết những dòng này.

Điều thứ hai, định không viết, nhưng đành phải viết. Những ngày ở khách sạn Bến Nghé, gặp trắc trở về sinh hoạt như thế, thầy muốn có một nơi ở cho được “độc lập, tự do”, tất phải có tiền và thuê nhà ở riêng. Mà tiền đâu để thuê nhà? Có lẽ thầy nghĩ đến căn phòng B6 khu Kim Liên, nên khi biết tôi sắp ra Huế, có thể tranh thủ ra Hà Nội, thầy đột nhiên nói với tôi: "Bán nhà đó, thầy mong được độ 2 lạng vàng, nếu được, có thêm tiền lúc qua Pháp”.

Chuyện nhà cửa mua bán, nhất là “mấy lạng vàng” làm tôi phân vân. Thứ nhất tôi rất sợ vàng, thứ hai có được phép bán nhà đó không? Rồi lại bị quy là “tích luỹ tư bản” như hồi bao cấp, của công thành của tư! Có lẽ thầy cũng nghĩ như vậy, nên mấy ngày sau, tôi đến, thầy bảo thôi để nhờ người ngoài Hà Nội. Nhờ ai? Tôi rất ngại… Song vì khi tôi về lại Thành phố Hồ Chí Minh, thầy đã qua ở nơi mới của khách sạn Bến Nghé trên đường Điện Biên Phủ rồi qua Pháp. Lại không được gặp thầy! Đến nay chuyện đó tuyệt nhiên tôi không thể biết được.

Chuyện thứ ba là sách, có chăng còn là di cảo? Nếu có vợ và có con thì chuyện thừa kế di cảo sách của thầy đâu có khó, mà thầy thì rõ ràng “tứ cố vô thân”! Toàn sách về triết học, đa số lại là sách ngoại ngữ. Thầy có nói với tôi là trước đây thầy có gửi tặng một số sách cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi còn ở Hà Nội. Nay ở Thành phố Hồ Chí Minh, nếu qua Pháp thầy chỉ có thể mang theo một số cùng với bản thảo sách đang viết…

Thầy có nói là có thể thầy gửi người cháu, khi về Việt Nam sẽ nhận lại. Đó là việc lâu dài, vì thầy nghĩ “có ra đi, tất có ngày sẽ trở về”! Cho nên vì không được gặp thầy trước ngày thầy qua Pháp, tôi cũng không thể biết số phận những sách di cảo, một đời người trên trang giấy của thầy, nếu thầy có gửi nay ai giữ?

Điều duy nhất tôi hy vọng là người cháu đã nhận. Nhưng khổ nỗi là tuy không gặp người cháu đó lần nào, tôi có ý nghĩ là họ có đến gặp thầy cũng chỉ là chuyện bất đắc dĩ trong tình thân, ruột thịt, vì hẳn họ vẫn sợ thầy về vụ Nhân văn-Giai phẩm sẽ có liên quan, nên chắc họ tránh không nhận số sách đó. Tôi lại không biết nơi ở của người cháu đó, nên “số phận di cảo triết học của triết gia Trần Đức Thảo” vẫn không nơi trú ngụ.

Vậy “người có lòng nhân mà tìm không ra cõi thiện”, có thể là như thế, cả với di cảo chứ nói gì đến số phận con người. Đúng là thầy “như nước đại dương kết giọt chốn không bờ”…

Nhà văn Thái Vũ
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.