| Hotline: 0983.970.780

Trí thức trẻ về vùng cao Cao Bằng: Không phải ai cũng thành công!

Thứ Năm 17/08/2017 , 09:40 (GMT+7)

Cao Bằng đã tuyển chọn 44 trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học về làm Phó Chủ tịch tại 44 xã, thị trấn thuộc 05 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thông Nông, Hạ Lang và Hà Quảng. Tuy nhiên không phải trí thức trẻ nào cũng thành công.

Non thực tiễn

Báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng, sau khi nhận nhiệm vụ, các đội viên trí thức thức được phân công phụ trách theo từng mảng khác nhau với 23 người phụ trách kinh tế, 19 văn hóa - xã hội và 02 nông lâm nghiệp. Phần lớn đội viên tốt nghiệp ĐH các chuyên ngành không sát với thực tế nhiệm vụ được giao (tốt nghiệp sư phạm được phân công làm kinh tế), thiếu kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo,...

14-19-59_1
Đội viên trí thức trẻ tình nguyện Chu Phương Huân (phải) và Vi Thị Xuân Hồng (trái) làm việc với ông Vương Văn Dỉn (ngồi giữa) là Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Hà Quảng.

Một số đội viên không biết tiếng dân tộc nên gặp khó khăn trong quá trình giao tiếp. Đặc biệt, những ngày đầu về làm phó chủ tịch xã, nhiều trí thức trẻ không hình dung nổi điều kiện về cơ sở hạ tầng (phòng làm việc, nhà công vụ, trang thiết bị công tác và sinh hoạt cá nhân...) lại thiếu thốn đến thế. Nhiều xã chưa có điện lưới quốc gia, cảnh đèn dầu leo lét từ thời bao cấp lại tái hiện làm nhiều đội viên không khỏi... thất vọng.

Ông Bế Ngọc Duy, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên, Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng cho biết, phải thừa nhận có một số đội viên vừa tốt nghiệp ra trường đã được đưa lên làm lãnh đạo, làm nảy sinh hai vấn đề.

Thứ nhất, nhờ được hỗ trợ theo chủ trương thu hút trí thức trẻ về với vùng nghèo nên mức lương của họ hưởng cao gần gấp đôi so với lương công chức xã. Thu nhập chênh lệch như vậy gây tâm lý so bì đối với một số cán bộ ở cơ sở, khi môi trường làm việc như nhau. Thứ hai, lãnh đạo nhiều địa phương chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa của đề án 600 trí thức trẻ, họ cũng chưa tin tưởng vào khả năng làm việc của các đội viên nên không phân giao nhiệm vụ cụ thể.

Anh Chu Phương Huân, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Thôn, huyện Hà Quảng sau khi kết thúc đề án đã được bố trí làm viên chức Trạm Khuyến nông huyện. Anh cho biết, ngay sau khi tốt nghiệp Khoa Nông lâm kết hợp của Đại học Nông lâm Thái Nguyên, anh đã được lựa chọn để tham gia đề án. Sau 1 - 2 năm đầu tập làm quen địa bàn, đến khi có ý tưởng đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của xã thì năm thứ 3, thứ 4 mới có thể bắt tay vào triển khai.

Bà Đồng Thị Kiều Oanh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng cho rằng, rất cần thiết phải xem xét, quy định về thời gian đào tạo, học hỏi, trải nghiệm công việc thực tế tại cơ sở ít nhất là 1 đến 2 năm đối với đội viên trí thức trẻ tình nguyện. Chỉ như vậy, các đội viên mới thực sự được thử lửa và những ý tưởng mới của họ mới có cơ hội áp dụng vào thực tiễn.

Tuy nhiên những ý tưởng của các đội viên sẽ rất khó trở thành hiện thực khi mà điều kiện kinh tế hạn chế, phải qua "cầu cấp" lãnh đạo xã lại gặp phải sự hờ hững, không tin tưởng của các cán bộ địa phương cao tuổi, một số bảo thủ. Nhiều kiến thức trong trường ĐH của trí thức trẻ bị ngăn trở bởi chính lối làm ăn cũ kỹ, kỹ thuật canh tác lạc hậu đã ăn sâu vào tư duy của người dân bản địa.

Đội viên Đặng Trung Kiên, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, nay là viên chức Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết, việc bỡ ngỡ, lúng túng, thậm chí là choáng ngợp khi tiếp cận với môi trường mới, con người mới là không tránh khỏi. Những kiến thức mà các đội viên học được ở trường còn xa với công việc thực tế. Khi được giao việc, nhiều cán bộ chưa biết phải làm gì và tham mưu như thế nào nên ít nhiều lúng túng, ...
 

Thiếu kỹ năng mềm

Đội viên Vi Thị Xuân Hồng khi về làm Phó Chủ tịch UBND xã Sỹ Hai (huyện Hà Quảng) đã gặp rất nhiều khó khăn. Do không biết tiếng đồng bào dân tộc bản địa nên mỗi lần đến tìm hiểu về phong tục tập quán, cách thức sản xuất của bà con chị đều phải nhờ người đi cùng làm... thông ngôn. Chị Hồng cho rằng, nếu được phân công về làm cán bộ Trạm Khuyến nông huyện thì phù hợp hơn là làm Phó Chủ tịch xã.

Kết thúc đề án, chị Hồng về làm viên chức Trạm Khuyến nông huyện, và chính tại đây, chị đã phát huy được năng lực và sở trường của mình. Yêu thích nông nghiệp đã ngấm vào máu, lại được đặt vào đúng vị trí công tác, như "cá gặp nước", chị ngày đêm tìm tòi, suy nghĩ đưa các cây, con hay kỹ thuật mới về địa phương để bà con áp dụng vào sản xuất.

Sinh năm 1988, khi vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm, cô gái Trần Thị Hương  được phân công về làm Phó Chủ tịch UBND xã Nam Quang (huyện Bảo Lâm) - cách xa quê hương Trùng Khành của Hương hơn 200 km. Bản thân Hương là người dân tộc Tày, tại Nam Quang, cô phải tiếp xúc với môi trường làm việc mới, bà con thôn bản đa phần là dân tộc Nùng, Mông, Sán Chí,…

14-19-59_4
Đội viên trí thức trẻ Trần Thị Hương

Là lãnh đạo xã, Hương được giao làm tổ trưởng tổ 30a, 135, và chương trình xây dựng nông thôn mới. Những công việc hoàn toàn khác so với đào tạo trong trường lớp, lại thiếu kỹ năng giao tiếp, nếu không có bản lĩnh, nỗ lực và năng lực chắc chắn chị đã thất bại - Hương tâm sự. Tuy nhiên, những ngày tháng khó khăn cũng dần qua đi, những trí thức trẻ như Hương đã "chín" dần để trụ lại với công việc, với bà con.

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, việc tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình đưa trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã tại các huyện nghèo là để tăng thêm lực lượng cán bộ tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, cần đổi mới khâu tuyển chọn theo hướng chặt chẽ hơn (thi tuyển, kết hợp với bảo vệ đề án, chương trình...); chỉ tuyển chọn những em có chuyên ngành đào tạo phù hợp với các nhiệm vụ tại cơ sở; cần có thời gian để trí thức trẻ thể hiện năng lực sở trường công tác trước khi giới thiệu bầu, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý tại địa phương.

Mặt khác, cần thực hiện giao chỉ tiêu biên chế ngay từ thời gian đầu của đề án (nếu tiếp tục thực hiện các đề án tương tự trong tương lai) để địa phương có thể chủ động sắp xếp bố trí, sử dụng những đội viên có năng lực phù hợp mà không ảnh hưởng đến biên chế của địa phương.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.