| Hotline: 0983.970.780

Triền cao, đồi dốc thành vùng cây dược liệu trù phú

Thứ Ba 27/08/2024 , 09:00 (GMT+7)

Quảng Trị Để canh tác bền vững cây dược liệu trên đất dốc, Công ty An Xuân và các hộ dân đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm chống xói mòn, rửa trôi.

Xây nền móng cho nông nghiệp bền vững

Sau khi những đồi keo được khai thác, đốt và trồng mới, tốc độ rửa trôi đất tại vùng đất đồi xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) diễn ra nhanh chóng. Loay hoay mãi, người dân cũng chỉ biết trồng keo rồi chờ ngày thu hoạch.

Người dân trồng cây dược liệu trên đất dốc theo hướng hữu cơ tự ủ phân chuồng. Ảnh: Võ Dũng.

Người dân trồng cây dược liệu trên đất dốc theo hướng hữu cơ tự ủ phân chuồng. Ảnh: Võ Dũng.

Chính ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cũng thừa nhận, vùng đất này có độ dốc lớn, bị rửa trôi, bạc màu, thoái hóa nên người dân chủ yếu trồng các loại cây như keo, bạch đàn…, hiệu quả kinh tế thấp. Nhưng khi Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân (Công ty An Xuân) sát cánh cùng nông dân sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học và áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, một nền tảng bền vững trong sản xuất nông nghiệp đã được hình thành và có sức lan tỏa nhanh chóng.

Bà Lê Hồng Nhạn, đại diện Công ty An Xuân cho biết, khu đất 5ha Công ty đang canh tác trước đây là đồi cao su dốc. Năm 2015, sau trận bão lớn, hầu hết cây cao su đều bị đổ ngã. Thời điểm đó, cao su tiểu điền không hiệu quả, bà Nhạn nghĩ đến việc chuyển sang trồng cây dược liệu. Cam Tuyền nói riêng và Cam Lộ nói chung vốn là vùng đất của cây dược liệu. Hầu hết các cây dược liệu trồng ở đây đều có tính dược cao, tỷ lệ cao cô đặc lớn. Trồng và chiết xuất, chế biến cây dược liệu ở vùng đất này là nghề truyền thống nhưng gần như chỉ sản xuất ở quy mô gia đình.

Đạm cá phục vụ canh tác cây dược liệu. Ảnh: Võ Dũng.

Đạm cá phục vụ canh tác cây dược liệu. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, việc trồng cây dược liệu của Công ty An Xuân chỉ ổn định khoảng 3 - 4 năm đầu dù đã bón đủ các loại phân bón. Đã đôi lúc bà Nhạn nghi ngờ về tính khả quan của việc trồng cây dược liệu trên vùng đất này.

Nhưng rồi, mọi thứ dần thay đổi khi Công ty An Xuân áp dụng hàng loạt các biện pháp để làm giàu chất dinh dưỡng cho đất, chống lại quá trình rửa trôi của vùng đất dốc. Cùng với quá trình cải tạo đất, năng suất cây dược liệu nhích dần. Tinh chất chiết xuất, tỷ lệ cao cô đặc từ cây dược liệu trên dồi dốc thôn An Mỹ (nơi Công ty An Xuân chọn làm điểm trồng và chế biến cây dược liệu) tăng lên đáng kể. Chất lượng sản phẩm chế biến cũng ngày càng được người tiêu dùng đánh giá cao.

Không chỉ có 5ha cây dược liệu của mình, Công ty An Xuân còn liên kết với gần 100 hộ dân trồng trên 20ha cây dược liệu theo hướng hữu cơ theo tiêu chuẩn do Công ty đề ra. Toàn bộ sản phẩm nếu đạt tiêu chuẩn sẽ được Công ty thu mua, chế biến để cho ra đời những sản phẩm dược liệu phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Công ty An Xuân và nhiều hộ dân liên kết không sử dụng thuốc BVTV, chất kích thích tăng trưởng và phân bón hóa học trong quá trình trồng cây dược liệu. Ảnh: Võ Dũng. 

Công ty An Xuân và nhiều hộ dân liên kết không sử dụng thuốc BVTV, chất kích thích tăng trưởng và phân bón hóa học trong quá trình trồng cây dược liệu. Ảnh: Võ Dũng. 

"Hãy khoan nói đến việc tăng năng suất vì quá trình cải tạo đất không chỉ ngày một ngày hai. Và hiệu quả kinh tế cũng vậy, nó cứ nhích dần, nhích dần một cách bền vững. Điều quan trọng là chúng tôi đã tạo ra giá trị và từng bước nâng cao được chất lượng của những sản phẩm trên vùng đất cằn cỗi và có độ dốc lớn này", bà Nhạn chia sẻ.

Tìm lại những điều từng bị lãng quên

Đất dốc dễ bị bào mòn dinh dưỡng nhanh chóng, nhất là khi sử dụng phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng và các loại thuốc BVTV kéo dài. Nhưng hàng chục hộ dân đã chống lại sự nghiệt ngã ấy bằng việc cùng Công ty An Xuân sử dụng phân bón hữu cơ tự ủ, hình thành các đường đồng mức để canh tác, sử dụng chế phẩm sinh học, tủ quanh gốc cây, trồng cỏ vetiver để giữ đất...

Người dân Cam Tuyền coi bà Nhạn là người tiên phong ở vùng đất này trong việc sử dụng cây họ đậu để tăng lượng ni tơ trong đất.

Trồng cỏ vetiver tại các đường đồng mức để giữ đất, chống xói mòn, rửa trôi. Ảnh: Võ Dũng.

Trồng cỏ vetiver tại các đường đồng mức để giữ đất, chống xói mòn, rửa trôi. Ảnh: Võ Dũng.

"Sau mỗi chu kỳ trồng cây dược liệu, chúng tôi gieo dày đặc cây đậu tương, sau đó dùng máy phay nhỏ thân và gốc, rễ cây. Chúng không chỉ cung cấp độ mùn mà còn rất hữu ích. Cây họ đậu dùng vi khuẩn cố định đạm, cụ thể là rhizobia cộng sinh trong nốt sần của chúng để tiếp cận nitrogen dễ dàng hơn. Những vi khuẩn rhizobia chuyển hóa nitrogen trơ (N2) thành ammonia (NH3) qua một quá trình cố định nitrogen", bà Nhạn nói về kinh nghiệm cải tạo vùng đất dốc của mình.

Theo bà Nhạn, thực ra, đây là một kỹ thuật có từ xa xưa nhưng cùng với sự tiện lợi của phân bón hóa học, kỹ thuật cải tạo đất này dường như đã bị quên lãng.

Ngoài cây họ đậu, tất cả phụ phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến được thu gom, cộng với phân chuồng thu mua sẽ được ủ với các chế phẩm sinh học để có nguồn phân hữu cơ cải tạo đất. Một số phụ phẩm như rơm rạ, xác cây thân mềm sẽ được tủ quanh gốc cây dược liệu. Các luống đều được phủ nilon, vừa giảm sự phát triển của cỏ dại vừa giúp giữ được lớp mùn, độ ẩm và chất dinh dưỡng trong lòng đất.

Nhiều luống cây dược liệu được phủ luống, vừa giữ độ ẩm vừa chống xói mòn rửa trôi và tăng độ mùn cho đất sau mỗi chu kỳ canh tác. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều luống cây dược liệu được phủ luống, vừa giữ độ ẩm vừa chống xói mòn rửa trôi và tăng độ mùn cho đất sau mỗi chu kỳ canh tác. Ảnh: Võ Dũng.

"Chúng tôi loại bỏ phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng, thuốc BVTV và thay vào đó là phân chuồng hoai mục ủ theo công nghệ Nhật Bản; sử dụng đạm ủ từ cá, chế phẩm vi sinh để chăm sóc cho cây trồng", bà Nhạn cho hay.

Cũng theo bà Nhạn, tùy vào nguồn nước cũng như điều kiện của từng hộ dân để Công ty Xuân An tư vấn tưới nhỏ giọt hay tưới phun bằng béc. Tưới nhỏ giọt, tuy đầu tư cao nhưng vẫn hiệu quả và tiết kiệm nhất. Nếu tưới bằng béc, gần như trên luống và dưới rãnh đều phải tủ nilon, gốc phủ xác thực vật và chỉ tưới ướt, không tưới tràn và tưới làm nhiều lần trong ngày.

Ông Lê Quang Hoàng ở thôn Tân Quang, xã Cam Tuyền cho biết sau quá trình cải tạo đất theo quy trình của Công ty An Xuân đưa ra, chất lượng đất canh tác đã được cải thiện đáng kể. Cày xới dưới những lớp đất, vi sinh vật trở nên đa dạng hơn, giun đất xuất hiện nhiều hơn so với trước đây. Năng suất, chất lượng cây cà gai leo cũng theo đó tăng lên từng ngày.

"Trồng cây dược liệu theo hướng hữu cơ, nhất là trong giai đoạn đầu không hề đơn giản. Nhưng chúng tôi đang thấy được sự đổi thay từng ngày. Mọi thứ xung quanh đang tốt dần lên và chúng tôi thấy được sự bền vững với phương pháp canh tác này", ông Hoàng chia sẻ.

Tùy điều kiện từng hộ dân, có thể sử dụng béc tưới kết hợp phủ gốc, phủ nilon luống để chống xói mòn, rửa trôi. Ảnh: Võ Dũng.

Tùy điều kiện từng hộ dân, có thể sử dụng béc tưới kết hợp phủ gốc, phủ nilon luống để chống xói mòn, rửa trôi. Ảnh: Võ Dũng.

Nhưng không nhiều người nghĩ được như ông Hoàng. Theo bà Nhạn, sở dĩ tất cả các hộ dân trong mối liên kết đều làm đúng quy trình là bởi Công ty An Xuân kiểm soát rất nghiêm ngặt đầu vào. Nếu phát hiện sản phẩm trồng sai quy trình, Công ty sẽ không thu mua.

"Ý thức, dù có thay đổi nhưng bản thân người sản xuất vẫn luôn mong muốn giảm công lao động trong quá trình sản xuất. Vì thế, chúng tôi luôn giám sát kỹ quá trình trồng và chăm sóc cây dược liệu của các hộ dân trong mối liên kết", bà Nhạn cho biết thêm.

Sau gần 10 năm trồng và chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu, mỗi năm Công ty An Xuân đã cho ra đời 15 - 20 nghìn sản phẩm các loại. Các sản phẩm dược liệu của Công ty An Xuân hiện cũng được phân phối rộng rãi trên hệ thống các siêu thị lớn như Sepon, Coopmart… và được giới thiệu, bán trên 100 cửa hàng phân phối, sàn thương mại điện tử.

Xem thêm
Nỗi niềm cán bộ thú y: [Bài cuối] Nghề 'tâm sự, trò chuyện' cùng vật nuôi

Công việc nhiều, lòng nhiệt tình có thừa, nhưng thu nhập lại... khiêm tốn. Đó là câu chuyện của những nhân viên thú y ở huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

20 giống cà phê của WASI được chuyển giao ra sản xuất

ĐẮK LẮK Hiện WASI đã có 20 giống cà phê được giới thiệu và đưa vào sản xuất, bao gồm 14 giống cà phê vối và 6 giống cà phê chè.