| Hotline: 0983.970.780

Phát triển các loại hình kinh tế dưới tán rừng

Thứ Sáu 05/07/2024 , 08:04 (GMT+7)

Ngoài việc chăm sóc, bảo vệ rừng, nhiều hộ gia đình ở vùng núi An Giang còn trồng các loại cây dược liệu, nuôi nai dưới tán rừng cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Duy Mẫn, ở xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên (An Giang) là hộ nuôi nai lấy nhung bán quanh năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Duy Mẫn, ở xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên (An Giang) là hộ nuôi nai lấy nhung bán quanh năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

So với nhiều địa phương khác trong cả nước, diện tích rừng ở An Giang không nhiều, nhưng lại có tầm quan trọng chiến lược về an ninh quốc phòng và góp phần cân bằng môi trường sinh thái trong khu vực. Vùng Bảy Núi  không chỉ là địa bàn sinh sống của hơn 30 ngàn hộ dân thuộc huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, trong đó có gần phân nửa là bà con người dân tộc Khmer.

Hiện nay, khi đất rừng ở vùng Bảy Núi đã được phủ xanh, nghề chăn nuôi động vật hoang dã dưới tán rừng cũng được xem là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân. Với diện tích đất rừng hơn 15ha gồm sao, bạch đàn, xà cừ, keo… chạy dài từ chân lên tới đỉnh núi Cấm của gia đình ông Nguyễn Duy Mẫn, ở xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên còn là hộ nuôi nai lấy nhung bán quanh năm.

Ông Nguyễn Duy Mẫn, trước đây là hộ đầu tiên ở xã An Hảo được Chi cục Kiểm lâm An Giang hỗ trợ vay vốn bằng cặp nai cho những hộ có diện tích rừng nhiều, với thời hạn hoàn trả vốn và lãi suất sau 3 năm. Đó là cách làm để giúp người dân sống ở vùng Bảy Núi cải thiện cuộc sống khá lên. Nhưng đối với gia đình ông Mẫn, chỉ sau 2 năm nuôi và nai đã sinh sản và bán con giống, ông Mẫn đã có thể thu hồi vốn và có lời. Đến nay, đàn nai trong chuồng của ông đã tăng lên gần 20 con, trung bình mỗi năm thu nhập khoảng 120 -150 triệu đồng từ việc lấy nhung nai bán.

Nhờ nuôi nai dưới tán rừng, đến nay đàn nai trong chuồng của ông Mẫn đã tăng lên gần 20 con, trung bình mỗi năm thu nhập khoảng 120 -150 triệu đồng từ việc lấy nhung nai bán. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhờ nuôi nai dưới tán rừng, đến nay đàn nai trong chuồng của ông Mẫn đã tăng lên gần 20 con, trung bình mỗi năm thu nhập khoảng 120 -150 triệu đồng từ việc lấy nhung nai bán. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Mẫn, nai rất dễ nuôi, dễ chăm sóc, ít bệnh, mỗi ngày chỉ cần cho ăn 2-3 buổi, khi cho uống nước thì cần pha chút muối hoặc chút cám để đảm bảo đủ chất. Thức ăn của nai chủ yếu là các loại cỏ dại hay cỏ voi được trồng xen dưới tán rừng, các phụ phẩm nông nghiệp, như vỏ và thân cây bắp, rau muống, khoai lang… dễ kiếm tại các chợ.

Đến lúc trưởng thành, nai cái 25 tháng tuổi có thể sinh sản và đẻ mỗi năm 1 con. Riêng nai đực nuôi 17-18 tháng bắt đầu thu hoạch nhung, thời điểm thu hoạch từ tháng 4-8 (âm lịch), lần đầu tiên chỉ thu được 500-600 gram nhung, nhưng thu hoạch từ lần thứ 5 trở về sau, nai sẽ cho đều đặn khoảng 2,5kg nhung mỗi con. Hiện 1kg lộc nhung bán giá từ 14 - 15 triệu đồng.

Ngoài việc bán nhung nai, mỗi năm gia đình ông Mẫn bán từ 1-2 cặp nai tơ để phục vụ làm giống. Trung bình 1 cặp nai tơ 6 tháng tuổi bán giá từ 40-50 triệu đồng.

Còn anh Chau Vui, ở ấp Rờ Leng, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn cho biết, trước đây, ngoài tiền hỗ trợ hàng năm của ngành lâm nghiệp để trồng, chăm sóc, bảo vệ 1ha rừng, gia đình anh sinh sống chủ yếu nhờ vào mấy công hoa màu trồng dưới tán rừng. Những năm gần đây, khi cây rừng đã giáp tàng không thể trồng rẫy được nữa, anh cũng như nhiều bà con Khmer ở địa phương chuyển sang nghề nuôi bò vỗ béo.

Ngoài chuyện nuôi bò vỗ béo ra gia đình anh còn có trại bò hàng chục con. Kỳ vọng cuối năm nay sẽ có nguồn thu nhập khá nhờ xuất bán đợt bò thịt giống mới này.

Người dân ở vùng Bảy Núi (An Giang) thu hoạch củ nghệ vàng để làm dược liệu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Người dân ở vùng Bảy Núi (An Giang) thu hoạch củ nghệ vàng để làm dược liệu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngoài nuôi động vật hoang dã, nuôi bò dưới tán rừng thì nhiều năm trở lại đây, thực hiện quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trồng dưới tán rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang đã xây dựng nhiều tổ hợp tác bảo vệ rừng và trồng cây dược liệu để giúp người dân tăng thêm thu nhập kinh tế.

Mặt khác, Sở Khoa học và Công nghệ và Sở NN-PTNT cũng đã thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu cây dược liệu, nhằm giúp người dân phát triển sản xuất dưới tán rừng và xây dựng thương hiệu một số sản phẩm chủ lực như bột huyền Ngũ Hồ Sơn – Bảo Lâm, rượu đinh lăng Ngũ Hồ Sơn, nghệ vàng, nghệ xà cừ, ba kích, hà thủ ô đỏ, kim tiền thảo, huyết rồng, thần xạ hương, sâm hồng…

Ông Nguyễn Minh Đức tận dụng trồng các loại cây dược liệu như cây huyền, ngải đen, đinh lăng tăng thu nhập. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Minh Đức tận dụng trồng các loại cây dược liệu như cây huyền, ngải đen, đinh lăng tăng thu nhập. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Minh Đức, ở ấp Núi Két, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên cho biết, gia đình có 5ha rừng, dưới tán rừng ông đã tận dụng trồng các loại cây dược liệu như huyền, ngải đen, đinh lăng. Đây là những loại cây sống rất thích nghi dưới tán rừng. Vì thế gia đình ông có nguồn thu nhập hàng năm từ các loại dược liệu dưới tán rừng khá ổn định.

Ông Thái Văn Nhân, Ban quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang đánh giá, hiện nay ở vùng Bảy Núi người dân phát triển mạnh các loại hình kinh tế dưới tán rừng từ chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ, du lịch sinh thái. Đây được xem là các mô hình mang lại hiệu quả cao cần nhân rộng trong cộng đồng, hộ dân nhận khoán rừng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.