| Hotline: 0983.970.780

Triển khai bảo hiểm nông nghiệp chắc chắn sẽ gặp khó

Thứ Hai 20/09/2010 , 10:45 (GMT+7)

Đó là khẳng định của ông Phùng Đắc Lộc, TTK Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam khi trao đổi với NNVN xung quanh việc triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN).

Ông Phùng Đắc Lộc, TTK Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Đó là khẳng định của ông Phùng Đắc Lộc, TTK Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam khi trao đổi với NNVN xung quanh việc triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN).

Con gà, cây lúa khác với chiếc ôtô

Thưa ông, ông có thể cho biết về tỷ trọng của BHNN trong cơ cấu bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam hiện nay?

Theo báo cáo của các DN tham gia thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam hiện nay, doanh thu phí BHNN chiếm tỷ trọng không đáng kể so với doanh thu phí bảo hiểm của toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ. Con số này của cả năm 2009 chỉ đạt 1,7 tỷ đồng so với 13.644 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ; và 6 tháng đầu năm 2010 mới chỉ đạt 958 triệu đồng so với 8.241 tỷ đồng doanh thu phí toàn ngành.

Nói như vậy để thấy rằng, thị trường BHNN còn quá nhiều tiềm năng, nhưng khai thác thế nào thì lại là chuyện hoàn toàn khác.

Như ông nhận xét, việc triển khai BHNN tại Việt Nam hiện nay rất “vướng”? Vậy thì những cái vướng đó cụ thể là gì, thưa ông?

Tôi cho rằng, BHNN là loại hình bảo hiểm tương đối đặc thù, nó dành cho cơ thể sống mà cuộc sống thì phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tự nhiên như khí hậu, đất đai. Ví dụ như vật nuôi chỉ cần thời tiết thay đổi một chút là có thể mắc bệnh. Những đối tượng của BHNN cũng phụ thuộc nhiều vào yếu tố di truyền, chế độ chăm sóc, chế độ bảo vệ, chế độ tiêm phòng… Tức là ngành chăn nuôi, trồng trọt cần có quy trình thật bài bản và nghiêm túc để đảm bảo năng suất. Thế nhưng, nông dân hiện nay chăn nuôi manh mún, không có quy chuẩn, một gia đình chỉ có vài sào ruộng, vài con lợn… thì làm sao mà bảo hiểm vì rủi ro quá cao. Với thực trạng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hiện tại, thì BHNN quá nhiều rủi ro, nó khác hẳn với bảo hiểm cái ô tô, bảo hiểm hàng hóa thành phẩm…

BHNN nhiều rủi ro, thì đương nhiên mức phí sẽ cao hơn. Như vậy, e rằng nông dân “không chịu được nhiệt”, thưa ông?

Đúng là nếu có bảo hiểm thì do rủi ro quá cao nên phí bảo hiểm cũng sẽ cao, nông dân không thể chịu được. Ngành sản xuất kinh doanh thì có giá thành sản phẩm để có thể tính toán doanh thu cụ thể, trong khi ngành nông nghiệp thì phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, mà nhiều khi được mùa lại vẫn mất giá. Người nông dân không thể tính toán được kết quả thu về bao nhiêu thì làm sao họ mạo hiểm chấp nhận trả thêm một khoản phí không nhỏ như phí bảo hiểm. Hơn nữa, nếu muốn làm BHNN, DN bảo hiểm sẽ phải chi phí cao, bởi lẽ, ít nhất mỗi thôn phải có một người của DN thường trực ở đó, để hễ mưa quá thì tư vấn cho người dân chống úng, dịch bệnh xảy ra thì tư vấn phòng chống dịch bệnh… Thậm chí DN bảo hiểm còn phải ứng tiền để phòng chống các trường hợp trên, như là một biện pháp để hạn chế rủi ro cho chính mình. Như vậy chi phí quản lý đối với DN sẽ rất cao.

DN bảo hiểm rút chạy

Thưa ông, được biết, trước đây đã có một số DN trong lĩnh vực này thực hiện BHNN nhưng không có lãi, thậm chí còn lỗ. Ông có thể phân tích nguyên nhân thất bại của họ?

Như tôi đã nói ở trên, thực tế, nhiều DN bảo hiểm cũng đã thực hiện thí điểm BHNN nhưng chi phí quản lý quá cao nên họ không chịu nổi. Nhưng đấy chỉ là một trong nhiều nguyên nhân. Cái quan trọng nhất, theo tôi, chính là rủi ro về trục lợi khi thực hiện BHNN. Nông dân Việt Nam sống theo bản làng, tình làng nghĩa xóm lớn, vì vậy rủi ro họ không tố cáo nhau mà quay lại bảo vệ nhau để trục lợi là lớn. Ví dụ Cty bảo hiểm Groupama của Pháp vào Việt Nam từ năm 2001 và triển khai bảo hiểm con gà, bảo hiểm chăn nuôi tôm cá tại ĐBSCL. Họ nhập một loại vòng từ Pháp về để đeo vào chân những con gà được bảo hiểm, nhưng sau đó loại vòng này cũng được sản xuất ở quận 5 TP. HCM, và người mua bảo hiểm mua loại vòng trên về đeo cho gà của mình. Bây giờ công ty này chỉ còn triển khai BHNN đối với các trang trại, chứ còn bảo hiểm hộ gia đình thì họ đã “đầu hàng” rồi.

Đấy là chuyện DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này, còn DN bảo hiểm trong nước thì sao, thưa ông?

DN có vốn nước ngoài họ quản lý rất chặt, nhưng còn bị “qua mặt”, nữa là DN trong nước. Tôi còn nhớ, ngay từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, lúc Việt Nam còn tồn tại mô hình các HTX nông nghiệp tập trung, sản phẩm của cơ chế bao cấp, thì cũng đã xuất hiện mô hình BHNN. Tuy nhiên, sau khi triển khai được vài năm, thì cũng chính do chi phí quản lý cao, và độ rủi ro về thiên tai, dịch bệnh quá lớn, nên phá sản. Cách đây vài năm, một đề án BHNN cũng đã được vạch ra, nhưng không có DN trong nước nào hào hứng tham gia, rồi cuối cùng cũng bỏ đấy. Cứ nhìn vào doanh số BHNN hiện nay thì biết ngay.

Ai bảo hiểm cho các DN bảo hiểm?

Chính phủ đã và đang có chủ trương hỗ trợ ngành nông nghiệp và người nông dân. Vậy Hiệp hội Bảo hiểm có cùng Chính phủ đưa ra giải pháp nào để giúp bảo hiểm cho nông dân trước những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh?

Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính kết hợp với Bộ NN-PTNT lập đề án BHNN thí điểm. Trong đó, bảo hiểm cây lúa được lựa chọn tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp. Bảo hiểm trâu, bò, lợn, gà thực hiện tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội. Bảo hiểm nuôi cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm thẻ chân trắng thì thí điểm ở Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.

Dự kiến Nhà nước sẽ hỗ trợ 80-90% phí bảo hiểm cho hộ nông dân và cá nhân nghèo, hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân và cá nhân không thuộc diện nghèo, và hỗ trợ 50% phí bảo hiểm cho tổ chức sản xuất nông nghiệp như DN và HTX. Rõ ràng, như đã nói ở trên, mức phí cao mà nông dân “không chịu được nhiệt” sẽ được Nhà nước hỗ trợ. Nhưng tôi nhắc lại, đó chỉ là thí điểm. Chứ nếu triển khai rộng, thì sẽ rất khó khăn, vì lấy đâu ra kinh phí thực hiện?

Được sự hỗ trợ của Nhà nước, có lẽ các DN sẽ hào hứng tham gia thí điểm thị trường này, thưa ông?

Tôi được biết, hiện đã có 4 DN được phân công để thực hiện thí điểm, đó là: Bảo Việt, Bảo Minh, Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và TCty Tái bảo hiểm Quốc gia. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là: Ai sẽ bảo hiểm cho các DN bảo hiểm trên khi xảy ra lỗ vốn tham gia BHNN? Với năng lực tài chính hiện nay của các Cty bảo hiểm, thì phải tái bảo hiểm theo quy định của Bộ Tài chính, mà phải tìm đối tác nước ngoài để tái bảo hiểm. Tôi được biết hiện TCty Tái bảo hiểm Quốc gia được giao nhiệm vụ tái bảo hiểm, nhưng nếu một mình DN “ôm” hết, thì không chịu đựng nổi, còn tìm đối tác nước ngoài, thì vẫn chưa có DN nước ngoài nào nhận tái bảo hiểm.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm