| Hotline: 0983.970.780

Triển khai phầm mềm nhật ký điện tử truy xuất nguồn gốc cá ngừ

Thứ Năm 15/09/2022 , 17:39 (GMT+7)

Sau buổi làm việc với Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam chiều 15/9, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân hứa chọn một số doanh nghiệp tiêu biểu để thực hiện.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân mong muốn triển khai sớm phần mềm nhật ký điện tử. Ảnh: Bảo Thắng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân mong muốn triển khai sớm phần mềm nhật ký điện tử. Ảnh: Bảo Thắng.

Luật Thủy sản năm 2003 yêu cầu ngư dân phải ghi chép sổ nhật ký khai thác để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.

Sau đó, Luật Thủy sản năm 2017 nhấn mạnh, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ nhằm góp phần gỡ thẻ vàng của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: "Truy xuất nguồn gốc thủy sản không chỉ để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu như EU, Mỹ... mà còn là nhu cầu từ thị trường trong nước liên quan tới minh bạch hóa thông tin về sản phẩm thủy sản".

Thời gian qua, ngành thủy sản đã chủ động triển khai vấn đề này, từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Tuy nhiên, cách ghi chép nhật ký thủ công, theo phương pháp truyền thống lộ ra một số hạn chế như: Chưa đảm bảo tính chính xác, quy trình truy xuất tốn nhiều thời gian; Việc ghi chép, lưu trữ hồ sơ khi ngư dân trên biển gặp nhiều khó khăn; Tốn nhân lực trong công tác quản lý, giám sát...

Phần mềm truy xuất cá ngừ giúp xác nhận vùng đánh bắt của ngư dân nằm trong vùng khai thác hợp pháp. Ảnh: Bảo Thắng.

Phần mềm truy xuất cá ngừ giúp xác nhận vùng đánh bắt của ngư dân nằm trong vùng khai thác hợp pháp. Ảnh: Bảo Thắng.

Triển khai nhật ký điện tử truy xuất nguồn gốc là nhiệm vụ cấp thiết với ngành thủy sản. Qua quá trình thử nghiệm, Tổng cục Thủy sản nhận thấy, nhật ký điện tử cần đảm bảo các yếu tố như: dễ sử dụng với bà con, liên thông với hệ thống tàu trên cả nước, có thể dễ dàng kết nối để giám sát vị trí và đưa vào nhật ký khai thác.

Trên quan điểm này, Tổng cục Thủy sản chọn ngành cá ngừ để triển khai trong thời gian tới. Tổng cục trưởng Trần Đình Luân cho biết, thông qua Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ sẽ được tiếp cận để sử dụng trên diện rộng.

"Ngành thủy sản mong muốn, bất cứ nghiên cứu nào cũng phải đi tới sản phẩm cuối cùng. Qua quá trình lấy ý kiến, doanh nghiệp và các chủ tàu đều mong muốn được tham gia, nhằm giảm sức người, tăng độ chính xác cho công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác", ông Luân nói.

Qua buổi làm việc với Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản mong muốn hiệp hội chọn một vài doanh nghiệp tiêu biểu để thực hiện. Ngoài ra, ông Luân hứa sẽ tổ chức những lớp tập huấn, thậm chí cầm tay chỉ việc cho các thuyền trưởng và thủy thủ trực tiếp khai thác.

Nhận định sẽ có nhiều đối tượng tham gia sử dụng phần mềm như ngư dân, bộ đội biên phòng, cơ quan quản lý, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân yêu cầu đơn vị thực hiện tăng cường đảm bảo tính an toàn, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các tác nhân tham gia chuỗi truy xuất, đồng thời sớm xây dựng phương hướng, nhiệm vụ để hoàn thiện hơn nữa phần mềm cho các năm tới.

Ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho biết, cả nước hiện có hơn 20 nhà máy chuyên chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương, tập trung nhiều nhất tại tỉnh Khánh Hòa, cùng số tàu khoảng hơn 6.000 chiếc.

Sau khi EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020, EU cấp hạn ngạch 11.500 tấn cá ngừ đóng hộp với ưu đãi thuế suất 0%. Do đó, doanh nghiệp trong nước có xu hướng chuyển dần sang các sản phẩm dạng này, thay vì phi lê truyền thống.

HIệp hội đang tích cực phối hợp WWF Việt Nam triển khai chương trình "Kế hoạch cải thiện nghề cá ngừ Việt Nam", thông qua chứng chỉ tiêu chuẩn Hội đồng Quản lý biển (MSC).

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.