| Hotline: 0983.970.780

Triển vọng cây cao su Ninh Thuận

Thứ Tư 24/10/2012 , 10:23 (GMT+7)

Một số dự án trồng thí điểm cây cao su đã mở ra triển vọng mới cho vùng đất khô cằn này.

Ninh Thuận là vùng đất khô hạn nhất nước, đất đai thổ nhưỡng ở miền núi khó canh tác, để tìm được cây trồng trên đất rừng nghèo kiệt đem lại hiệu quả kinh tế rất khó. Xuất phát từ đó, một số dự án trồng thí điểm cây cao su đã mở ra triển vọng mới cho vùng đất khô cằn này.

Phát triển ngoài mong đợi

Anh Trần Anh Vũ, Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến ở huyện Bác Ái cho biết: Đối với đơn vị chúng tôi, trồng cây gì đem lại hiệu quả kinh tế trên đất rừng SX nghèo kiệt là bài toán hết sức nan giải. Keo là cây được nhiều đơn vị lựa chọn trồng bởi chu kỳ thu hoạch khá nhanh và đầu ra ổn định. Tuy nhiên đất ở đây rất xấu, khí hậu khô hạn quanh năm nên loài cây này không chịu nổi.

Thực tế những năm khô hạn kéo dài nhiều diện tích keo đã chết hàng loạt. Chúng tôi trồng thử nhiều loài cây như điều hay măng điền trúc nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Trước tình hình đó, năm 2008 được tỉnh cho chủ trương, chúng tôi đã quyết định trồng thử nghiệm 50,5 ha cao su. Do không có vốn nên năm đầu tiên (2008) chúng tôi chỉ trồng được 10,8 ha".

Cty Tân Tiến đã trồng giống cao su có khả năng chịu hạn cao, là PB260 và RRIV4. Năm đầu tiên trồng thử nghiệm, CBCNV ai cũng hồi hộp chờ xem ra sao. Kết quả thật bất ngờ, cây sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống trên 95%. Do vậy trong 3 năm tiếp theo (2009 - 2011), Cty Tân Tiến đã tiếp tục trồng được khoảng 40 ha.


Cây cao su phát triển tốt tại Ninh Thuận

Điều khó tin, nhưng đó là sự thực khi cây cao su được Cty trồng phát triển rất tốt, chỉ sau 2 năm, đường kính thân cây là 8 cm, năm thứ 3 đạt 14 cm và đến năm thứ 5 là 28 cm, vượt 2 cm so với tiêu chuẩn bề vòng thân cây của Tập đoàn Công nghiệp cao su VN.

Với những kết quả bước đầu của cây cao su trồng thử nghiệm tại Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến và Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn, năm 2011 UBND tỉnh Ninh Thuận đã đồng ý cho BQL rừng phòng hộ Sông Sắt tiếp tục triển khai mô hình thí điểm hợp tác đầu tư trồng cao su trên diện tích đất rừng SX nghèo kiệt.

Năng suất, chất lượng cao 

Ông Phạm Thiều, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Ninh Thuận cho biết: Ngay sau khi UBND tỉnh đồng ý chủ trương, các DN đã bắt tay ngay vào khai hoang và chuẩn bị cây giống nhân lực, vật lực để trồng. Đến nay 3 mô hình thí điểm hợp tác với 3 DN đã trồng được 532 ha.

"Cách đây 18 năm, Lâm trường Tân Tiến đã trồng thử nghiệm một số cây cao su tại xã Phước Bình, huyện Bác Ái. Nay số cây cao su này do Vườn Quốc gia Phước Bình quản lý. Thời điểm đó cao su trồng xong là bỏ mặc, không hề có biện pháp kỹ thuật chăm sóc. Đến nay số cây còn sống chỉ còn khoảng vài chục. Để đánh giá chất lượng, năng suất cao su, chúng tôi đã khai thác mủ trong vòng 1 tháng (từ 9/5 - 8/6/2012).

Dự án phát triển cây cao su trên rừng SX nghèo kiệt ở Ninh Thuận bước đầu đạt được kết quả tốt, vừa tăng diện tích có rừng, vừa cải tạo môi trường cho khu vực, góp phần thúc đẩy cao su tiểu điền phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng; đặc biệt là đồng bào dân tộc, góp phần phát triển KH-XH trên địa bàn các xã trong lâm phần của các đơn vị lâm nghiệp quản lý.

Kết quả phân tích của Viện Nghiên cứu cây cao su cho thấy, mủ cao su tại Phước Bình có tổng hàm lượng cao su khô DRC là 38,01%, hàm lượng chất rắn là 35,99%. Các hàm lượng này đạt tỷ lệ cao hơn cả cao su trồng tại một số tỉnh miền Đông Nam bộ từ 2,55 - 9,32% nên có ý nghĩa rất lớn về giá trị kinh tế", ông Thiều chia sẻ.

Mặc dù thời gian cạo mủ ngắn và lần đầu tiên tiến hành cạo khai thác nên việc đánh giá chưa chính xác. Tuy nhiên qua theo dõi và so sánh kết quả mủ cao su tại Phước Bình với các vùng khác có cùng loại giống, độ tuổi cây như nhau thì năng suất cây cao su tại đây đạt khoảng 2,093 tấn mủ khô/ha/năm.

Với những kết quả đạt được, Chi cục Lâm nghiệp Ninh Thuận đã tham mưu Sở NN-PTNT định hướng quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 với diện tích dự kiến trồng từ 16.000 - 19.000 ha. Trong đó giai đoạn 2011 - 2015 quy mô khoảng 11.000 ha, trồng trên diện tích rừng tự nhiên thuộc đối tượng nghèo kiệt cần cải cạo. Giai đoạn 2016 - 2020 trồng từ 5.000 - 7.000 ha, diện tích chủ yếu là đất nương rẫy SX kém hiệu quả.

Xem thêm
Người nuôi lợn trang trại, gia trại được gỡ nút thắt

QUẢNG BÌNH Tâm lý ngại dịch bệnh, thua lỗ, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn được tháo gỡ khi mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ có đệm lót phát huy hiệu quả.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Mùa vàng trên cánh đồng sạ cụm

QUẢNG BÌNH Mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa trong vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích trên 10ha cho hiệu quả lớn…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất