| Hotline: 0983.970.780

Triển vọng vùng mắc ca Tuy Đức

Chủ Nhật 30/04/2023 , 18:53 (GMT+7)

ĐẮK NÔNG Sau gần 10 năm trồng thử nghiệm mắc ca tại các vùng thổ nhưỡng, khí hậu, đến nay cho thấy, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông là địa phương phù hợp trồng loại cây này.

HTX Nông nghiệp Dịch vụ Long Việt (HTX Long Việt, bon Đắk Huýt, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đăk Nông) là một trong những đơn vị thành công trong việc phát triển cây mắc ca tại địa phương.

Không bán mắc ca thô ra thị trường

Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, 44 tuổi, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã cho biết, từ nhiều năm nay, HTX Long Việt không bán sản phẩm mắc ca thô ra thị trường, mà toàn bộ đều qua chế biến. Nhờ vậy giá trị tăng thêm khoảng 30% so với bán thô.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, Chủ tịch HTX Long Việt bên vườn cây mắc ca cho năng suất khá cao. Ảnh: Hồng Thủy.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, Chủ tịch HTX Long Việt bên vườn cây mắc ca cho năng suất khá cao. Ảnh: Hồng Thủy.

HTX Long Việt thành lập năm 2019, ngành nghề chính là trồng, chế biến mắc ca, tiêu, cà phê, sầu riêng, trong đó, mặt hàng chủ lực là mắc ca. HTX thực hiện toàn bộ các dịch vụ, từ ươm giống, tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc đến thu hoạch, chế biến, và tiêu thụ.

Khi mới thành lập, HTX có 7 thành viên, nay tăng lên 22, và 45 hộ liên kết. Tổng diện tích mắc ca khoảng 300ha. Trong đó, diện tích của 22 thành viên HTX là 138ha. Trong số 22 thành viên HTX, hơn 1 nửa là đồng bào thiểu số. 

"Tôi làm cây mắc ca gần chục năm, cung cấp giống cho hầu hết bà con trong HTX và cả ngoài HTX. Ở đây giống OC (Own choice), QN1 là phát triển tốt, ra hoa, đậu trái khá đồng loạt, còn các giống khác cũng phát triển, nhiều trái, nhưng trái nhỏ, ra hoa không đồng loạt", chi Dung cho biết.

Theo chị Dung, từ 2 năm nay, nhờ áp dụng quy trình chăm sóc mới, năng suất mắc ca của HTX rất cao. Mỗi năm cây mắc ca cho thu hoạch 2 vụ, bình quân mỗi cây đạt năng suất từ 20 - 40kg trái/năm, tuỳ cách chăm sóc. “Năng suất mắc ca tại vườn của tôi đạt bình quân khoảng 20kg trái/cây/vụ. Các hộ bà con liên kết, năng suất đạt từ 10 - 15kg trái/cây/vụ", chi Dung thông tin.

Anh Nguyễn Thái Bình, 46 tuổi, thành viên HTX Long Việt có hơn 2ha mắc ca đang chuẩn bị thu hoạch chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc mắc ca như một chuyên gia: “Cây mắc ca chăm sóc cũng dễ, đầu tư ít.

Nếu chăm tốt, phân nước đầy đủ thì đậu trái nhiều, ngược lại nếu thiếu nước thì trái đậu ít chứ không chết như tiêu, cà phê. Về cơ bản, đất vùng Quảng Trực (huyện Tuy Đức) này rất hợp với cây mắc ca. Nhưng đặc biệt hơn là các khu vực đồi trọc, trong khi các cây khác không thể trồng hoặc trồng không phát triển tốt thì cây mắc ca lại rất đẹp”.

Anh Điểu Duy (giữa): 'Cây mắc ca dễ chăm, chi phí chăm sóc không cao, hiệu quả gấp 2 - 3 lần cà phê'. Ảnh: Hồng Thủy.

Anh Điểu Duy (giữa): "Cây mắc ca dễ chăm, chi phí chăm sóc không cao, hiệu quả gấp 2 - 3 lần cà phê". Ảnh: Hồng Thủy.

Anh Bình cho biết, 1ha đất chỉ trồng 280 cây, diện tích đất trống khá nhiều, do đó, có thể trồng xen các loại cây ngắn ngày, đặc biệt thích hợp trồng cây dược liệu.

“Theo tài liệu hướng dẫn lúc trước thì mắc ca trồng theo tỷ lệ 5 - 6 hoặc 4 - 7, tức hàng cách hàng 6m, cây cách cây 5m, tính ra 1ha trồng được khoảng hơn 300 cây. Nhưng trong quá trình chăm sóc, chúng tôi thấy mật độ này quá dày, nên trồng thưa hơn, theo tỷ lệ 6 - 7 (6 x 7= 42, tức 42m2/cây, tính ra 1ha khoảng hơn 230 cây), hoặc 7 - 7 (1ha khoảng 200 cây).

Nếu không thì ít nhất cũng phải trồng mật độ 6 - 6, tức 1ha khoảng 280 cây thì cây mới phát triển tốt. "Cơ bản là như vậy, nhưng phải căn cứ địa hình thực tế. Ví dụ ở địa thế thường có nhiều gió mạnh thì phần rìa vườn đón gió trồng dày hơn, mục đích là để làm bức tường chắn gió cho những cây bên trong, nhưng nếu địa hình chắn gió tốt thì nên trồng mật độ đều nhau”, anh Bình chia sẻ.

Ổn định và hiệu quả hơn cà phê

Chị Dung cho biết, bình quân mỗi ha mắc ca cho năng suất khoảng 1 - 1,5 tấn, sau khi thu hoạch, trái mắc ca còn nguyên vỏ tươi được đưa thẳng đến xưởng tách vỏ của HTX, sau khi đập vỏ xong, mắc ca được cân, bán cho HTX với giá từ 100 – 110 ngàn đồng/kg.

“Năm 2022, một khoảnh vườn mắc ca 100 cây, tôi thu được 2,4 tấn trái. Đây là năng suất thuộc loại khủng ở đây. Để đạt năng suất này, tôi dùng giống mới cho năng suất cao hơn. Bình thường cây mắc ca khoảng năm thứ 5 mới bắt đầu thu hoạch, tuy nhiên cây mắc ca của tôi năm thứ 3 đã bắt đầu bói trái, đến năm thứ 4 là có thể đạt khoảng 7kg trái/cây/vụ, năm thứ 5 đạt 10kg. Ở Krông Năng, mỗi cây mắc ca có thể đạt năng suất tới 70kg trái/năm”, chị Dung cho biết.

Chị Nhên bên vườn mắc ca 4 năm tuổi đang bói vụ trái đầu tiên của gia đình. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Chị Nhên bên vườn mắc ca 4 năm tuổi đang bói vụ trái đầu tiên của gia đình. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Hiện nay, sản phẩm mắc ca của HTX Long Việt ngoài bán nội địa còn xuất đi Thái Lan, Nhật Bản. “So với sản phẩm mắc ca của các vùng khác thì mắc ca Tuy Đức được đánh giá cao hơn về chất lượng. Tiềm năng cây mắc ca rất lớn, vừa rồi, có đối tác Úc muốn chúng tôi cung ứng 1.200 tấn/năm, nhưng vùng nguyên liệu của HTX không đáp ứng được, đành từ chối”, chị Dung nói.

Anh Điểu Duy, 35 tuổi, người M’nông, thành viên HTX Long Việt cho biết, gia đình anh có gần 2ha mắc ca, năm 2022, anh thu hoạch vụ đầu tiên, sau khi bán, trừ chi phí còn lãi 200 triệu đồng.

“Đây là mắc ca mới thu hoạch vụ đầu, chứ 3 năm nữa, nếu chăm tốt, năng suất cao hơn nhiều. So với cà phê, điều thì thu nhập từ cây mắc ca tốt hơn nhiều. Nếu trồng cà phê, 2ha được khoảng 5 tấn, với giá 40 ngàn đồng/kg thì được 200 triệu đồng, nhưng chi phí mất một nửa, chỉ lãi được 100 triệu đồng. Mà chăm cà phê cực lắm. Năm nay, tôi học theo mọi người, trồng xen cây dược liệu dưới tán mắc ca, chắc thu thêm được ít tiền nữa”, anh Điểu Duy nói.

Dược liệu trồng xen trong vườn mắc ca của HTX Nông nghiệp Dịch vụ Long Việt. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Dược liệu trồng xen trong vườn mắc ca của HTX Nông nghiệp Dịch vụ Long Việt. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Tại HTX Long Việt, chị Dung giới thiệu một gương nữ sản xuất giỏi nhất nhì ở đây, đó là chị Thị Nhên, 42 tuổi. Nhờ cần cù làm việc và tích luỹ, đến nay vợ chồng chị đã có hơn chục ha đất trồng cà phê, rau. Từ khi tham gia HTX Long Việt, chị chuyển 10ha sang trồng mắc ca, hiện cây được 4 tuổi và đang bói trái, chuẩn bị thu vụ đầu.

Vườn mắc ca của chị Nhên trồng khá thưa, tỷ lệ 7 - 7, tức 49m2/cây. Những vị trí trống, khu vực ngã tư các hàng giao nhau, chị trồng xen sầu riêng thay vì trồng cây dược liệu như các mô hình khác.

“Từ đâu chị biết quy trình chăm sóc cây mắc ca?”, tôi hỏi. Chị Nhên đáp: “Em hay đi tập huấn lắm. Đến người ta hướng dẫn mình hết, mình học rồi về cứ thế làm theo thôi. Năm nay bói trái rồi, sai lắm anh”, chị Nhên nói.

Nói về hướng phát triển bền vững, chị Dung cho biết, HTX hiện đang canh tác theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hoá học. “Nguồn dinh dưỡng cho cây chủ yếu từ phân bò, phụ phẩm nông nghiệp là vỏ mắc ca tươi, vỏ cà phê xay trộn rau củ quả ủ men vi sinh. HTX có kỹ sư đến tận vườn bà con, hướng dẫn họ quy trình chăm sóc, cách ủ phân, cách bón… Còn thuốc trừ sâu bệnh hại cho cây mắc ca cũng là chế phẩm sinh học, không độc hại. Mục tiêu là từ 3 - 5 năm nữa, đất canh tác có thể đạt chuẩn hữu cơ”, chị Dung cho biết.

HTX Long Việt lấy tên sản phẩm mắc ca sấy là 'Mắc ca Lê Anh Tuy Đức' để tri ân ông Chủ tịch Hội Nông dân huyện đã giúp người dân có thêm một cây trồng triển vọng. Ảnh: Hồng Thủy.

HTX Long Việt lấy tên sản phẩm mắc ca sấy là "Mắc ca Lê Anh Tuy Đức" để tri ân ông Chủ tịch Hội Nông dân huyện đã giúp người dân có thêm một cây trồng triển vọng. Ảnh: Hồng Thủy.

Người có công lớn giúp cây mắc ca đứng chân và phát triển ở huyện Tuy Đức là ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện. Từ hơn chục năm trước, ông Anh đã kiên trì tìm tòi, nghiên cứu, trồng thử nghiệm cây mắc ca trên nhiều loại đất, nhiều vùng ở nhiều xã của huyện Tuy Đức và dần khẳng định tính khả thi, mặc dù vấp phải không ít sự hoài nghi. Đến nay, diện tích mắc ca tại Tuy Đức đã lên đến hơn 2 ngàn ha. Và, HTX Long Việt đã tri ân ông Anh bằng việc đặt tên “Mắc ca Lê Anh Tuy Đức” trên bao bì các sản phẩm của mình.

Xem thêm
Tiên phong làm chủ công nghệ, nâng tầm đàn bò Việt

Công ty Giống gia súc Hà Nội làm chủ công nghệ sản xuất tinh bò 3B thuần dạng cọng rạ và tạo ra đàn bò, bê 3B thuần chủng bằng công nghệ cấy truyền phôi.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.