| Hotline: 0983.970.780

Cây mắc ca mang nhiều hứa hẹn ở Quỳnh Nhai

Thứ Tư 15/02/2023 , 09:25 (GMT+7)

SƠN LA Sau 5 năm trồng thí điểm, cây mắc ca ở huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã ra quả bói và đang hứa hẹn sẽ trở thành cây trồng đa mục đích chủ lực của huyện.

Những quả bói đầu tiên

Sau gần 5 năm thí điểm trồng cây mắc ca tại địa bàn huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) dưới dạng mô hình nông, lâm nghiệp, cây mắc ca đã và đang dần khẳng định là cây đa mục tiêu, mang lại lợi ích cao về kinh tế, xã hội và môi trường, có tiềm năng trở thành cây trồng mới góp phần nâng cao giá trị sản xuất và xuất khẩu trên thị trường trong và ngoài nước. Với tốc độ sinh trưởng và cho quả tốt như hiện nay, loài cây này đang hứa hẹn sẽ trở thành loại cây trồng đa mục đích chủ lực của huyện và của tỉnh trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở địa phương.

Thường trực Tỉnh ủy Sơn La kiểm tra mô hình trồng cây mắc Ca tại huyện Quỳnh Nhai. Ảnh: Văn Thiệu.

Thường trực Tỉnh ủy Sơn La kiểm tra mô hình trồng cây mắc Ca tại huyện Quỳnh Nhai. Ảnh: Văn Thiệu.

Bài liên quan

Huyện Quỳnh Nhai có địa hình đa dạng, tạo nên nhiều tiểu vùng khí hậu đa dạng và phong phú, tạo điều kiện rất thuận lợi cho phát triển các loại cây ăn quả, cây lấy hạt từ ôn đới đến cây ăn quả nhiệt đới, trong đó có cây mắc ca.

Thực hiện chủ trương của tỉnh Sơn La về phát triển cay mắc ca đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã cấp phép cho Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La đầu tư trồng, phát triển cây mắc ca với quy mô diện tích trên 161,2ha tại huyện Quỳnh Nhai. Dự án được đưa vào trồng tại địa bàn xã Mường Chiên từ năm 2018 và đến nay đã thực hiện trồng được 62,8ha, với hơn 17.000 cây, gồm 7 dòng giống: QN1, A38, 800, 246, 849, 816, 842, mật độ trồng 280 cây/ha.

Cây mắc ca được trồng theo hướng hữu cơ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc trồng và chăm sóc. Trong năm 2021, khoảng 5% số cây trồng đã ra hoa, một số cây đã đậu quả lứa đầu tiên. Ngoài ra, vườn cây trồng mới 2020 đã phân cành cấp II và đang phát triển cành cấp III. Diện tích trồng sẽ tiếp tục được mở rộng trong những năm tiếp theo.

Công ty Liên Việt Sơn La hướng dẫn người dân địa phương cắt tỉa cảnh cây Mắc Ca

Nhân viên của Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La hướng dẫn người dân địa phương kỹ thuật cắt tỉa cành, tạo tán cây mắc ca. Ảnh: Văn Thiệu.

Theo ông Dương Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La, mắc ca là cây có khả năng chịu được sương muối, chịu hạn, ít sâu bệnh và có khả năng trồng xen, trồng che bóng với nhiều loài cây như chè, cà phê, cây nông nghiệp ngắn ngày... Do đó, có thể phát triển cây mắc ca theo nhiều hình thức, trồng thuần loài hoặc trồng xen. Hiện mô hình cây mắc ca của Công ty đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương.

Anh Lò Văn Giang ở bản Bon, xã Mường Chiên (huyện Quỳnh Nhai) chia sẻ: Trước đây, anh ở nhà làm nương trồng sắn, công việc khó khăn vất vả. Từ khi Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La đưa cây mắc ca lên trồng thí điểm tại xã Mường Chiên, anh cùng một số người trong bản được tuyển làm công nhân cho Công ty và được tạo điều kiện công việc ổn định với mức thu nhập khá.

Gia đình ông Tòng Văn Câu ở bản Phiêng Bay (xã Chiềng Khay) là một trong những hộ dân đầu tiên mạnh dạn làm theo Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La về đầu tư trồng cây mắc ca. Sau khi được Công ty hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây giống, gia đình ông đã thực hiện trồng thí điểm 4ha cây mắc ca. Nhờ tích cực học hỏi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đến nay, diện tích cây mắc ca của gia đình ông đang sinh trưởng và phát triển tốt. Ông cho biết khi có sản phẩm, Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La sẽ hỗ trợ bao tiêu, thu mua toàn bộ sản phẩm.

Hướng mục tiêu 1.000ha mắc ca toàn huyện

Theo chia sẻ của đại diện Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La, nhiều năm nay, Công ty đều bao tiêu sản phẩm quả mắc ca cho bà con nhân dân trong tỉnh. Sản phẩm của Công ty có hạt mắc ca nguyên vỏ tách nứt, nhân mắc ca, rượu mắc ca và dầu ăn mắc ca.

Sau 5 năm trồng thử nghiệm, một số diện tích mắc ca đã bắt đầu cho quả bói.

Sau 5 năm trồng thử nghiệm, một số diện tích mắc ca đã bắt đầu cho quả bói.

Sản phẩm đã được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và được bày bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch, hệ thống chuỗi siêu thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội và các đại lý phân phối trên địa bàn Thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn và Mộc Châu.

Ông Dương Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La cho biết: Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện nay cũng đã có những vườn mắc ca trồng từ năm 2015, hiện cho năng suất thu hoạch đạt tương đối ổn định. Tỉnh cũng đã thành các đoàn công tác kiểm tra, xác định những vườn trước đây đã trồng thử nghiệm để đánh giá về năng suất, tính ổn định về năng suất, sản lượng cũng như hiệu quả kinh tế so với các loại cây ăn quả hiện nay mà Sơn La đang có nhằm có định hướng phát triển phù hợp cho cây mắc ca trong những năm tới.

Huyện Quỳnh Nhai hiện có gần 150ha cây mắc ca, tập trung trồng ở xã Chiềng Khay, Chiềng Ơn, Chiềng Khoang, Mường Sại. Cây mắc ca đang sinh trưởng và phát triển tốt. Toàn huyện có 1ha mắc ca đã cho thu hoạch bói.

Cây Mắc ca Quỳnh Nhai, vươn mình đón Xuân mới

Cây mắc ca phát triển khá tốt trên các diện tích đất đồi núi nghèo kiệt ở huyện Quỳnh Nhai. Ảnh: Văn Thiệu.

Thực hiện theo chỉ tiêu, nghị quyết của tỉnh cũng như của huyện, UBND huyện Quỳnh Nhai đã và đang tích cực chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã thực hiện rà soát lại diện tích đất lâm nghiệp sử dụng kém hiệu quả để thực hiện phát triển cây mắc ca giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Qua rà soát ban đầu tại một số địa bàn các xã, huyện Quỳnh Nhai đã đưa vào kế hoạch phát triển cây mắc ca giai đoạn 2021 – 2030 với quy mô liền vùng, liền khoảnh từ 200 đến 1.000ha.

Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho biết: Từ năm 2016, Quỳnh Nhai cũng đã được rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị về khảo sát để đầu tư trồng mắc ca, trong đó có Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La. Qua thực hiện dự án trồng mắc ca, hiện nay cây mắc ca phát triển tốt. Trong năm 2022, cây mắc ca đã ra quả bói. Dự kiến trong giao đoạn 2020 - 2025, nghị quyết đại hộ Đảng bộ huyện đã đề ra trồng trên 1.000ha cây mắc ca. Số diện tích này đã được UBND tỉnh đưa vào lộ trình kế hoạch cho huyện Quỳnh Nhai trồng và phát triển cây mắc ca giai đoạn 2021 - 2026.

Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây Mắc Ca

Cơ giới hóa khâu chăm sóc mắc ca tại huyện Quỳnh Nhai. Ảnh: Văn Thiệu.

Theo lộ trình, việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung, sẽ hình thành các vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung, tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, gắn với nhu cầu của thị trường theo hướng thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp và hiệp hội có lợi thế để đầu tư trồng và chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ cây mắc ca.

Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, diện tích mắc ca của tỉnh đạt trên 5.000ha, đến năm 2030 đạt khoảng 10.000ha. Đến năm 2025, tỉnh Sơn La có 01 nhà máy chế biến hạt mắc ca với quy mô, công suất đáp ứng nhu cầu chế biến mắc ca của tỉnh.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.