| Hotline: 0983.970.780

Kỳ vọng mắc ca

Thứ Tư 09/02/2022 , 09:04 (GMT+7)

SƠN LA Chú trọng chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào canh tác; thu hút đầu tư liên kết sản xuất, chế biến, Sơn La đang hướng tới mục tiêu 5.000ha mắc ca tới năm 2025.

Bước đầu cho tín hiệu khả quan

Sau gần 4 năm thí điểm trồng cây mắc ca tại địa bàn huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) dưới dạng mô hình nông, lâm nghiệp, cây mắc ca đã và đang dần khẳng định là cây đa mục tiêu, mang lại lợi ích cao về kinh tế, xã hội và môi trường, có tiềm năng trở thành cây trồng mới góp phần nâng cao giá trị sản xuất và xuất khẩu trên thị trường trong và ngoài nước. 

Hiện nay, một số vườn mắc ca trồng thử nghiệm bước đầu đã có quả bói, cho thấy nhiều triển vọng phát triển ở huyện Quỳnh Nhai. Ảnh: Nguyễn Thiệu.

Hiện nay, một số vườn mắc ca trồng thử nghiệm bước đầu đã có quả bói, cho thấy nhiều triển vọng phát triển ở huyện Quỳnh Nhai. Ảnh: Nguyễn Thiệu.

Với tốc độ sinh trưởng và cho quả tốt như hiện nay, loài cây này đang hứa hẹn sẽ trở thành loại cây trồng đa mục đích chủ lực của huyện Quỳnh Nhai cũng như tỉnh Sơn La trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở địa phương.

Huyện Quỳnh Nhai có địa hình đa dạng, tạo nên nhiều tiểu vùng khí hậu, là điều kiện rất thuận lợi cho phát triển các loại cây ăn quả, cây lấy hạt từ ôn đới đến cây ăn quả nhiệt đới, trong đó có cây mắc ca. Thực hiện chủ trương của tỉnh Sơn La về phát triển cay mắc ca đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã cấp phép cho Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La đầu tư trồng, phát triển cây mắc ca với quy mô diện tích trên 161,2ha tại huyện Quỳnh Nhai.

Dự án được đưa vào trồng tại địa bàn xã Mường Chiên từ năm 2018, đến nay đã thực hiện trồng được 62,8ha, với hơn 17.000 cây, gồm 7 giống: QN1, A38, 800, 246, 849, 816, 842, mật độ trồng 280 cây/ha.

Cây mắc ca được trồng theo hướng hữu cơ, được áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc trồng và chăm sóc. Trong năm 2021, khoảng 5% số cây trồng đã ra hoa, một số cây đã cho quả lứa đầu tiên. Ngoài ra, vườn cây trồng mới 2020 đã phân cành cấp II và đang phát triển cành cấp III.

Mắc ca là cây đa mục tiêu, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp tại tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Thiệu.

Mắc ca là cây đa mục tiêu, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp tại tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Thiệu.

Diện tích trồng sẽ tiếp tục được mở rộng trong những năm tiếp theo. Theo Dương Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La, mắc ca là cây có khả năng chịu được sương muối, chịu hạn, ít sâu bệnh và có khả năng trồng xen, trồng che bóng với nhiều loài cây khác như chè, cà phê, cây nông nghiệp ngắn ngày. Do đó, có thể phát triển cây mắc ca theo nhiều hình thức, trồng thuần loài hoặc trồng xen. Hiện mô hình cây mắc ca của Công ty đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho một số lao động địa phương.

Anh Lò Văn Giang, bản Bon xã Mường Chiên (huyện Quỳnh Nhai) chia sẻ: Từ khi Công ty Liên Việt Sơn La đưa cây mắc ca lên trồng thí điểm tại xã Mường Chiên, anh cùng một số người trong bản được tuyển làm công nhân cho Công ty, công việc ổn định mức thu nhập khá.

Gia đình ông Tòng Văn Câu, bản Phiêng Bay, xã Chiềng Khay là một trong những hộ dân đầu tiên mạnh dạn hợp tác liên kết với Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La đầu tư trồng cây mắc ca. Trước đây, 4 ha đất đồi của ông trồng ngô, trồng sắn. Được Công ty hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây giống, gia đình ông đã thực hiện trồng thí điểm 4ha cây mắc ca.

Hiện nay, nhiều bà con ở huyện Quỳnh Nhai đã mạnh dạn chuyển đất trồng cây lương thực giá trị thấp như ngô, sắn sang trồng mắc ca. Ảnh: Nguyễn Thiệu. 

Hiện nay, nhiều bà con ở huyện Quỳnh Nhai đã mạnh dạn chuyển đất trồng cây lương thực giá trị thấp như ngô, sắn sang trồng mắc ca. Ảnh: Nguyễn Thiệu. 

Nhờ tích cực học hỏi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đến nay, điện tích cây mắc ca của gia đình ông đang sinh trưởng và phát triển tốt. Ông cho biết khi có sản phẩm, Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La sẽ hỗ trợ bao tiêu, thu mua toàn bộ sản phẩm. 

Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La cho biết: Nhiều năm nay, Công ty đều bao tiêu sản phẩm quả mắc ca cho bà con trong tỉnh Sơn La. Sản phẩm của Công ty có hạt mắc ca nguyên vỏ tách nứt, nhân mắc ca, rượu mắc ca và dầu ăn mắc ca.

Sản phẩm đã được UBND tỉnh Sơn La chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và được bày bán tại các cửa hàng thực phẩm an toàn, hệ thống chuỗi siêu thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội và các đại lý phân phối trên địa bàn thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn và huyện Mộc Châu.

Ông Dương Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La cho biết: Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện nay cũng đã có những vườn mắc ca trồng từ năm 2015, hiện năng suất thu hoạch đạt tương đối ổn định.

Tỉnh Sơn La cũng đã thành lập các đoàn công tác để xác định những vườn mắc ca trước đây đã trồng thử nghiệm, qua đó cho thấy hiện nay những vườn này đang cho thu hoạch tương đối ổn định, bà con thu nhập tương đối cao so với trồng các loại cây ăn quả hiện nay mà Sơn La đang có.

Sơn La nhắm đích 10.000ha mắc ca

Huyện Quỳnh Nhai hiện có 118ha cây mắc ca, tập trung trồng ở xã Chiềng Khay, Chiềng Ơn, Chiềng Khoang,  Mường Sại. Cây mắc ca đang sinh trưởng và phát triển tốt. Toàn huyện có 1 ha mắc ca trồng thử nghiệm đã cho thu hoạch, năng suất ước đạt 1,6 tạ/ha.

Một số vườn mắc ca được nông dân áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thiệu.

Một số vườn mắc ca được nông dân áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thiệu.

Thực hiện theo chỉ tiêu, nghị quyết của tỉnh cũng như của huyện, UBND huyện Quỳnh Nhai đã và đang tích cực chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, phối hợp với UBND các xã thực hiện rà soát lại diện tích đất lâm nghiệp sử dụng kém hiệu quả để thực hiện phát triển cây mắc ca giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Qua rà soát ban đầu tại một số địa bàn các xã, huyện đã đưa vào kế hoạch phát triển cây mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, với quy mô liền vùng, liền khoảnh từ 200 đến 1.000ha.

Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho biết: Từ năm 2016, đã có rất nhiều nhà đầu tư về khảo sát, liên kết với người dân để trồng mắc ca, trong đó có Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La. Qua thực hiện dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện, cho thấy đến nay cây mắc ca phát triển rất tốt.

"Dự kiến trong năm 2022, nhiều diện tích mắc ca sẽ tiếp tục cho ra quả bói. Trên cơ sở hiệu quả của dự án, chúng tôi sẽ chỉ đạo UBND các xã cho các hộ gia đình đến tham quan mô hình do các nhà đầu tư đang thực hiện trên địa bàn huyện, từ đó sẽ nhân rộng.

Dự kiến trong giai đoạn 2020 - 2025, theo nghị quyết đại hộ Đảng bộ huyện đã đề ra, sẽ trồng trên 1.000ha cây mắc ca. Số diện tích này đã được UBND tỉnh đưa vào lộ trình kế hoạch cho huyện Quỳnh Nhai trồng và phát triển cây mắc ca giai đoạn 2021 - 2026.

Sơn La đang hướng tới diện tích 5.000 ha mắc ca tới năm 2025. Ảnh: Nguyễn Thiệu.

Sơn La đang hướng tới diện tích 5.000 ha mắc ca tới năm 2025. Ảnh: Nguyễn Thiệu.

Theo lộ trình, việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai cũng như tỉnh Sơn La sẽ hình thành các vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung, tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, gắn với nhu cầu của thị trường theo hướng thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp và hiệp hội có lợi thế đầu tư trồng và chế biến, tiêu thụ, phát triển các sản phẩm từ cây mắc ca.

Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, diện tích mắc ca của tỉnh đạt trên 5.000ha, đến năm 2030 đạt khoảng 10.000ha. Đến năm 2025, tỉnh Sơn La có 1 nhà máy chế biến hạt mắc ca với quy mô, công suất đáp ứng nhu cầu chế biến mắc ca của tỉnh.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.