Nâng quy mô vùng nguyên liệu
Theo Phòng NN-PTNT huyện Đam Rông (Lâm Đồng), mắc ca được người dân trồng tại địa phương từ nhiều năm trước. Theo thống kê của cơ quan này, tổng diện tích mắc ca của toàn huyện hiện khoảng 1.200ha và đang tiếp tục được mở rộng. Trong số 1.200ha này, có khoảng 1.000ha tập trung ở địa bàn 2 xã là Phi Liêng và xã Đạ K’Nàng. Ở 2 xã này, diện tích bước vào giai đoạn kinh doanh là trên 50ha với sản lượng khoảng 50 tấn/năm.
Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đam Rông cho biết, tại địa phương, mắc ca được người dân sản xuất theo hình thức trồng xen trong vườn cà phê và trồng thuần. Người dân cũng tập trung sử dụng các loại giống ghép có chất lượng tốt, năng suất cao như QN1, 246, 695, OC, 788, 800, 816, 849, A38...
Ông Chính đánh giá, các mô hình trồng mắc ca ở địa phương đã góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, đa dạng hóa sản phẩm, giảm rủi ro về trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, việc phát triển các mô hình mắc ca đã và đang mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho địa phương.
Trước lợi thế trong phát triển “cây tỷ đô” và những giá trị mà cây trồng này mang lại, UBND huyện Đam Rông mới đây đã ban hành Kế hoạch phát triển mắc ca bền vững trong giai đoạn 2022 - 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, huyện Đam Rông đặt ra mục tiêu phát triển mắc ca thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương. Đặc biệt góp phần phục hồi, tăng độ che phủ rừng.
“Huyện cũng đặt mục tiêu phát triển và mở rộng diện tích mắc ca gắn với phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP”, ông Trần Đức Tâm, Phó chủ tịch UBND huyện Đam Rông chia sẻ và cho biết thêm, mục tiêu của huyện là đến năm 2030, tổng diện tích mắc ca của địa phương đạt khoảng 2.849ha với tổng sản lượng khoảng 2,3 nghìn tấn, tỷ lệ mắc ca qua sơ chế, chế biến đạt trên 90%. Định hướng đến năm 2050 đạt trên 3,5 nghìn ha, sản lượng 4,7 nghìn tấn.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Đam Rông, địa phương đưa ra kế hoạch phát triển và mở rộng diện tích mắc ca trên đất nông nghiệp ở các xã Phi Liêng và xã Đạ K’Nàng với tổng diện tích trên 2 nghìn ha vào 2030. Trong đó trồng thuần trên 153ha, trồng xen 1,8 nghìn ha.
Ở 2 xã này, ngành nông nghiệp huyện Đam Rông cũng đưa ra kế hoạch phát triển mắc ca lên 2,3 nghìn ha vào năm 2050. Cùng với việc mở rộng diện tích, ngành nông nghiệp cũng đưa các giống ghép OC, 816, 900, QN1, A38 vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
“Huyện cũng đưa ra kế hoạch phát triển mắc ca trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp ổn định và đất giao cho các doanh nghiệp. Đến năm 2030, dự kiến diện tích đạt trên 800ha và định hướng đến năm 2050 là trên 1,2 nghìn ha”, ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đam Rông cho hay.
Vốn đầu tư phát triển “cây tỷ đô” đang được huyện Đam Rông thực hiện theo hướng xã hội hóa và chủ yếu là vốn của doanh nghiệp, người dân cùng các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Địa phương cũng đẩy mạnh việc thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, triển khai thực hiện dự án phát triển, chế biến mắc ca trên địa bàn huyện gắn với việc đề xuất, tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Đưa khuyến nông cộng đồng vào phát triển mắc ca
Để đạt được mục tiêu đề ra, hiện ngành nông nghiệp huyện Đam Rông đang bắt tay thực hiện công tác quản lý về giống mắc ca. Trong đó, tổ chức kiểm tra chặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống mắc ca trên địa bàn nhằm đảm bảo chất lượng về nguồn giống. Huyện này cũng tổ chức tập huấn để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các chủ trang trại và nông hộ về kỹ thuật sản xuất mắc ca.
Huyện Đam Rông Tiếp cũng tổ chức đổi mới hình thức cũng như đổi mới hoạt động để nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, bảo đảm phù hợp với từng loại hình sản xuất.
Đồng thời, thành lập các tổ, nhóm khuyến nông cộng đồng để chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến mắc ca. Huyện cũng tổ chức lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất mắc ca hữu cơ và mô hình quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc để nông hộ học tập, áp dụng.
Song song đó, huyện Đam Rông sẽ xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất mắc ca từ khâu cung cấp giống, vật tư, canh tác đến thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến với quy trình, công nghệ hiện đại để nâng cao giá trị cho sản phẩm mắc ca. Tập trung xây dựng sản phẩm OCOP gắn với chỉ dẫn địa lý của địa phương về sản phẩm mắc ca và đưa các sản phẩm này tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại để tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Ông Trần Văn Tuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho biết, cây mắc ca được trồng tại địa phương từ năm 2006 và đến nay diện tích cây này của tỉnh là trên 5 nghìn ha. Trong đó diện tích mắc ca kinh doanh của địa phương hiện có trên 1,6 nghìn ha, sản lượng quả khô trên 2,2 nghìn tấn.
Đến nay, sản xuất mắc ca của Lâm Đồng đang từng bước khẳng định tiềm năng thế mạnh, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và tăng độ che phủ đất, bảo vệ môi trường. Cây mắc ca đang dần có vị thế trong sản xuất nông nghiệp ở các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm, Đam Rông.