| Hotline: 0983.970.780

Người miền Tây nghĩ lớn

Triết lý đầu tư siêu lợi nhuận của lão nông 200 tỷ

Thứ Ba 09/08/2022 , 12:27 (GMT+7)

Vay 400 triệu đồng từ Agribank để khởi nghiệp nuôi cá tra, sau 18 năm, ông có trong tay khối tài sản hơn 200 tỷ đồng.

Mỗi năm, doanh thu từ bán cá tra của hộ ông Nguyễn Văn Đời đạt hơn 100 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phúc.

Mỗi năm, doanh thu từ bán cá tra của hộ ông Nguyễn Văn Đời đạt hơn 100 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phúc.

Đại gia trăm tỷ trong bộ đồ cũ rích

Chiếc thuyền mộc đưa chúng tôi xuôi dòng sông Tiền cập cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) gặp “đại gia cá tra” Nguyễn Văn Đời. Ông lão có làn da bánh mật, diện bộ quần shot và áo cộc cũ mèm thấp thểnh ra đón khách.

Ít khi có người ghé chơi, ông Đời vui lắm. Đôi bàn tay chắc nịch, xù xì những vết chai sần nắm lấy chúng tôi kéo từ mạn thuyền lên bờ. Chao ôi, đôi tay và diện mạo của đại gia trăm tỷ sở hữu 25ha đất ở Tiền Giang, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu và mấy tiệm vàng bạc ở trung tâm Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) hoa lệ đây sao?

Ông Đời bảo: “Vợ chồng già chúng tôi cai quản toàn bộ khu đất rộng 5ha này. Còn những khu đất khác phải mướn người làm thuê. Với 15 ao nuôi, mỗi ao rộng 1ha, mỗi năm gia đình xuất bán khoảng 5.000 tấn cá tra, doanh thu hơn 100 tỷ đồng”.

Chèo thuyền thăm cá là thú vui của lão nông Nguyễn Văn Đời. Ảnh: Minh Phúc.

Chèo thuyền thăm cá là thú vui của lão nông Nguyễn Văn Đời. Ảnh: Minh Phúc.

Cá dưới ao là của chìm, còn của nổi là cây cối, nhà nuôi chim yến cũng chẳng kém cạnh. Ông Đời nhẩm tính có trong tay hơn 1.000 gốc cây tùng bách tán. Bén rễ trên nền đất phù sa màu mỡ, chúng lớn rất nhanh. Những gốc tùng tuổi đời trên 10 năm, chu vi gốc có thể lên tới 100cm.

Tùng bách tán trong phong thủy đại diện cho ý nghĩa sự kiên cường bất khuất của đấng quân tử, không bao giờ khuất phục trước sóng gió. Thế nên, ngày càng nhiều đại gia săn lùng những cây lâu năm, dáng đẹp để trồng trong nhà. Có người đến gạ ông Đời bán cả vườn tùng bách tán với giá bình quân 30 triệu đồng/cây (tương đương khoảng 30 tỷ đồng), nhưng ông từ chối.

Ngoài cây tùng, lão nông này còn có 1.000 gốc nguyệt quế trồng từ hơn 10 năm trước. Đặc điểm của loại cây cảnh này là lớn rất chậm, nhưng nếu đạt chu vi gốc 1m, dáng đẹp thì có giá hàng trăm triệu đồng/cây. Còn hiện tại, nếu bán ngay thì bình quân mỗi cây chỉ được khoảng 5 triệu đồng (tương đương khoảng 5 tỷ đồng).

Ông Đời thủ thỉ: “Tôi trồng cây cảnh trước hết là để thỏa nguyện sở thích của bản thân. Nhưng, mê nghệ thuật bon sai là một chuyện, quan trọng là đầu tư vào cái gì cũng phải tạo ra giá trị lớn và lợi nhuận cao trên diện tích sản xuất. Chỉ 15 - 20 năm nữa thôi, khi những cây tùng, cây nguyệt quế được gắn mác đại thụ, giá trị của chúng sẽ nhân lên gấp nhiều lần so với bây giờ”.

Ông Đời đang sở hữu 25ha đất ở Tiền Giang, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Đời đang sở hữu 25ha đất ở Tiền Giang, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Minh Phúc.

Xen lẫn cuộc trò chuyện của chúng tôi bên bờ ao là tiếng chim ríu rít gọi bầy. Ngước mắt nhìn lên, đàn yến nhiều vô kể chao lượn, đen kịt giữa không trung quanh ngôi nhà cao tầng đục chi chít lỗ trên tường cách đó chừng 200m.

“Đó là 1 trong 2 nhà yến tôi xây đấy. Nhà thứ nhất đến tháng 11/2022 là tròn 3 năm mở hệ thống âm thanh dẫn dụ chim, bình quân mỗi tháng thu hoạch được 2kg tổ yến, trị giá 50 triệu đồng. Nhà nuôi yến thứ 2 mới khai thác được 10 tháng, đến nay cũng được trăm tổ rồi nhưng tôi chưa thu hoạch”, ông Đời chia sẻ.

Mở tiệm vàng ở Sài Gòn, mua hàng chục ha đất từ nghề nông

Quê gốc của ông Đời ở huyện Cái Bè (Tiền Giang). Năm 1960, vì gia cảnh nghèo khó, bố mẹ ông dắt díu tám người con (bốn nam và bốn nữ) dạt về cù lao Tân Phong kiếm kế sinh nhai. Không một mảnh đất cắm rùi, gia đình phải thuê 2ha của địa chủ Quảng Thoi trồng cây ăn quả và đánh cá trên sông Tiền. May mắn là khi thực hiện chính sách “người cày có ruộng”, những diện tích gia đình thuê của địa chủ đã được địa phương giao quyền sử dụng.

Năm 1989, ông Đời được thừa kế 1ha đất canh tác. Từ vườn chôm chôm và nhãn, vợ chồng ông nuôi được 6 đứa con và chi tiêu tằn tiện để mua thêm 4ha đất (hồi ấy giá đất ở cù lao Tân Phong còn rất rẻ).

Năm 2004, ông phá một phần vườn cây sát đê bao sông Tiền rồi đắp bờ làm ao nuôi cá. Không có tiền, ông mang sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay 400 triệu đồng mua giống cá tra ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp về thả.

Khu nuôi thủy sản của gia đình ông Nguyễn Văn Đời. Ảnh: Minh Phúc.

Khu nuôi thủy sản của gia đình ông Nguyễn Văn Đời. Ảnh: Minh Phúc.

Ông kể: “Lúc ấy, kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy sản của tôi là con số 0. Vụ đầu tiên, phần lớn đàn cá nhiễm bệnh và chết dần chết mòn. Có ngày, số cá nổi trên ao vớt lên được cả tạ, lỗ gần hai trăm triệu đồng. Nhưng tôi quyết không từ bỏ. Đã làm gì là phải làm đến cùng, người ta làm được không lý gì mình chịu thua”.

Năm sau, ông Đời không đắp ao nổi nữa mà đào sâu xuống dưới để tiện dẫn nước từ sông Tiền vào, đồng thời mở rộng diện tích mặt nước lên 2ha, chia thành 2 ao. Nhờ có các kỹ sư ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II và nhân viên công ty thuốc thủy sản tư vấn kỹ thuật, ông Đời dần thành thục kỹ nghệ nuôi cá tra.

Để quản trị rủi ro, ban đầu ông thả 1,5 triệu con giống ương nuôi trong 6 tháng. Sau đó bán bớt 1 triệu con, thu được 1,5 tỷ đồng. Như vậy là trúng lớn. 500.000 con cá tra còn lại, ông tiếp tục nuôi thương phẩm. “Năm ấy, giá thành sản xuất 1kg cá tra chỉ hơn 7.000 đồng nhưng giá bán hơn 14.000 đồng, lãi gấp đôi. 500 tấn cá kéo lưới lên bán lãi 3,5 tỷ đồng. Chỉ sau một năm, tôi không những gỡ lại được vốn mà còn dư rất nhiều tiền để tiếp tục mua đất, mở rộng diện tích ao nuôi”, ông chia sẻ..

Say sưa làm nông nghiệp, năm 2004, ông Đời mua 5,5ha đất hoang vu ở huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vùng Tàu) và 6,5ha nhà vườn ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) để trồng nhãn. Những năm 2008 – 2015, nhãn được coi là cây siêu lợi nhuận, trừ chi phí, mỗi năm ông Đời lãi vài tỷ đồng.

Đến nay, chi phí vật tư đầu vào tăng cao, nông dân các vùng khác trồng nhãn đại trà nên lợi nhuận khá thấp. Nhưng số ông Đời rất hên vì riêng khu đất 5,5ha lọt vào khu vực đô thị ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã có giá hơn trăm tỷ đồng. Nếu gộp cả 13ha đất ở cù lao Tân An (trị giá khoảng 3 tỷ đồng/ha) và 6,5ha đất ở huyện Chợ Lách (Bến Tre), thì tổng giá trị bất động sản và tài sản trên đất của ông Đời không dưới 200 tỷ đồng.

Ông Đời chia sẻ, trời phú cho ông mấy đứa con rất nhạy bén làm kinh tế, nên lợi nhuận từ tiệm vàng chẳng kém gì so với nuôi cá tra. Đặc biệt, 2 năm vừa qua, khi dịch bệnh Covid-19 khiến ngành thủy sản điêu đứng, nhờ có tiệm vàng trên Sài Gòn gánh lỗ mà ông Đời không cần bán bớt gia sản, chỉ vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) 20 tỷ đồng để duy trì ao nuôi.

Ông Nguyễn Văn Đời cùng những người con cắt băng khai trương tiệm vàng Đông Châu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Nguyễn Văn Đời cùng những người con cắt băng khai trương tiệm vàng Đông Châu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngoài ra, ông còn đầu tư hai tiệm vàng ở TP Hồ Chí Minh. Tiệm vàng thứ nhất mang thương hiệu Đông Châu (trên phố Lê Văn Sỹ, quận 3). Tiệm vàng thứ hai mang thương hiệu Mai Châu (trên phố Phan Văn Trị, quận Gò Vấp). Toàn bộ hoạt động kinh doanh vàng bạc ông giao cho mấy đứa con làm chủ, tiệm có xưởng chế tác nhiều sản phẩm vàng trắng, hộp xoàn từ nguyên liệu nhập khẩu từ Ý với 6 thợ kim hoàn lành nghề. Do mẫu mã, chất lượng tốt nên trang sức của tiệm vàng xuất khẩu đi rất nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Úc…

16h chiều là thời điểm cho cá ăn hàng ngày. Ông Đời dẫn chúng tôi ra ao chèo thuyền. Thấy ông, đàn cá nhao nhác ngoi lên để đón chờ bữa tiệc cuối cùng trong ngày khiến mặt nước tung bọt trắng xóa. Lão nông 68 tuổi bảo rằng, cả đời này sẽ mãi gắn bó với cù lao Tân Phong, ngày ngày nghe chim yến ríu rít, ngắm những thế bon sai độc lạ và vui đùa với đàn cá. Hạnh phúc với ông đơn giản chỉ có thế.

Mặc dù có tổng tài sản trị giá hơn 200 tỷ, nhưng ông Đời bảo: “Tôi không có ý định bán đất đai, của cải hiện có nên chẳng bao giờ nghĩ mình là người nhiều tiền. Thậm chí, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vừa qua, tôi phải vay 20 tỷ đồng từ Agribank chi nhánh huyện Cai Lậy để duy trì sản xuất. Rất may mắn là ngân hàng thực hiện giãn nợ, giảm lãi suất, cơ cấu lại khoản vay để chia sẻ khó khăn cùng gia đình. Tôi rất biết ơn Agribank”.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.