| Hotline: 0983.970.780

Triệu phú vịt đẻ

Thứ Sáu 08/01/2010 , 10:28 (GMT+7)

Ước tính với đàn vịt của mình, một ngày anh Tuấn thu hoạch được khoảng 600 trứng. Trừ chi phí anh cũng lãi 400 ngàn/ngày. Một năm 1 con vịt của anh đẻ được hơn 200 ngày.

Tôi tình cờ quen anh Dương Văn Tuấn (xã Ninh Diêm, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa) trong một lần đi công tác. Thấy anh lên ủy ban xã xin phép chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang đào ao. Tôi liền hỏi, anh đào ao nuôi cá gì thế. Anh cười, mình đào ao mà không nuôi cá, mình nuôi vịt đẻ.

Lòng vòng một hồi qua gần 4km đường đất ngoài đồng thì cũng đến được nhà anh. Tôi hơi chột dạ, phải nói là cái… lều vịt thì đúng hơn. Như hiểu ý tôi anh cười nói ngay, đây là nơi mình ăn ngủ thôi chứ còn nhà cửa vợ con ở trong làng kia. Thế mà cũng tốt chán, tuy một mình nhưng không buồn vì có gần 1 ngàn con vịt làm bạn. Nói xong anh cười rõ tươi rồi đi pha nước và dẫn tôi dạo một lượt quanh gần 1 mẫu ao được quây lưới B40 khá cẩn thận.

Sau đó anh tâm sự: Cách đây 8 năm mình đi bộ đội về hoàn cảnh khó khăn lắm, chẳng biết làm gì. Có mẫu ruộng thì làm giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn, còn vợ con nữa chứ. Đang loay hoay chợt có người bà con nói dạo này trứng gà Trung Quốc không rõ nguồn gốc tràn lan, người tiêu dùng không an tâm. Từ đó mình nảy ra ý định sao không sản xuất trứng vịt để thay trứng gà ngoại đang xuống cấp trên thị trường.

Nghĩ là làm. Sau mấy tháng lần mò tìm hiểu, anh Tuấn đã gầy được đàn vịt đẻ hơn tám trăm con. Theo anh thì để gây dựng được đàn vịt đẻ này cũng tốn khá nhiều công sức và tiền bạc bởi khâu chọn con giống tốt, đẻ khỏe, đều là vô cùng khó khăn. Ban đầu anh nuôi gần 2 ngàn con vịt con sau đó chọn ra những con vịt mái giữ lại nuôi tiếp, được khoảng 1 năm thì lứa vịt này bắt đầu đẻ. Thời gian đầu chúng cho trứng không đều có hôm chỉ được khoảng chưa đầy trăm trứng. Chất lượng kém, quả to nhỏ khác nhau. Tuy nhiên nhờ tìm hiểu cẩn thận nên anh đã biết khắc phục bằng cách tăng cường các loại thức ăn mà vịt ưa thích để chúng có thể đẻ tốt. Đó là các loại lúa đem trộn với cám cùng ốc đồng đập nhỏ. Với nguồn thức ăn như vậy sau một thời gian đàn vịt bắt đầu đẻ đều và trứng cũng to hơn, cá biệt có ngày chúng đẻ được 700 trứng.

Tuy vậy anh bảo ban đầu cũng bị lỗ một đợt do chưa có kinh nghiệm nuôi nên vịt bị dịch bệnh và chết. Mà giống này cũng lạ, không bệnh thì thôi chứ bệnh là chết hàng loạt không sao cứu chữa kịp. Qua một đêm phải đem chôn hết, nhìn mà rớt nước mắt.

Không nản chí anh lại dồn vốn liếng vào nuôi tiếp, kinh nghiệm lần này của anh là phải chia nhỏ đàn vịt thành nhiều đàn. Mỗi đàn anh đào 1 ao để chúng bơi và tắm vì vịt đẻ là loại ưa bơi lội và cũng để tăng thêm dinh dưỡng khi chúng ăn những sinh vật nhỏ ở ao. Các ao cách ly với nhau nhưng luôn luôn thay nước nhờ đường dẫn từ con sông bên kia đê. Ngoài ra hệ thống chuồng cũng khá kiên cố và thoáng mát.

Ước tính với đàn vịt của mình hiện nay một ngày anh thu hoạch được khoảng 600 trứng. Trừ chi phí anh cũng lãi 400 ngàn/ngày. Một năm 1 con vịt của anh đẻ được hơn 200 ngày.

Nhìn tôi anh tâm sự một bí quyết: Cách đây hơn 3 tháng anh bắt đầu hãm không cho chúng đẻ nữa bằng cách rút bớt khẩu phần ăn. Tháng này lại bắt đầu tăng tốc trở lại cho chúng đẻ vì gần Tết rồi nhu cầu tăng lắm. Nhiều lúc không đủ trứng cung cấp cho thị trường. Ước tính từ nay đến Tết anh Tuấn có thể thu được hơn 1 trăm triệu nhờ đàn vịt đẻ của mình.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.