AFP trích dẫn lại báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), theo đó Triều Tiên dự kiến sẽ sản xuất "mức gần trung bình" là 5,6 triệu tấn ngũ cốc trong năm nay, thiếu khoảng 1,1 triệu tấn so với lượng cần thiết để cung cấp cho toàn bộ dân số.
Với mức nhập khẩu thương mại hiện được lên kế hoạch là 205.000 tấn, Triều Tiên có thể sẽ đối mặt với tình trạng thiếu lương thực khoảng 860.000 tấn.
"Nếu mức thiếu hụt này không được bù đắp đầy đủ thông qua nhập khẩu thương mại và/hoặc viện trợ lương thực, các hộ gia đình có thể trải qua một thời kỳ 'thắt lưng buộc bụng' khắc nghiệt từ tháng 8 đến tháng 10", báo cáo của FAO cho biết.
Tình hình khủng hoảng lương thực ở Triều Tiên hiện như thế nào?
Vào tháng 6, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra những đề cập hiếm hoi về tình hình khó khăn trong những tháng gần đây, nói rằng tình hình lương thực đang trở nên "căng thẳng" và cảnh báo người dân chuẩn bị cho "tình huống tồi tệ nhất từ trước đến nay".
Triều Tiên từng hứng chịu nạn đói trên toàn quốc vào những năm 1990, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, sau khi Liên Xô sụp đổ khiến nước này không có sự hỗ trợ quan trọng.
Các báo cáo cho biết giá gạo tại Triều Tiên tăng vọt trong tháng 6 và đang trên đà tăng kể từ đầu năm 2021. Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc cho biết giá gạo tăng vọt do thiếu nguồn cung. Năm 2020, sản lượng ngũ cốc của Triều Tiên cũng giảm ước tính 5,2%.
Một số quan chức chủ chốt của chính phủ bị thay thế vì quản lý kém trong cuộc khủng hoảng.
Nguyên nhân cuộc khủng hoảng lương thực
Triều Tiên đóng cửa biên giới kể từ năm 2020 trong bối cảnh đại dịch, trong khi ngành nông nghiệp của nước này kém hiệu quả vì thiệt hại do lũ lụt. Tất cả những điều này, cộng với các lệnh trừng phạt quốc tế đang diễn ra đối với đất nước, đã dẫn đến tình trạng khan hiếm lương thực này.
Vào tháng trước Bình Nhưỡng thừa nhận vào họ đang giải quyết "cuộc khủng hoảng lương thực hiện tại".
Nhưng cuộc khủng hoảng lương thực không phải là không lường trước được, vì nó đã bắt đầu từ năm ngoái. Theo một báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), lượng calo tiêu thụ hàng ngày của người dân Triều Tiên chưa tới 445 calo so với chế độ ăn 2.100 calo mà Liên hợp quốc khuyến nghị.
Triều Tiên sẽ vượt qua khủng hoảng lương thực như thế nào?
Trong một bài báo, tờ South China Morning Post đã nói rằng ông Kim Jong-un "tiều tụy" sẽ vượt qua nạn đói ở Triều Tiên với sự giúp đỡ của Trung Quốc.
Những lời chúc của ông Kim tới Chủ tịch Tập Cận Bình nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc đang được các chuyên gia hiểu là thông điệp của ông Kim về mối quan hệ bền chặt với Bắc Kinh, và rằng Bình Nhưỡng sẽ được giúp đỡ xử lý cuộc khủng hoảng.