| Hotline: 0983.970.780

Trình diễn nhiều mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP tại Tây Bắc

Thứ Sáu 30/08/2024 , 08:15 (GMT+7)

SƠN LA Được hỗ trợ kinh phí từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Sơn La xây dựng nhiều mô hình thâm canh cây ăn quả VietGAP, tăng hiệu quả sản xuất 15-30%.

Theo ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sơn La, Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng có đặc điểm thời tiết, khí hậu và đất đai rất thích hợp trồng các cây ăn quả nhiệt đới, ôn đới và á nhiệt đới nên luôn được các cấp chính quyền và ngành chuyên môn địa phương coi là nhóm cây trồng chính trong sản xuất nông nghiệp.

Doanh nghiệp đến bao tiêu sản phẩm dứa trong Dự án tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: Hải Tiến.

Doanh nghiệp đến bao tiêu sản phẩm dứa trong Dự án tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: Hải Tiến.

Tuy nhiên do địa hình cao nguyên đồi núi, giao thông đi lại không thuận lợi, xa các trung tâm tiêu thụ và chế biến lớn nên việc sản xuất các loại trái cây ở đây còn gặp không ít khó khăn.

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có của vùng cao, từng bước đưa Tây Bắc trở thành vùng sản xuất trái cây tập trung lớn, ứng dụng đồng bộ các công nghệ tiên tiến, trên cơ sở liên kết bền vững giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai Dự án: Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Bắc”, giao Trung tâm Khuyến nông Sơn La làm đầu mối điều phối thực hiện.

Dự án được triển khai trong 3 năm (2022 - 2024), sản xuất các loại trái cây gồm xoài, dứa, chanh leo tại 3 tỉnh Hoà Bình, Sơn La và Điện Biên, đến nay đã hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra. Riêng Trung tâm Khuyến nông Sơn La đã xây dựng được 8 mô hình thâm canh cây ăn trái VietGAP với tổng diện tích 85ha. Các giống cây ăn quả đưa vào sản xuất tại mô hình của dự án đều là tiến bộ kỹ thuật mới, năng suất, chất lượng quả cao như giống xoài GL4, giống chanh leo DG1 và giống dứa Queen. Trong đó có 3 mô hình sản xuất xoài (60ha/3 năm), 1 mô hình sản xuất chanh leo (5ha) và 4 mô hình sản xuất dứa (20ha). Các mô hình trình diễn được triển khai tại các huyện Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu, Mường La, Sông Mã.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Sơn La kiểm tra mô hình trồng chanh leo của Dự án do Trung tâm Khuyến nông Sơn La triển khai trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hải Tiến.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Sơn La kiểm tra mô hình trồng chanh leo của Dự án do Trung tâm Khuyến nông Sơn La triển khai trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hải Tiến.

Kết quả, năng suất và hiệu quả sản xuất tại các mô hình của dự án đều tăng cao so với đối chứng từ 10 - 20%. Các sản phẩm đều đạt chứng nhận VietGAP, được xuất khẩu quả tươi sang Trung Quốc, Mỹ và các nước châu Âu hoặc được Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) và Công ty Cổ phần Tuấn Tài thu mua phục vụ chế biến, xuất khẩu. Dự án bước đầu đã tạo ra được các vùng nguyên liệu trái cây ổn định, được cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc.

Ông Lò Văn Ngoan ở bản Huổi Mo, xã Chiềng Khương (huyện Sông Mã, Sơn La) trồng 3ha dứa Queen trong Dự án, năng suất đạt 30 - 45 tấn quả/ha (tuỳ năm), trừ mọi chi phí đầu tư còn lãi từ 70 - 130 triệu đồng/năm, cao hơn các vùng sản xuất dứa ngoài mô hình từ 15 - 25%.

Ông Ngoan phấn khởi cho biết, nhờ cán bộ khuyến nông hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, từ 3 năm nay ông có thu nhập gần 400 triệu đồng mỗi năm từ trồng dứa và nắm vững được kỹ thuật thâm canh cây trồng này, đặc biệt là kỹ thuật cho cây dứa ra quả trái vụ và rải vụ. Ông Ngoan cho biết sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dứa cho các năm sau.

Tại mô hình trồng chanh leo của ông Lò Văn Sam ở bản Chi, xã Chiềng Lương (huyện Mai Sơn) và mô hình trồng giống xoài GL4 của HTX Dịch vụ nông nghiệp xoài Sông Mã ở bản Hưng Mai, xã Nà Nghịu (huyện Sông Mã), chúng tôi cũng ghi nhận những kết quả tương tự, hiệu quả sản xuất tăng 15 - 30% so với các hộ ngoài mô hình (tuỳ theo sản xuất xoài hay chanh leo).

Mô hình trồng dứa thuộc Dự án tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: Hải Tiến.

Mô hình trồng dứa thuộc Dự án tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sơn La cho biết sau thực hiện Dự án cho thấy nhiều hộ sản xuất có thói quen dùng các loại thuốc BVTV rẻ tiền, độ độc cao, dẫn đến việc tuyên truyền, chỉ đạo sản xuất gặp nhiều khó khăn; hầu hết các hộ tham gia mô hình đều thiếu kiến thức chăm sóc xoài, chanh leo và dứa theo VietGAP, nhất là các khâu, kỹ thuật bón phân cân đối, cắt tỉa tạo hình, xử lý ra hoa và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây ăn trái.

Bên cạnh đó, việc đầu tư thâm canh xoài xuất khẩu cần nguồn vốn rất lớn, vượt quá khả năng đầu tư của phần lớn các hộ dân, nhất là phải mua túi bao quả chất lượng tốt nên nhà nông chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất nhằm tạo vùng nguyên liệu trái cây an toàn, sản ượng lớn phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Mặt khác, do không có sự liên kết, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất giữa các nhà nông và chưa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên năng suất, chất lượng và hiệu quả canh tác cây ăn quả của các hộ có sự chênh lệch khá lớn.

Doanh nghiệp đến bao tiêu sản phẩm dứa trong Dự án tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: Hải Tiến.

Doanh nghiệp đến bao tiêu sản phẩm dứa trong Dự án tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: Hải Tiến.

Bên cạnh xây dựng thành công các mô hình tại địa phương, Trung tâm Khuyến nông Sơn La còn điều phối thực hiện hiệu quả các mô hình sản xuất dứa và chanh leo VietGAP ở các huyện Mai Châu, Yên Thuỷ (Hoà Bình), Mường Chà (Điện Biên). Tổng sản lượng quả sản xuất toàn Dự án ước đạt gần 2.880 tấn (trái cây tươi) các loại.

Kết quả đạt được từ Dự án sẽ là căn cứ giúp các tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi diện tích cây trồng hiệu quả thấp sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao và thúc đẩy hình thành nhanh các HTX, tổ hợp tác sản xuất cây ăn quả tập trung trên địa bàn. Đồng thời góp phần thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ của người dân sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hoá, nâng cao thu nhập cho nông dân gắn với liên kết giữa các thành phần kinh tế. Các mô hình của Dự án sẽ là điểm đến của các nhà nông trên địa bàn để tham quan, học hỏi, mở rộng sản xuất.

Các mô hình của Dự án được áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến như bón phân cân đối, hạn chế sử dụng các loại phân vô cơ, thuốc BVTV hoá học, dùng các chế phẩm sinh học xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ bón trở lại cho cây trồng và tưới nước tiết kiệm, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, góp phần bảo vệ môi trường đất, nước và không khí, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, nhất là những người sản xuất trực tiếp và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Xem thêm
Người chăn nuôi trắng tay, cạn kiệt vốn liếng sau bão

HẢI PHÒNG Không chỉ thiệt hại nặng nề, sau bão, nhiều trang trại chăn nuôi đang cạn kiệt vốn liếng, đối mặt nguy cơ dịch bệnh, rất khó khăn trong khôi phục sản xuất.

Nỗi niềm cán bộ thú y: [Bài cuối] Nghề 'tâm sự, trò chuyện' cùng vật nuôi

Công việc nhiều, lòng nhiệt tình có thừa, nhưng thu nhập lại... khiêm tốn. Đó là câu chuyện của những nhân viên thú y ở huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Đê vỡ, đập tràn, vựa dâu tằm tan hoang

YÊN BÁI Trận đại hồng thủy hung tàn đã biến vựa dâu tằm ở xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) thành những cánh đồng chết, cây cối tan hoang, chưa biết khắc phục bắt đầu từ đâu.

20 giống cà phê của WASI được chuyển giao ra sản xuất

ĐẮK LẮK Hiện WASI đã có 20 giống cà phê được giới thiệu và đưa vào sản xuất, bao gồm 14 giống cà phê vối và 6 giống cà phê chè.