| Hotline: 0983.970.780

Bùng nổ xuất khẩu rau quả: [Bài 6] Loạt cây trồng 'triệu đô' của Sơn La

Thứ Ba 06/08/2024 , 06:47 (GMT+7)

Với hơn 84 nghìn ha cây ăn quả, Sơn La đang vươn lên trở thành thủ phủ cây trái không chỉ riêng miền Bắc mà còn lớn nhất nhì trên cả nước.

Chế biến xoài xuất khẩu ở Sơn La. Ảnh: Hoàng Anh.

Chế biến xoài xuất khẩu ở Sơn La. Ảnh: Hoàng Anh.

Bài học thị trường

Cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo 598 về sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La hồi đầu tháng 7 vừa rồi đã công bố nhiều kết quả ấn tượng. Bất chấp một số ảnh hưởng tiêu cực từ thời tiết, diện tích cây ăn quả của tỉnh Sơn La vẫn vượt con số 84 nghìn ha, tổng sản lượng tiêu thụ đạt gần 190 nghìn tấn, đem lại giá trị xấp xỉ 2,5 nghìn tỷ đồng.  

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhẩm tính: Vụ này dâu tây đạt hơn 7,3 nghìn tấn, thu hơn 502 tỷ đồng; mận được gần 50 nghìn tấn, thu hơn 851 tỷ đồng; nhãn, chuối, dứa xoài cũng đang vào cuối vụ, mục tiêu xuất khẩu nông sản vượt cột mốc 177,6 triệu USD của năm 2023, đạt 186 triệu USD trong năm 2024 đang rất khả thi.

6 tháng đầu năm nay cũng mang nhiều ý nghĩa với nông sản Sơn La khi có nhiều thị trường mới được mở cửa, nhiều loại rau quả đặc trưng của Sơn La lần đầu xuất ngoại. Đầu năm là quả thanh long của HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng (xã Nà Bó, huyện Mai Sơn) xuất khẩu sang thị trường Scotland. Tiếp đó, cũng thông qua HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, 5 tấn thanh long ruột đỏ của bà con xã viên ở xã Chiềng Pha (huyện Thuận Châu) đi đường chính ngạch sang thị trường Italia.

Đặc biệt mới đây nhất là 10 tấn mận Sơn La của HTX nông sản bản địa Noọng Piêu (xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu) trở thành đơn vị đầu tiên của Việt Nam đưa được quả mận hậu vào thị trường các nước châu Âu như Đức, Anh, Pháp và Cộng hòa Séc…

Mận Ruby Sơn La. Ảnh: Tùng Đinh. 

Mận Ruby Sơn La. Ảnh: Tùng Đinh. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thông tin thêm: Tính chung cả 6 tháng đầu năm, sản lượng cây ăn quả của Sơn La tham gia xuất khẩu đạt khoảng 12,2 nghìn tấn với giá trị ước đạt gần 82 tỷ đồng. Trong đó có một số sản phẩm đã mở cửa thị trường từ những năm trước, đang dần trở thành sản phẩm thế mạnh xuất khẩu của Sơn La như: xoài (7,6 nghìn tấn), chuối (4,56 nghìn tấn), chanh leo (37 tấn)… Cùng với một số nông sản “triệu đô” khác như cà phê, chè, sắn đang góp phần giúp nông nghiệp Sơn La tăng trưởng mạnh mẽ.  

“Với diện tích lớn, vùng nguyên liệu khổng lồ và nhiều loại cây ăn quả khác nhau, tỉnh Sơn La xác định 2 nút thắt lớn nhất là chế biến và thị trường. Chính vì vậy, song song với nhiệm vụ thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu, cả hệ thống chính trị Sơn La đã cùng nhau vào cuộc, góp sức với cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường cho nông sản, đặc biệt là cây ăn quả Sơn La”, ông Nguyễn Thành Công chia sẻ.

Từ kết nối trao đổi thông tin xúc tiến, tham dự các triển lãm, hội chợ trong nước đến nước ngoài, hễ có cơ hội là người Sơn La lại lên đường. Ông Công kể, cách đây mấy hôm, khi hay tin có một đoàn khách quốc tế đến Hà Nội, muốn tìm hiểu về nông sản Sơn La, lập tức Phó Chủ tịch tỉnh lên đường xuống Thủ đô dự buổi gặp gỡ, xong nửa đêm lại vượt hơn 300 cây số quay ngược lên tỉnh để kịp buổi họp sáng hôm sau.

Còn Bùi Phương Thanh (HTX Nông sản bản địa Noọng Piêu), một trong những điểm sáng của Sơn La về xuất khẩu nông sản phấn chấn: Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn. Đi mới thấy thị trường cho quả mận, quả xoài còn rất mênh mông. Thấy tiêu chuẩn của thị trường ngày một khắt khe, đòi hỏi cả chuỗi sản xuất phải chung tay lại với nhau mới có thể cạnh tranh được với người ta. Mình cứ nói trái cây mình ngon nhất, nhưng nếu không quảng bá, không biết cách tiếp cận thị trường thì không thể nào nâng cao giá trị được.

Năm nay, đối với HTX Nông sản bản địa Noọng Piêu của Bùi Phương Thanh là một kỳ tích, nhưng người sáng lập nói đó mới chỉ là sự khởi đầu. Với diện tích hơn 30ha và 150ha liên kết, sau 10 tấn xuất khẩu sang EU, một loạt thị trường khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ cũng đang có những phản hồi tích cực về sản phẩm mận Ruby Sơn La mà HTX xây dựng.

“Mỗi kg mận hậu Sơn La đang bán tại thị trường Châu Âu có giá từ 250 - 300 nghìn đồng. Tỉnh Sơn La hiện có xấp xỉ 12,5 nghìn ha trồng mận, sản lượng hằng năm vào khoảng trên 81 nghìn tấn. Nếu làm tốt câu chuyện mã số vùng trồng, quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn và chịu khó mở cửa thị trường, chắc chắn giá trị của mận Sơn La sẽ tăng lên khủng khiếp”, Bùi Phương Thanh bày tỏ.

Nhãn Sông Mã. Ảnh: Tùng Đinh. 

Nhãn Sông Mã. Ảnh: Tùng Đinh. 

Vụ nhãn sớm năm nay Sông Mã chịu ảnh hưởng của nắng hạn kéo dài, sản lượng giảm sút mất khoảng 50% so với mọi năm. Ngoài diện tích nhãn gần 8 nghìn ha còn có hơn 1,8 nghìn ha xoài, 312ha chuối, 112ha mận, 117ha dứa… Theo Giám đốc HTX Ngoan Hậu, để đáp ứng tiêu chuẩn thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, thời gian qua có cảm giác cả tỉnh Sơn La cùng nhau đi hội chợ, cùng nhau xây dựng mã số vùng trồng, cùng nhau thành lập hợp tác xã…

“Từ Hà Nội, Sài Gòn hay ngày hội trái cây ở các tỉnh thành khác, thậm chí ở bên Lào, bên Trung Quốc…, đi đâu cũng thấy người Sơn La mang sản phẩm của mình đến giới thiệu, quảng bá. Thời gian gần đây tỉnh còn liên tục tổ chức các lễ hội, diễn đàn tiêu thụ nông sản tại địa phương, tham gia sàn thương mại điện tử, mời các “hot tiktok”, “hot facebook” tham gia bán hàng cùng với bà con. Phải như thế mới bán được hàng”, Bùi Ngoan Hậu kể.  

“Sơn La sẽ tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu, cấp mới và duy trì mã số vùng trồng, liên kết chuỗi, bởi đó chính là “hộ chiếu” để nông sản của tỉnh đi ra thế giới”, ông Nguyễn Thành Công khẳng định.

 Huyện thu hơn 31 triệu USD từ xuất khẩu nông sản

Một trong những địa phương tiên phong nhất về xây dựng vùng nguyên liệu lớn, xây dựng mã số vùng trồng và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản ở tỉnh Sơn La là Mai Sơn.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mai Sơn cho biết: Đến nay Mai Sơn đã có hơn 11,2 nghìn ha cây ăn quả, trong đó có hơn 4,2 nghìn ha cây ăn quả thực hiện theo hướng ứng dụng công nghệ cao, 1,8 nghìn ha sản xuất theo hướng hữu cơ, 1,1 nghìn ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…

Bạt ngàn na Mai Sơn. Ảnh: Tùng Đinh. 

Bạt ngàn na Mai Sơn. Ảnh: Tùng Đinh. 

Từ đầu năm đến nay cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con các dân tộc ở Mai Sơn đã thu được hơn 45 nghìn tấn quả các loại, bán trong nước được hơn 766 tỷ đồng. Cùng với cà phê, trái cây của huyện Mai Sơn đóng góp lớn vào con số 31,8 triệu USD thu về từ sản phẩm nông sản xuất khẩu.

“Mai Sơn bây giờ tỷ phú cây ăn quả không đếm xuể”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mai Sơn tươi cười. Đó là Bùi Văn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã Xây dựng và Nông nghiệp Bảo Khánh có ngày thu 4-5 tấn na Thái bán với giá 100 nghìn đồng/kg. Đó là Nguyễn Đình Lâm (Giám đốc HTX Tân Thảo), trồng mỗi ha dâu tây thu về 1 tỷ đồng. Và nhiều điển hình tiên tiến khác.

Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mai Sơn, điều quan trọng nhất là phong trào phát triển hợp tác xã ở Mai Sơn lan tỏa hết sức mạnh mẽ, bà con nông dân, cộng đồng doanh nghiệp đang cùng với địa phương xây dựng cây ăn quả thành ngành hàng chủ lực của huyện.

Tính đến tháng 6/2024, tỉnh Sơn La đang duy trì 218 mã số vùng trồng và 10 mã số cơ sở đóng gói, trong đó có 211 mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Úc, Hoa Kỳ… diện tích hơn 3 nghìn ha. Cấp nhãn hiệu chứng nhận một loạt sản phẩm đặc trưng như “Nhãn Sông Mã”, “Nhãn Sơn La”, “Dứa Sơn La”, “Xoài Sơn La”, “Thanh long Sơn La”, “Mận Sơn La”…

Xem thêm
Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

ThaiBinh Seed ủng hộ bà con vùng lũ 50 tấn giống trị giá 3 tỷ đồng

Với tinh thần sẻ chia, tương thân tương ái, ThaiBinh Seed hỗ trợ 50 tấn giống nhằm kịp thời hỗ trợ, động viên giúp đỡ đồng bào ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.

Bình luận mới nhất