Thực hiện Dự án Khuyến nông Trung ương về “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Bắc”, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hoà Bình phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Sơn La triển khai thành công mô hình trồng chanh leo VietGAP tại HTX nông nghiệp Ngọc Lương, huyện Yên Thuỷ (Hoà Bình).
Bà Quách Thị Kim Mai, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Lương cho biết, mô hình triển khai với diện tích 5ha. Giống chanh leo DG1 năng suất, chất lượng cao được chọn đưa vào mô hình. Sau trồng, cây giống sinh trưởng phát triển khoẻ, tỷ lệ sống đạt gần 100%. Sản lượng quả thu hoạch năm đầu ước đạt trên 200 tấn, giá trị sản lượng hơn 240 triệu đồng, tương đương năng suất quả đạt 40 tấn/ha.
Tuy nhiên, do là lần đầu HTX trồng chanh leo nên hầu hết các xã viên đều nghi ngại, không muốn thay đổi tập quán canh tác cũ, kể cả được hỗ trợ tới 50% giá mua cây giống... Nhờ cán bộ khuyến nông kiên trì vận động, kết hợp với tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật gieo trồng và tổ chức đi tham quan các mô hình sản xuất chanh leo đạt hiệu quả trong nước nên các hộ đã tiếp thu kiến thức, tự nguyện đầu tư trồng chanh leo. Đến nay, mô hình đã đạt được kết quả tốt hơn mong đợi của chính quyền địa phương và đơn vị thực hiện Dự án.
Ông Bùi Văn Lệ (thành viên HTX nông nghiệp Ngọc Lương) hiện đang thu hoạch lứa chanh leo đầu tiên, dự tính thu tới hết năm năng suất sẽ đạt 40 tấn quả/ha, giá trị thu hoạch đạt 480 triệu đồng/ha. Ông Lệ khẳng định, tính toán trên là khả thi, vì chanh leo năm nay được mùa, vườn của ông cũng không ngoại lệ, hơn nữa chanh leo của HTX đã được Công ty TNHH nông sản T9 ký hợp đồng bao tiêu hết năm với giá 12.000 đồng/kg.
"Các hộ tham gia mô hình được khuyến nông tỉnh hỗ trợ cây giống tốt, tập huấn kỹ thuật thực hành nông nghiệp tốt, cấp chứng nhận VietGAP và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt còn được quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông đại chúng, được kết nối với doanh nghiệp, đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho mô hình...", ông Lệ cho hay.
Từ thực tế trồng 0,83ha chanh leo đạt hiệu quả cao trong mô hình, ông Quách Công Sơn rút ra một số chú ý. Cây chanh leo có bộ rễ ăn nông nên phải thiết kế hệ thống tiêu thoát nước tốt cho vườn, không để xảy ra tình trạng úng ngập, bao gồm cả úng cục bộ, song vẫn phải đảm bảo độ ẩm thường xuyên cho vườn chanh, đặc biệt ở giai đoạn cây ra hoa, đậu quả không được để khô hạn.
Cây chanh leo bị nhiễm khá nhiều loại sâu bệnh, trong đó có một số bệnh rất khó chữa trị, phòng trừ tốt nhất phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây ăn trái. Cây chanh leo sinh trưởng rất khoẻ nên việc cắt tỉa thường xuyên rất quan trọng, cắt tỉa càng kỹ cây chanh leo càng ra nhiều quả.
Ths Phạm Thị Thu Hồng (cán bộ khuyến nông chỉ đạo mô hình) chia sẻ, cây chanh leo mới được trồng tại địa phương lần đầu nên mặc dù đã được đi thăm quan, học hỏi thực tế, nhiều hộ dân vẫn rất lúng túng khi chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho chanh leo. Vì vậy chị Hồng phải bám sát cơ sở hàng ngày, "cầm tay chỉ việc" cho từng người. Tới nay mô hình đã cho thu hoạch lứa quả đầu, năng suất, chất lượng đạt tốt.
Khảo sát thực tế thấy các vườn chanh leo trong mô hình đều sinh trưởng, phát triển cân đối, sai hoa, nhiều quả, các hộ đều có nguyện vọng tham gia mô hình, nắm vững quy trình trồng chanh leo VietGAP và có sổ ghi chép nhật ký sản xuất...
Theo ông Đỗ Đức Trường, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hoà Bình, Yên Thuỷ là một trong các huyện nằm trong đề án "Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuấn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025" (Đề án) của tỉnh.
Việc xây dựng thành công mô hình trồng chanh leo ở Yên Thủy sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm để mở rộng mô hình ra các địa phương khác nhằm từng bước hiện thực hoá Đề án, đưa Tây Bắc nói chung, tỉnh Hoà Bình nói riêng thành vựa sản xuất cây ăn trái của cả nước. "Rất mong Bộ NN-PTNT, trực tiếp là Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn tiếp tục đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy thực hiện Đề án", ông Trường nói.