Vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vacxin đầy đủ
Năm nào cũng vậy, vào đầu mùa mưa bão là chị Trần Thị Cẩm Vân (định cư tại phường Long Thạnh Trung, thị xã Hòa Thạnh) lại vệ sinh chuồng trại chăn nuôi gà sạch sẽ, sát trùng, khử khuẩn mọi ngóc ngách.
Theo kinh nghiệm của chị Vân, thời tiết ẩm ướt là tác nhân ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển tới đàn gia cầm. Vì vậy, chị đã chủ động phòng dịch, tiêm phòng vacxin đầy đủ cho đàn gà thả vườn gần 120 con.
“Tôi ngăn ngừa dịch bệnh bằng biện pháp vệ sinh chuồng trại, thường xuyên thực hiện tiêm phòng vacxin đúng định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương. Một năm hai lần có anh em cán bộ thú y tới nhà, cấp phát thuốc sát khuẩn và hướng dẫn cụ thể cho mình. Nhờ thế, đàn gà của mình hầu như ít bị mắc dịch bệnh nguy hiểm”, chị Cẩm Vân chia sẻ.
Trên thị xã Hòa Thành, còn khoảng hơn 500 hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, với tổng đàn hơn 19.700 con, chủ yếu là gà ta thả vườn, gà nòi lai và gà đẻ trứng. Nhờ thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên gia cầm, nhất là vào mùa mưa nên nhiều năm nay, địa bàn chưa xảy ra ổ dịch bệnh nào trên gia cầm.
Ngay từ trước khi vào mùa mưa bão, ngành chăn nuôi và thú y tại đây luôn thúc giục các hộ chăn nuôi thường xuyên thực hiện đúng nguyên tắc phòng chống dịch theo hướng dẫn và chích ngừa vacxin cho vật nuôi đầy đủ. Do đó, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trước dịch bệnh, nhất là ở bối cảnh trong mùa mưa bão như hiện nay.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Hòa Thành chia sẻ: "Người dân tại đây luôn có ý thức tiêu độc khử trùng và tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia cầm tại nông hộ. Ở đây chúng tôi thực hiện nghiêm nguyên tắc 4 không, đó là không mua bán gia cầm bệnh, không giết mổ gia cầm bệnh, không giấu dịch, không vận chuyển gà vịt mắc bệnh. Nhờ đó, công tác phòng chống dịch bệnh tại thị xã Hòa Thành được thực hiện rất hiệu quả”.
Tại huyện Gò Dầu còn nhiều diện tích ao vườn, bà con địa phương tận dụng luôn địa hình này thả nuôi gà, vịt để tự cung cấp nguồn thức ăn cho gia đình và bán số dư khi cần thiết. Gà thả vườn là món ăn truyền thống không thể thiếu ở khu vực nông thôn, chưa bao giờ đủ số lượng cung cấp cho các chợ truyền thống.
Gia đình anh Nguyễn Đức Minh (ngụ tại ấp Đá Hàng, xã Hiệp Thành) chuyên nuôi gà thả vườn hàng chục năm qua gồm các giống gà ta, gà nòi lai. Gần đây anh có thêm giống gà Đông Tảo thả nuôi quanh khu vườn nhà. Khu vực chân trại anh luôn vệ sinh sạch sẽ, thực hiện tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi đúng quy định như cán bộ thú y hướng dẫn.
“Trước đây, mỗi tuần tôi phun xịt sát trùng 1 lần, nay mưa nắng thất thường, tôi càng chú trọng hơn trong công tác vệ sinh, đặc biệt là việc khử trùng được làm thường xuyên, hầu như hàng ngày để đàn heo không bị nhiễm bệnh”, ông Minh thông tin.
Để bảo đảm an toàn cho hơn 1.200 con vịt trong mùa mưa, ông Lại Bắc Hưng (chủ trang trại gà tại huyện Dương Minh Châu) đã chủ động chích ngừa đầy đủ các loại vacxin, đồng thời chú trọng điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp theo độ tuổi và bổ sung một số loại vitamin tăng sức đề kháng cho đàn vịt phát triển tốt.
Theo ông Hưng, vịt là gia cầm dễ mắc bệnh về hô hấp, đường ruột và tả. Do đó, ngoài việc tiêm phòng vacxin định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã, ông cũng thường xuyên rắc vôi bột xung quanh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun xịt thuốc sát khuẩn theo định kỳ 1 đến 2 lần/ tháng. Ông Hưng còn lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, theo dõi chặt chẽ. Khi vịt xuất hiện bất kỳ biểu hiện lạ, ông sẽ tách đàn để theo dõi.
“Ngoài công tác vệ sinh chuồng trại, chú trọng nguồn thức ăn sạch, đầy đủ dinh dưỡng, tiêm vacxin tụ huyết trùng, phòng dịch, cho uống men tiêu hóa, tôi cũng thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn vịt. Khi phát hiện con nào có biểu hiện lạ, nguy cơ mắc bệnh, tôi sẽ tách đàn, đồng thời theo dõi để tránh dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng tới cả đàn”, ông Hưng cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Loan - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh, địa phương hiện có tổng đàn gia cầm khoảng 9,1 triệu con với sản lượng 98.000 tấn thịt/năm. Trong đó, có 107 trang trại chăn nuôi gia cầm (76 trang trại gà và 31 trang trại vịt) với tổng đàn 6,4 triệu con. Riêng gà đẻ trứng thương phẩm hiện có 07 trang trại với 2,8 triệu con, sản lượng 756 triệu quả trứng gà/năm. Do dó, công tác đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.
Chủ động đi trước dịch bệnh một bước
Đó là phương châm mà Chi cục Chăn nuôi và thú y Tây Ninh đề ra từ nhiều năm nay. Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Tây Ninh không xảy ra ổ dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ngành thú y Tây Ninh cũng đang cố gắng để giữ vững thành trì này, không chỉ đảm bảo an toàn cho đàn gia cầm trên địa bàn mà còn có ý nghĩa quan trọng cho các tỉnh thành lân cận.
Tại Tây Ninh, chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, đảm bảo an toàn sinh học, có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết, định hướng phát triển chăn nuôi tại Tây Ninh là theo hướng trang trại quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về con giống, chuồng trại, chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.
“Định hướng này gắn với liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất giết mổ, chế biến - tiêu thụ sản phẩm nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm gia cầm… Nhờ đó, công tác kiểm soát bệnh tật được bài bản hơn, ít xảy ra dịch bệnh và dễ dàng xử lý, khó lây lan bệnh hơn”, ông Xuân chia sẻ.
Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra dịch bệnh cúm gia cầm vẫn rất cao vì mầm bệnh vẫn còn tồn tại ngoài môi trường, gia cầm rất mẫn cảm với bệnh khi thời tiết mưa nhiều, trời lạnh. Ngoài ra Tây Ninh là tỉnh giáp biên giới Campuchia nên việc lây lan dịch bệnh qua biên giới là rất cao.
Huyện Châu Thành có 6 xã giáp ranh biên giới 48km với Campuchia, với tổng đàn là gần 1,2 triệu con. Trong đó, chăn nuôi trang trại là 970.000 con/17 trại, chăn nuôi nông hộ là hơn 222.000 con/12.000 hộ. Do đó, công tác phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm gặp nhiều khó khăn, nguy cơ xâm nhiễm của mầm bệnh là rất cao.
“Để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền trên đài phát thanh huyện về tình hình dịch bệnh; tổ chức đợt vệ sinh, tiêu độc sát trùng và tiêm phòng vacxin cúm gia cầm cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, kể cả vào ban đêm. Đối với các trang trại có quy mô chăn nuôi trên 1.000 con gia cầm, khuyến cáo tự lo chi phí tiêm phòng và tiêu độc sát trùng để bảo vệ đàn vật nuôi của mình”, ông Lê Đức Đoan - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Thành thông tin.
Qua kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch trên gia cầm tại các địa phương, bà Nguyễn Thị Hồng Loan - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh cảnh báo, dịch cúm gia cầm dễ bùng phát, có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu chủ quan, lơ là tiêm phòng dịch bệnh.
“Vì vậy, việc phòng, chống dịch cúm gia cầm luôn phải đi trước một bước với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, chính quyền địa phương, người chăn nuôi. Tại các địa phương, các đoàn thể phối hợp tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm”, bà Hồng Loan thông tin.