| Hotline: 0983.970.780

Trở về

Chủ Nhật 02/08/2020 , 18:59 (GMT+7)

Mạ ngồi bên hiên. Mái tóc bạc phơ. Đôi bàn tay gầy gò, gân guốc. Ánh nhìn rười rượi qua hàng cây.

Mắt mạ đục mờ. Mạ đưa tay với lấy tấm ảnh trên ban thờ. Lại lau chùi lần nữa. Năm nào cũng thế, đến thời gian này, lòng mạ như có cái gì thôi thúc không yên.

Ba mươi năm rồi. Từ ngày có tin báo từ đơn vị, mạ vẫn ngồi đây, chờ một phép màu. Một đứa, hai đứa rồi đứa thứ ba cũng chẳng bao giờ về nữa. Mạ đứt từng khúc ruột. Nước mắt không chảy được nữa. Bây giờ ngồi nhìn ba bức ảnh, mạ cũng không biết thằng nào là Thiên, thằng nào là Thời và thằng nào là Thảo. Mạ chỉ biết xếp ba bức ảnh theo thứ tự, rồi cứ thế mò từng nếp viền. Riết quen, mạ đoán.

Con dâu từ trong nhà đi ra, bảo mạ vô ăn cơm, trưa lắm rồi sao mạ cứ ngồi ngoài chi cho mệt. Mạ bâng quơ. Đợi tụi thằng Thiên về rồi mạ ăn luôn. Tụi bây đói cứ ăn trước, mạ chờ được. Cháu nội lớp mười hai nhìn mạ ái ngại. Thôi nội, cơm canh nguội hết trơn rồi, con dẫn nội vô ăn, rồi xíu ra ngồi chờ ba con với hai chú. Nội ngồi đây đói sao chờ được. Mạ ậm ờ. Đưa tay cho đứa cháu đỡ.

Hai năm nay, mạ lẫn. Lúc nhớ, lúc quên. Chưa bao giờ mạ dám tin ba đứa con trai đi chiến trường không về. Chồng cũng theo các con từ thuở mạ còn hai lăm, đôi mươi. Đợt đó ông nói đi tập kết ra Bắc, rồi đưa thằng hai đi theo, tập cho nó quen chiến trường.

Rồi chiến dịch Điên Biên Phủ, ông không trở về nữa, thằng Thiên cũng không về. Hai đứa em ở nhà lại xông pha ra trận tiếp bước cha anh cứu nước. Ngày Miền Nam giải phóng hoàn toàn, cờ hoa rợp trời, mạ chen trong đoàn quân ta, hò reo mừng vui. Mạ nào có biết sau đó là thời gian dài đằng đẵng mạ về quê, chờ những đứa con trong đau khổ.

Mạ vẫn nhớ như in những câu nói của thằng Thiên, trước khi nó chia tay mạ. Mạ ở nhà giữ gìn sức khỏe, con đi rồi con lại về, chừng nào đất nước thống nhất, con về ở với mạ suốt đời.

Vậy mà từ khi nó nói câu đó, cho tới khi hai đứa em nối gót ra đi, chúng chỉ ôm mạ được một lần, rồi không đứa nào còn ôm mạ nữa. Nó để đứa con dâu, bụng mang dạ chửa bầu bạn với mạ. Những đêm cô đơn trong căn nhà nhỏ, mạ không đủ sức để chống chọi với những mất mát đau thương.

Ngày ra đi những đứa con lành lặn, đẹp ngời ngời. Ngày trở về, là những nắm tro tàn. Là những gói nhỏ bọc trong ni lông, anh em đồng đội đưa chúng về với mạ, rồi rước lên nghĩa trang. Bốn người đàn ông của gia đình, không còn một ai.

Bốn người, chỉ có ba người được đưa về, bỏ vào chiếc tiểu nhỏ, mạ cũng không nhớ trong đó có những cái gì. Đón nhận con, mạ ôm khư khư từng bọc, không cho người ta mang chúng đi. Mạ nói thôi, để chúng ở lại, ngủ với mạ thêm mấy ngày, ở nhà ấm cúng, đi ra nghĩa trang lạnh lẽo lắm. Những người còn lại ngân ngấn nước mắt.

Mạ trở thành bà mẹ Việt Nam anh hùng ở tuổi năm mươi lăm. Hằng ngày ngoài việc chăm bẵm những cây cối trong vườn nhà, mạ đều đi bộ lên nghĩa trang thăm những đứa con và chồng. Còn mỗi thằng Thời, mãi người ta chưa tìm nó về được.

Nghe đơn vị đóng quân của nó báo về, trong một đợt truy quét, nó cùng đồng đội tiến vào hang địch nhưng bị bọn chúng gài mìn và mười bảy anh em, trong đó có thằng Thời, tan tác không còn nhận ra. Đất đai đã chôn vùi hết.

Khi anh em ập đến, thì chỉ còn lại mớ hỗn độn, và Thời được chôn chung trong ngôi mộ tập thể ở chiến trường Tây Ninh. Mấy lần mạ nói với con dâu, đưa mạ đi một lần xuống Tây Ninh, cho mạ xem thằng Thời một lần, rồi mai mốt có điều kiện, đem nó về trên đây với mạ.

Ba đứa con, một đứa nằm lại ở đó, mạ sao yên lòng được. Những đứa con rứt ruột mạ đẻ ra, chăm bẵm từ khi còn ẵm ngửa, đứa nào cũng làm mạ đau như nhau. Chúng không về cùng nhau, mạ không nhắm mắt được. Mạ gầy gò héo hon từng ngày.

Mạ bảo, hồi nhỏ, thằng Thiên thích ăn rau đay, nấu canh cua. Thằng Thời thích ăn tép rang khô. Thằng Thảo thì lại chỉ thích cà muối mặn. Ba chúng nó chẳng biết thích gì, từ ngày hai bên gia đình cưới mạ về, ba chăm lo được mảnh vườn, thửa ruộng. Rồi làm liền tù tì ba đứa, ba chăm bẵm chúng được thời gian rồi ra Bắc, tham gia chiến trường.

Mạ cũng không nhớ mình đã nấu cho chồng ăn được bao nhiêu lần. Chỉ nhớ trong ngôi nhà tranh vách đất lụp xụp, một tay mạ bế con, một tay xới cơm độn bo bo cho ba ăn, ba cứ cười hiền hậu, bảo mốt ba đi chiến trường đã có những đứa nhỏ bầu bạn với mạ cho khỏi cô đơn.

Bây giờ thì chỉ còn mạ với một đứa con dâu, một đứa cháu trai, đùm bọc lẫn nhau qua những tháng ngày giông bão còn lại của cuộc đời.

Đến dịp tháng bảy, mạ làm mâm cơm, cúng cho những người đàn ông trong nhà. Mạ tỉ mẩn ghi lên những tấm giấy, bỏ xuống dưới những món ăn. Rồi khấn vái, kêu chúng về ăn với mạ. Mâm cơm có canh rau đay, nấu canh cua.

Tép rang, cà muối mặn và những món mạ kêu con dâu làm thêm, rồi xong xuôi, mạ mang ra ngoài nghĩa trang, bỏ lên mộ cho mấy đứa con và chồng. Mộ thằng thời được xây lên bên cạnh mộ của anh trai, em trai và ba nó nhưng bên trong trống rỗng. Mạ vẫn để đĩa tép rang lên đó, gọi hồn nó về ăn.

Hằng năm, cơ quan đoàn thể, địa phương, thanh niên đến thăm mạ. Chúng sửa lại cho mạ mái nhà, nhà nước cấp cho mạ miếng đất. Trong căn nhà tình thương, rộng rãi, thoáng mát và đủ đầy nhưng không có gì có thể lấp đầy nỗi đau của mạ.

Bữa đó, cũng là tháng bảy, mạ lại ngồi ngoài hiên chờ mấy đứa về ăn cơm. Chợt ngoài cổng có tiếng chó sủa râm ran. Mạ chống cây gậy đứng dậy, tự nhiên như có một luồng điện chạy qua người. Có ai đó đẩy mạ đi nhanh ra cổng. Một người đàn ông tóc hoa râm và ba người nữa, một đàn bà, hai đứa nhỏ. Tiếng người đàn ông dồn dập.

Mạ, mạ ơi, mạ ở mô? Mạ ở mô rồi? Mạ không khóc được, là tiếng thằng Thời, đúng là nó rồi. Mạ chạy, tiếng mạ tươi tỉnh hẳn lên. Dâu ơi, cháu ơi, thằng Thời về, thằng Thời về rồi nè. Mạ chạy như sấp ngửa, cái gậy mạ quẳng ra góc thềm, mạ chạy như có sức mạnh. Rồi mạ ngã nhào xuống, khi bàn tay rắn rỏi của người đàn ông kịp đỡ mạ. Bao lâu không được cảm nhận đôi bàn tay này.

Mạ gào, mạ chửi. Thằng con mất dạy, sao mày còn sống sờ sờ ra đây mà giờ mày mới bò về tìm mạ. Thằng điên, thằng khùng, sao bây giờ mày mới mò về đây hả trời. Người đàn ông rắn rỏi khóc như mưa. Ông ôm thân hình gầy gò của mạ. Nỗi đau, xót xa bao năm dâng đầy lồng ngực.

Những năm ở nơi đất khách quê người, ông không nhớ, không nhớ ra mình còn một người mẹ, còn một gia đình ở vùng xa xôi này. Cho đến hôm kia, khi truyền hình phát sóng chương trình kỉ niệm ngày thương binh liệt sỹ, ông chợt giật mình, nhận ra mạ trên tivi. Mạ đang ôm từng ngôi mộ, khóc không thành tiếng. Là mạ, đúng là mạ. Ông reo lên rồi hối hả giục vợ con thu dọn đồ đạc, tìm cách liên lạc về quê.

Chiến tranh, nỗi đau, mất mát. Đó là những gì mà suốt mấy chục năm qua mạ phải chịu đựng. Một người đàn bà nhỏ bé, đã dành cả cuộc đời, tuổi xuân cho con cái, cho đất nước này. Cuối cùng thì mạ cũng được đền đáp.

Ông Thời kể, sau khi bò ra được khỏi hang ổ của bọn địch, vì bị thương ở đầu nên ông đã không còn nhớ gì nữa. Sau đó dân làng kịp thời cấp cứu, đưa ông lên tuyến trên. Những tháng ngày đằng đẵng ở bệnh viện, ông đã quen và yêu cô y tá hết lòng chăm sóc cho mình.

Sau này khi đã có đứa con đầu lòng, vợ ông cũng có hỏi nhiều lần nhưng ông đều không nhớ ra quê hương của mình. Cho đến khi chính mắt ông nhìn mạ gầy mòn trên tivi, ông mới nhớ mình ở đâu và sinh ra từ vùng nào.

Quê hương những ngày nắng bỏng rát, mạ khỏe mạnh lên nhiều. Ngôi mộ được dỡ bỏ. Mấy mạ con líu ríu ra nghĩa trang, thắp nhang, những đụn khói trắng cuộn tròn trên mộ. Những ngôi mộ xung quanh, người có tên, người không tên vẫn đang nằm lại trong nghĩa trang này.

Mạ bảo các cháu thắp cho mỗi ngôi mộ một cây nhang, để họ biết cũng có những người con trên quê hương đất Việt biết ơn  công lao hi sinh thầm lặng của những anh bộ đội Cụ Hồ.

(Kiến thức gia đình số 31)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất