| Hotline: 0983.970.780

Trời sinh ra như vậy

Thứ Sáu 24/04/2009 , 10:01 (GMT+7)

Nằm nghỉ trưa trên võng, tôi quan sát kỹ bầy gà đang ăn thóc bên cạnh. Bầy gà con lú đuôi tôm chạy lại bên mẹ đang ăn thóc, lập tức bị mẹ nó cắn mổ tơi bời đuổi đi.

Gà mẹ giành ăn một mình cùng chú gà cồ. Bầy gà con chạy tán loạn, đứng xa, sợ sệt nhìn mẹ. Thấy gà mẹ ăn thừa mứa, bỏ đi uống nước, bầy gà con tranh thủ chạy lại mổ thóc, nhưng cũng bị gà mẹ phát hiện và chạy lại rượt đuổi. Bà mẹ gà cắn mổ bầy con rất mạnh, chúng la toáng, nhiều con toát da rướm máu. Nhìn thế, tôi nổi nóng, vụt miệng: “Đồ bà mẹ ác đức!”. Vợ tôi đang rửa chén, hỏi: “Ông rủa ai ác đức?”.

Tôi đáp: “Gà mẹ không cho bầy con ăn một hột thóc. Chỉ cho con gà cồ ăn mà thôi! Đồ dại trai, ác đức với con cái!”. Nghe vậy, bà vợ gắt: “Loài gà là như thế, ác đức cái nỗi gì? Con lớn rồi phải tự túc kiếm ăn riêng, không theo kè kè bên mẹ. Theo mẹ, mẹ nó đá chết. Gà mẹ chỉ nuôi con lúc còn nhỏ xíu mà thôi. Lú đuôi tôm rồi, phải đi kiếm ăn chớ. Gà mẹ còn dưỡng sức lực để đẻ và nuôi lứa đàn em khác. Như thế là đúng, không có gì là ác đức cả, mà đấy là đạo đức của loài gà. Một loại đạo đức tích cực, không cho bầy con ỷ lại”.

Nghe thế, tôi nín thinh. Có lẽ bà vợ nói đúng. Ở loài gà, chỉ có luật sinh tồn chứ không có luật luân lý đạo đức như con người. Tôi lại quan sát kỹ bầy gà. Rõ ràng bị cắn mổ tơi bời nhưng bầy gà con không ghét mẹ. Gà mẹ cũng không ghét bầy gà con. Bằng chứng là gà mẹ không rượt theo cắn mổ tiếp. Nó chỉ đuổi đi. Gà mẹ không cho chúng lại gần mình mà thôi. Có lẽ, trời sinh ra giống gà là phải như thế. Mà đã trời sinh như thế, không thể bảo là chúng ác đức được. Bảo như thế là sai. Lúc này, chú gà cồ rướn cao cổ gáy vang. Tiếng gáy vang to rất dũng mãnh, nghe sướng hai lỗ tai… 

Vừa nghe tiếng gáy, tôi lại nghĩ tiếp về loài gà. Tại sao gà cồ lại gáy nhiều như thế nhỉ? Nhất là buổi sáng tinh sương lúc mặt trời vừa ló dạng. Chúng gáy đinh tai nhức óc. Nó mừng mặt trời mọc à? Chúng đón ngày mới à? Có lẽ việc này là do con người đặt chuyện, bởi vì ban trưa chúng cũng gáy tưng bừng. Thế cũng bảo nó đón trưa à? Chịu thua. Thôi thì, nhiệm vụ của gà cồ là phải gáy, gáy và gáy. Trời sinh ra để gáy.

Mà cũng lạ thật, con gà thấy bạn nó bị con người cắt tiết giết chết, thế mà nó vẫn không ghét con người, con người cho ăn nó vẫn chạy theo. Việc này có lẽ do nó rất sợ con người. Mà một khi đã sợ thì phải chấp nhận. Chuyện này không phải do trời sinh ra đâu. Việc này do con người sinh ra. Tôi nói suy nghĩ này cho bà vợ nghe. Bà vợ liền hỏi: “Vậy con người bị con cọp xé xác, đấy là do trời sinh hay do cọp sinh?”. Tôi trả lời, do cọp sinh ra, chẳng có trời nào ở đây cả. Bà vợ cãi lại: “Đó là do trời sinh. Nếu không phải thế, tại sao con trâu nó không ăn thịt ông?”. Nghe vậy, tôi lúng túng. Có lẽ đúng thế, có lẽ do trời sinh. Cọp là phải ăn thịt người ta mới ngon miệng. 

Thôi, tôi không muốn trò chuyện cùng vợ nữa, tôi muốn ngủ tí trưa. Nhưng vừa nhắm mắt, chú gà cồ lại gáy vang làm tôi giật thót. Tôi ngồi dậy, “hùi…hùi…” chúng đi chỗ khác. Đứng ở chỗ khác, chú ta cũng gáy vang. Không những gáy to hơn mà còn gáy nhiều hơn. Tôi lại nằm xuống võng, tự nhủ: “Trời sinh nó ra để gáy như vậy, thì mình cũng cứ nghe gáy như vậy, mà ngủ theo trời sinh như vậy…”

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm