Huyện An Dương được xem là thủ phủ hoa, cây cảnh của thành phố Hải Phòng, đặc biệt là đào cảnh, quất, hải đường,… với tổng diện tích gần 600 ha, tập trung nhiều ở các xã Đồng Thái, Đặng Cương, Hồng Thái, Quốc Tuấn, Lê Lợi, Bắc Sơn, Tân Tiến, An Hưng,…
Năm 2023, về cơ bản mọi thứ đều thuận lợi, dù kinh tế khó khăn nhưng lượng người đặt mua hàng vẫn ổn định, người dân đang đứng trước một vụ thu hoạch thắng lợi thì dịp cuối năm, sau khi đào đã tuốt lá thì trời nắng ấm, hàng trăm hộ dân mất ăn mất ngủ vì đào nở quá sớm, vượt xa mọi sự tính toán.
Tại xã Đặng Cương, nhiều hộ dân đã nghĩ đến một vụ thất thu vì đào nở từ đầu tháng Chạp, nếu không có gì thay đổi, đết Tết sẽ không còn hoa đẹp, đồng nghĩa với khách không mua. Với những người đã đặt, chủ vườn sẽ không còn hàng để giao cho khách, như thế sẽ phải trả lại tiền cọc.
Khi cả làng, cả xã đang lo lắng thì từ 22/1/2024, thời tiết bắt đầu trở lạnh, nhiệt độ thấp nhất ở Hải Phòng có lúc xuống dưới 10 độ C, trái ngược với người nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi phải cuống cuồng chống rét thì người trồng đào lại mừng rỡ vì có thể hãm hoa nở được tới 10 ngày.
Anh Nguyễn Đình Công, trú tại thôn Tự Lập, xã Đặng Cương, huyện An Dương phấn khởi cho biết, gia đình anh có gần 200 gốc đào ghép, về cơ bản đã được khách hàng đặt cọc thuê từ tháng 9/2023, thấp nhất là vài triệu đồng và cao nhất là gần 100 triệu đồng để bày trong nhà dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Trước khi trời lạnh diễn ra, gia đình anh cũng rất lo lắng vì trong vườn đã có cây nở rực rỡ. Công chăm bón rất lớn, nếu thất thu thì không biết lấy gì để tái sản xuất cho năm sau. Tuy vậy, khi trời trở lạnh, mọi lo lắng đã tan biến, gia đình anh đang đứng trước vụ thu hoạch với giá trị hàng tỷ đồng.
“Vườn gia đình tôi, khách đã đặt mua đến 90% rồi. Chúng tôi vui lắm, với thời tiết này, có thể hãm hoa đào nở thêm được khoảng 10 ngày. Nếu không có gì thay đổi thì vụ này sẽ thu được hơn 1 tỷ đồng”, anh Công vui vẻ chia sẻ.
Theo UBND xã Đặng Cương, địa phương đã hình thành sớm và tập trung quy hoạch các vùng sản xuất, phát triển làng nghề. Xã quy hoạch được 12 vùng sản xuất tập trung, vùng bé nhất từ 3 - 5 ha, vùng lớn nhất là 20 ha tại 8 thôn.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã thực hiện chủ trương làm đường ra đồng, làm đường dân sinh, tạo kết nối giao thông rất tốt, có những đoạn đường bà con làm rộng đến 4 - 5m để xe tải có thể vào tận nơi vận chuyển hoa, cây cảnh. Nghề trồng hoa, cây cảnh có thu nhập cao nên đã thu hút mạnh mẽ nguồn lao động nhàn rỗi, tận dụng thế mạnh đó để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
“Xã Đặng Cương có hơn 125 ha trồng hoa, cây cảnh. Trong đó, quất cảnh chủ yếu được trồng ở thôn Tri Yếu, hoa hải đường được trồng ở thôn Đồng Dụ với tổng diện tích hơn 25 ha. Còn lại gần 100 ha trồng đào cảnh tập trung ở các thôn Hòa Nhất, Tự Lập, Dân Hạnh. Dự kiến vụ hoa Tết Giáp Thìn 2024, người trồng hoa, cây cảnh ở xã Đặng Cương sẽ đem lại khoản thu khoảng 60 tỷ đồng, xấp xỉ như mọi năm”, ông Nguyễn Xuân Trưởng – Chủ tịch UBND xã Đặng Cương thông tin.
Tại xã Đồng Thái, địa phương này có hơn 90ha trồng đào cảnh, quất cảnh và hoa lay ơn, được chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả theo chủ trương của thành phố Hải Phòng. Do kỹ thuật canh tác và khí hậu thổ nhưỡng phù hợp, hàng năm, người dân ở đây thu về gần 100 tỷ đồng từ hoa, cây cảnh.
Ông Mai Thanh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Thái cho biết: Mấy ngày trước khi trời nắng, đào bung nở, nhiều hộ dân trên địa bàn xã không giấu được sự lo lắng nhưng nay trời lạnh bà con đã phấn khởi trở lại.
Với người trồng đào, thời tiết vào thời điểm thu hoạch rất quan trọng, với tình hình trời rét như hiện nay, nếu kéo dài đến Tết, người dân chắc chắn sẽ thắng lớn vì lượng khách mua đào diễn ra khá sôi động.
“Năm nay diện tích trồng đào cảnh, quất cảnh,… trên địa bàn xã chúng tôi tăng thêm 1 ha. Việc trồng hoa cây cảnh thực tế mang lại thu nhập cao cho người dân. Từ giờ đến Tết, nếu tình hình không có gì thay đổi, thời tiết ủng hộ thì vụ năm nay, người trồng hoa, cây cảnh của Đồng Thái sẽ thu về được khoảng 90 tỷ đồng”, ông Tuấn chia sẻ thêm.