| Hotline: 0983.970.780

Trồng ấu mùa nước nổi

Thứ Tư 22/09/2010 , 11:01 (GMT+7)

Cây ấu có thể sống được quanh năm, nhưng chúng sinh trưởng tốt và cho năng suất cao vào mùa mưa. Mùa nước nổi ở ĐBSCL rất thuận lợi để trồng vụ ấu.

Hàng năm, cứ đến mùa nước nổi tháng 6- 11 ÂL là đồng ruộng ở khu vực ĐBSCL lại ngập tràn. Thời gian này cũng là mùa nông nhàn của người dân vì mùa vụ hầu như đã thu hoạch hết. Bà con thường nuôi trồng các loại cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản để tăng thu nhập.

Ấu là một trong những cây mà nhiều người dân chọn để trồng nhằm tăng thu nhập trong mùa lũ. Đơn giản ấu là loài cây thủy sinh thường sống ở những nơi ngập nước. Cây ấu có thể sống được quanh năm, nhưng chúng sinh trưởng tốt và cho năng suất cao vào mùa mưa. Mùa nước nổi ở ĐBSCL rất thuận lợi để trồng vụ ấu. Thực tế mấy năm qua, cây ấu đã giúp cho nhiều gia đình nông dân cải thiện cuộc sống của mình trong suốt mùa nước nổi.

Diện tích trồng ấu vào mùa nước ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ không ngừng gia tăng. Chỉ riêng ở xã Tân Trung, huyện Phú Tân (An Giang) đã có hàng trăm héc-ta mặt nước được trồng ấu, huyện vùng sâu Đồng Tháp Mười thì đến hàng ngàn ha ấu được trồng mỗi năm; lợi nhuận từ 20-25 triệu đồng/ha. Anh Nguyễn Văn Năm ở P. Thới Long (TP. Cần Thơ) là người có nhiều kinh nghiệm trồng ấu mấy năm qua, tâm sự:

-Công việc trồng ấu bắt đầu từ giữa tháng 6 âm lịch đến cuối tháng 11 âm lịch – đúng vào lúc người nông dân đã rảnh rang việc đồng áng. Sau khi thu hoạch lúa hè thu xong, sử dụng máy xới trục đất rồi khai nước vào ruộng để cấy ấu giống. Cho rải củ ấu già xuống ươm (như làm mạ). Vài hôm ấu nứt ra lên mộng, thả nước vào độ 10 – 15cm, thân ấu mọc lên trên nước như cọng bông súng. Nhổ củ ấu đem giâm trên đất ruộng, khi ấu nở thành 5 – 7 bụi thì bứng lên trồng cả ruộng. Mỗi bụi cách nhau khoảng 1m, một công trồng từ 750-800 bụi ấu.

Lúc đầu, khi mới cấy ấu cần giữ mặt nước cao từ 20-30 cm cho cây mau bén đất. Khi ấu vừa lớn, nước lũ tràn về mực nước cao bao nhiêu, dây ấu phát triển lên cao bấy nhiêu. Năm nào lũ lớn, nước rút chậm thời gian thu hoạch ấu kéo dài thì thu nhập càng cao. Trồng ấu chỉ cần bón thúc phân một lần lúc ấu còn nhỏ, lượng phân bón là 100 kg/ha lân Long Thành (bón lót), 50 kg DAP + 50 kg urea/ha (bón thúc lúc 10 ngày sau trồng). Khi nước lũ tràn về thì không cần bón phân nữa vì lượng phù sa đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây.

Mùa ấu kéo dài đến khi nước rút, trước khi xuống giống lúa vụ đông xuân, bà con dùng máy trục nhấn vùi thân ấu xuống bùn, thân lá ấu là nguồn phân hữu cơ rất tốt cho ruộng lúa.
Thông thường, từ lúc cấy ấu giống đến khi thu hoạch bán trái là 2 tháng. Kể từ lúc thu hoạch lần đầu cứ 10 ngày lại thu hoạch trái 1 lần cho đến khi nước lũ rút. Hái trái ngày trước xong, ngày sau phải phun thuốc trừ sâu và thuốc dưỡng lá cho dây, trái mau lớn. Nếu thực hiện đúng qui trình kỹ thuật và phương pháp chăm sóc ấu sẽ ít bị hao hụt, năng suất trái đạt cao. Bình quân năng suất từ 10-10,5 tấn/ha. Nếu trúng lên đến cả 12-13 tấn, còn thất thì chỉ đạt 7-8 tấn/ha.

Người dân địa phương thường mua ấu sống đem về nấu chín bán cho bà con quanh vùng hoặc tiêu thụ ở các chợ xã, thị trấn, kiếm lời từ 50.000đ – 60.000đ/giạ ấu, cải thiện được cuộc sống kinh tế gia đình và giải quyết việc làm cho những lao động nghèo lúc nông nhàn ở địa phương. Vào mùa rộ có ghe lớn đến mua chở về TP.Hồ Chí Minh để tiêu thụ và chế biến xuất khẩu.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hà Nội có 124 cơ sở được cấp mã số vùng trồng với 794 ha

Mã số vùng trồng được cho là phương pháp quản lý tận gốc chất lượng nông sản, tuy nhiên câu chuyện thực hiện và giám sát nó hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.