Cam đỏ, hay còn gọi là "cam máu", ở huyện Tư Trung, thuộc thành phố Nội Giang phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, là một loại nông sản nổi tiếng ở Trung Quốc và trên thế giới. Sau nhiều thập kỷ quảng bá cam đỏ địa phương, huyện Tư Trung hiện đang tập trung vào việc nâng cao vị thế của mình trong chuỗi giá trị và áp dụng các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường hơn. Huyện đã đi đầu các sáng tạo canh tác, trong đó có kết hợp trồng cam đỏ với nuôi cá.
Đến tham quan khu thí điểm canh tác kết hợp, du khách có thể thấy những hồ nước hình tròn rộng lớn dưới chân đồi. Những hồ nước này nuôi nhiều loài cá khác nhau, như cá da trơn và cá rô phi, trong khi các sườn đồi được trồng những cây mang cam đỏ tươi.
Năm 2019, người dân làng Tư Trung bắt đầu nuôi cá trong các ao nhân tạo. Tuy nhiên, họ gặp phải nhiều thách thức liên quan đến ô nhiễm nước và chi phí cao trong việc xử lý ô nhiễm.
Sau khi Sở Nông nghiệp địa phương nắm được tình hình, các chuyên gia trong ngành đã đề nghị chuyển đổi những ngọn đồi nơi đặt các ao nhân tạo thành vườn cam đỏ. Giải pháp này cho phép sử dụng dư lượng nước được tạo ra trong quá trình nuôi cá, đảm bảo hiệu quả tài nguyên nước và đồng thời giảm chi phí trong hoạt động trồng trái cây hữu cơ.
Phân do cá thải ra được tách nước, tách protein và khử trùng. Các sản phẩm cuối cùng, sau khi lên men, được sử dụng làm phân bón hữu cơ cho cây cam đỏ, trong khi nước sạch sau xử lý được sử dụng để tưới cây hoặc tái sử dụng trong nuôi cá.
Một bể nuôi cá có hình phễu cho phép phân cá đọng lại ở đáy và dễ dàng được lấy ra để tiếp tục chế biến, Lai Vĩnh Huy, một kỹ sư nông nghiệp tại huyện Tư Trung, giải thích thêm rằng phân bón hữu cơ được tạo ra thông qua quá trình này được sử dụng để tăng hàm lượng hữu cơ của đất, điều này không chỉ tiết kiệm 2/3 lượng phân bón mà còn cải thiện chất lượng cam đỏ.
Trong khu vực thí điểm, cam đỏ đã được trồng trên diện tích khoảng 133,3ha, cùng với 44 ao cá. Sáng kiến này đã tạo ra cơ hội việc làm cho hơn 800 người dân và tạo ra giá trị sản lượng hàng năm lên tới hàng trăm triệu NDT.
Triển vọng đầy hứa hẹn của ngành công nghiệp cam đỏ của Tư Trung đã thúc đẩy Lý Đại Cương trở về quê nhà hồi năm 2017 để phát triển các sản phẩm mang tính biểu tượng của khu vực bằng kinh nghiệm kinh doanh của mình.
Theo ông Lý Đại Cương, để trái cam đỏ Tư Trung hiện diện trên thị trường cao cấp, cần phải cải thiện về tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, chiến lược tiếp thị và đạt được hiệu quả kinh tế trên quy mô lớn. Ông bày tỏ hy vọng rằng kinh nghiệm kinh doanh mà ông tích lũy được khi điều hành các công ty trước đây có thể sẽ giúp ích cho nền nông nghiệp ở quê nhà.
Sự tự tin của ông càng được củng cố khi chính quyền địa phương tích cực khuyến khích các doanh nghiệp phát triển ngành công nghiệp này..
Ông Lý Đại Cương đã thành lập một công ty tham gia vào việc trồng trọt, chế biến và tiếp thị cam đỏ. Công ty của ông tập trung đẩy mạnh trồng cây ăn quả đạt chuẩn chất lượng cao, đồng thời sản xuất các sản phẩm phái sinh như bia, rượu vang, mặt nạ và tinh dầu từ cam đỏ. Ngoài ra, công ty này cũng quảng bá trái cam đỏ thông qua cả kênh bán hàng truyền thống và cả trực tuyến.
"Trước đây, việc bóc một quả cam đỏ giống như mở một chiếc hộp bí ẩn, vì rất khó để dự đoán trước màu sắc bên trong của trái cam. Người nông dân thường phải dựa vào kinh nghiệm để phân loại cam", ông Lý Đại Cương nói, đồng thời giải thích về tầm quan trọng của một thiết bị thử nghiệm hàm lượng anthocyanidin do công ty của ông và các viện nghiên cứu cùng phát triển.
Thiết bị có thể kiểm tra hàm lượng anthocyanidin, thành phần cần thiết tạo ra màu đỏ như máu, cũng như hàm lượng dinh dưỡng của loại cam này. Nhờ có thiết bị này, doanh nghiệp của ông có thể kiểm tra 10.000kg cam đỏ chỉ trong một giờ mà không làm ảnh hưởng đến hình thức trái cam.
"Chỉ những trái cam đạt tiêu chuẩn cao nhất về kích thước, ngoại hình, hàm lượng đường và anthocyanidin mới có thể được dán nhãn là cam đỏ Tư Trung", ông Lý Đại Cương nói.
Theo cơ quan nông nghiệp huyện Tư Trung, huyện này hiện là cơ sở trồng cam đỏ lớn nhất ở Trung Quốc, với sản lượng đạt 400.000 tấn/năm và đem về 5,8 tỷ NDT (khoảng 808 triệu USD).