| Hotline: 0983.970.780

Trồng cây ăn trái, lãi gấp 2 - 3 lần trồng lúa

Thứ Hai 26/06/2023 , 15:50 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP Hàng trăm ha đất lúa kém hiệu quả ở Tam Nông (Đồng Tháp) đã được chuyển sang trồng cây ăn trái, ít cũng lãi gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa trước đây.

Hàng trăm ha lúa kém hiệu quả của huyện Tam Nông đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hàng trăm ha lúa kém hiệu quả của huyện Tam Nông đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã cải tạo vườn tạp và ruộng gò sản xuất lúa kém hiệu quả sang các loại cây ăn trái.

Năm 2017, anh Trương Văn Thống ở xã Phú Đức (huyện Tam Nông) đầu tư vốn cải tạo 20 công đất ruộng gò cát canh tác lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng xoài cát Hòa Lộc và xoài tượng da xanh.

Nhờ cần mẫn chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên đến nay, 2ha xoài của anh đã cho thu hoạch được 3 vụ. Mỗi vụ, anh Thống thu trên 1 tấn trái xoài cát Hòa Lộc, lãi từ 300 - 350 triệu đồng/vụ. Tính chung trong 3 vụ thu hoạch xoài, anh có tổng lợi nhuận gần 1 tỷ đồng. Hiện tại, vườn xoài của anh Thống đang phát triển tốt và cho trái đều, hứa hẹn một mùa vụ bội thu.

Khi được vận động vào Phú Đức Hội quán, anh Thống đã đồng thuận ngay. Anh vui vẻ chia sẻ: “Trước kia, khi chưa gia nhập vào Hội quán, khi sản xuất ra nông sản bán vô cùng bấp bênh, giá không cao. Từ khi vô Hội quán, giá bán sản phẩm luôn được ổn định, được giới thiệu bao tiêu đầu ra và hỗ trợ thêm nhiều kỹ thuật cho nhà vườn sản xuất sản phẩm chất lượng hơn”.

Trước đây, ông Nguyễn Chân Thành ở ấp K9 (xã Phú Đức) cũng trồng xoài. Do cao tuổi, chăm sóc xoài cực nhọc nên ông Thành chuyển sang trồng mít Thái được 3 năm nay. Nhờ nhẹ công chăm sóc, nhẹ vốn đầu tư nên vườn mít của ông Thành đã cho thu nhập tốt hơn một năm nay.

Ông Nguyễn Chân Thành cho biết, chuyển đổi sang trồng mít giúp gia đình có thu nhập gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa trước đây. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Chân Thành cho biết, chuyển đổi sang trồng mít giúp gia đình có thu nhập gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa trước đây. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

"Tôi thường xuyên xem đài, đọc Báo Nông nghiệp Việt Nam để tìm hiểu, học hỏi về kinh nghiệm và khoa học kỹ thuật mới để học hỏi làm theo. Qua đó, tôi nắm bắt được việc vô hội quán là điều kiện hết sức thuận lợi để được xem xét cấp mã vùng trồng, có mối liên kết tiêu thụ”, ông Thành phấn khởi nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Phú Đức cho biết: Đến nay, nông dân ở xã Phú Đức đã chuyển đổi được 57ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái gồm 25ha xoài, 25ha sầu riêng, 13ha mít… Diện tích cây ăn trái này nằm trọn trong Gò Lâm Vồ có bờ bao ngăn lũ vững chắc và bên trong bờ bao đã có hệ thống đường nước tưới và tiêu chống úng hoàn chỉnh. Riêng Phú Đức Hội quán đã bàn bạc và thống nhất tiếp tục cho xây dựng những công trình thiết yếu để phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dễ dàng.  

Hiện nay, nông dân toàn huyện Tam Nông đã đào rãnh, lên líp trồng 668ha vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như dừa, ổi, bưởi, xoài, sầu riêng, mãng cầu, chôm chôm các loại. Trong đó chủ yếu tập trung ở các xã Phú Hiệp, Phú Đức, Phú Ninh, Phú Thành B, Phú Thọ, Phú Cường, Hòa Bình và thị trấn Tràm Chim… Qua đó, đã giúp người dân tăng thu nhập gấp 2 - 5 lần so với trồng lúa truyền thống trước đây.

Ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông (thứ 5 từ phải sang) tham quan mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng xoài, mỗi năm đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông (thứ 5 từ phải sang) tham quan mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng xoài, mỗi năm đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết: Kết quả đạt được trong phát triển nông nghiệp của huyện cho thấy đã có sự tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong khu vực nông - lâm - thủy sản gắn với phát triển du lịch, đây là lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Bên cạnh đó, điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của huyện là đã có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Những năm gần đây, Tam Nông thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và nhận được sự đồng thuận cao của nông dân, nhất là trong việc cải tạo vườn tạp và đất ruộng gò sản xuất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây ăn trái và vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao.

Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được hình thành. Nông dân đã mạnh dạn chuyển hàng trăm ha lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như xoài, dừa, mít, sầu riêng và một số cây ăn trái khác...

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.