| Hotline: 0983.970.780

Vườn vải suýt bị chặt bỏ, nay được đặt mua từ lúc ra hoa

Thứ Sáu 23/06/2023 , 15:25 (GMT+7)

LÀO CAI Vườn vải được trồng từ những năm 80 của thế kỷ trước, có lúc bỏ lay lắt suýt bị chặt đi, nay được ông Thường cải tạo, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Vợ chồng ông Trần Hữu Thường và bà Trần Thị Mạn ở thôn Cốc Sâm, xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) là một trong những điển hình chuyển đổi diện tích cây trồng ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, kết hợp nuôi ong lấy mật. 

Đến thăm mô hình trang trại trồng cây ăn quả, nuôi ong lấy mật của ông Thường, chúng tôi cảm phục nghị lực và ý chí của nông dân chăm chỉ này. Bằng sức lao động của chính mình, vợ chồng ông Thường đã xây dựng lên mô hình kinh tế hiệu quả, cho doanh thu gần 500 triệu đồng mỗi năm.

Vườn vải của gia đình ông Trần Hữu Thường cho thu nhập đều đặn mỗi năm. Ảnh: T.N.

Vườn vải của gia đình ông Trần Hữu Thường cho thu nhập đều đặn mỗi năm. Ảnh: T.N.

Vượt qua quãng đường dài, chúng tôi đến đúng lúc gia đình ông đang tất bật thu hoạch vải để bán cho thương lái. Ông Thường cho biết, gia đình ông trồng cây vải trên đất đồi từ những năm 80 của thế kỷ trước, vì vậy có những gốc vải đã trên 40 năm tuổi. 

“Cây vải càng già thì cùi càng dày, hạt nhỏ, vị ngọt đậm đà hơn. Trước kia, do không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên quả vải mẫu mã xấu, hay bị sâu đầu, giá bán thấp. Khi đó, nhiều hộ trong thôn còn chặt bỏ, phá cả vườn, nhưng vợ tôi tiếc của, cố giữ lại. Sau này, tôi nghiên cứu kỹ thuật trồng và cắt tỉa cành cho vải thiều, rồi áp dụng khoa học kỹ thuật nên vườn vải giờ sai trĩu quả. Quả vải không bị sâu đầu và mẫu mã đẹp, được thương lái khắp nơi đặt hàng từ lúc còn ra hoa", ông Thường nói. 

Gia đình ông trồng 2 giống vải là vải thiều và vải lai Thanh Hà. Theo tính toán, mỗi cây vải cho khoảng 1,5 - 1,6 tạ quả. Với giá bán tại vườn 15 nghìn đồng/kg, vụ vải năm nay, với 60 cây vải, gia đình ông Thường thu về  6 - 7 tấn quả, trị giá khoảng 100 triệu đồng. 

Với 2ha đất vườn đồi, gia đình ông Thường đã cải tạo trồng các loại cây ăn quả, không chỉ có trồng vải mà còn trồng 60 cây nhãn, trong đó có khoảng một nửa là nhãn ghép, cùng 50 cây bưởi Đoan Hùng.

Nhận thấy nuôi ong phù hợp với đặc điểm của gia đình mình do có vườn cây ăn quả, ban đầu ông Thường đã nuôi thử vài đàn ong do chưa có kinh nghiệm, vừa nuôi vừa học hỏi để có kiến thức. 

Kết hợp trồng cây ăn quả và nuôi ong lấy mật đã mang lại thu nhập cao cho hộ gia đình ông Thường. Ảnh: T.N.

Kết hợp trồng cây ăn quả và nuôi ong lấy mật đã mang lại thu nhập cao cho hộ gia đình ông Thường. Ảnh: T.N.

“Lúc đầu nuôi ong còn luống cuống nhiều khi còn bị ong đốt sưng tấy cả chân tay. Đến nay, sau nhiều năm vừa học hỏi vừa nuôi, gia đình tôi đã có 100 thùng ong và có thể gây cầu ong để bán cho người dân xung quanh”, ông Thường chia sẻ.

Nuôi ong lấy mật không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỉ mỉ và dày công chăm sóc. Hơn nữa, người nuôi cần phải am hiểu về đặc tính của ong như xây tổ, chia đàn, am hiểu về các loài hoa, mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật, biết cách luân chuyển đàn ong, tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào. Bình quân mỗi năm, gia đình ông xuất bán gần 1 nghìn lít mật ong.

Với ý chí, nghị lực và khát vọng làm giàu, vợ chồng ông Thường đã biến đất đồi khô cằn ban đầu thành vườn cây ăn quả xanh tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, mỗi năm vườn cây ăn quả kết hợp với nuôi ong cho gia đình ông doanh thu gần 500 triệu đồng.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bằng những kinh nghiệm có được trong quá trình trồng cây ăn quả và nuôi ong lấy mật, ông Trần Hữu Thường luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ về kỹ thuật, cây giống… để bà con trong xã có điều kiện phát triển kinh tế. 

Ông Hoàng Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Phong Niên cho biết, ông Trần Hữu Thường từ một hộ khó khăn, nay đã vươn lên làm giàu, là tấm gương cần cù, chịu khó, ham học học hỏi khoa học kỹ thuật, thường xuyên giúp đỡ những hộ gia đình khác về kinh nghiệm sản xuất.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.