| Hotline: 0983.970.780

Trồng cây gai xanh: Người thêm giàu, đất thêm màu

Thứ Năm 11/11/2021 , 10:26 (GMT+7)

THANH HÓA Cây gai xanh không chỉ giúp nông dân ở Cẩm Thủy tăng đáng kể thu nhập mà còn cải tạo, làm đất đai trở nên màu mỡ sau mỗi vụ thu hoạch.

Nông dân ở xã Cẩm Tú, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đang làm ăn khấm khá lên nhờ cây gai xanh, đầu ra cung cấp ổn định cho Nhà máy sản xuất sợi gai An Phước - Viramie. Ảnh: Tùng Đinh.

Nông dân ở xã Cẩm Tú, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đang làm ăn khấm khá lên nhờ cây gai xanh, đầu ra cung cấp ổn định cho Nhà máy sản xuất sợi gai An Phước - Viramie. Ảnh: Tùng Đinh.

Người dân xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đánh giá cây gai xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với các cây trồng truyền thống trước đây tại địa phương như mía, sắn.

Ngoài việc dễ canh tác, các phụ phẩm từ cây gai xanh như thân, lá được bón lại ruộng trở thành lượng phân hữu cơ dồi dào dinh dưỡng, giúp cải tạo, đưa những vùng đất xấu trở nên màu mỡ.

Thu nhập như trong mơ

Sở hữu 19 ha trồng cây gai xanh, bà Phạm Thị Thanh, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa là một trong những đối tác cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Sản xuất sợi gai An Phước - Viramie - nhà máy đầu tiên tại Việt Nam sản xuất sợi từ cây gai xanh.

"Tôi không ngờ trồng gai xanh có thể đem lại thu nhập tốt như thế. Cứ như trong mơ vậy", bà Thanh nói khi đang kiểm tra công đoạn thu hoạch gai trên đồi.

Trước đây, gia đình bà trồng mía, sắn cung cấp cho các nhà máy chế biến ở khu vực lân cận nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2018, gia đình chuyển sang trồng cây gai xanh, đến nay đã đem lại thu nhập cao và ổn định.

"Năm 2018 tôi trồng 1 ha thử nghiệm, đến 2020 nâng lên 7,2 ha, đầu năm 2021 là 11 ha và hiện tại tổng diện tích gai xanh của nhà tôi và 19 ha", chủ nhân 19 ha gai xanh chia sẻ và cho biết thêm là toàn bộ diện tích đều do gia đình sở hữu chứ không phải đi thuê.

Bà Phạm Thị Thanh, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa sở hữu 19 ha trồng gai xanh. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Phạm Thị Thanh, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa sở hữu 19 ha trồng gai xanh. Ảnh: Tùng Đinh.

Chia sẻ về quá trình canh tác, bà Thanh nói: "Không phải làm đất, không phải làm cỏ, cây cứ thu xong lại mọc lên thôi. Quan trọng là phải biết cách thu hoạch, cách phơi, không để bị mốc, bị hỏng".

Riêng về thu nhập, bà Thanh cho biết khi đến thời điểm thu hoạch, mỗi ngày nếu 6 - 8 máy tuốt hoạt động thì có thể thu về 15 - 20 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí.

Tính trung bình theo năm, nữ nông dân này cho biết mỗi ha trồng gai xanh cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí.

Hiện nay, gia đình đang có 6 máy tuốt gai, mỗi máy có 5 người làm/ca, trong đó có 1 người đứng máy, 1 người phụ máy và 3 người cắt cây, chi phí nhân công vào khoảng 900.000 đồng/máy/ngày. “Giờ người ta còn tranh nhau đi làm cho tôi”, nữ nông dân Thanh Hóa chia sẻ thêm.

Phục hồi đất

Bên cạnh lợi ích kinh tế rõ rệt, cây gai xanh còn có tác dụng phục hồi đất rất lớn. Hiện nay, sau khi thu hoạch phần vỏ, thân cây và lá sẽ được băm nhỏ, rải đều lên diện tích trồng làm phân hữu cơ cho đất.

Do có hàm lượng protein tốt (lá gai được dùng làm bánh gai) nên thân và lá cây gai xanh nhanh chóng giúp đất trở nên tơi xốp, nhiều dưỡng chất.

Theo các nghiên cứu khoa học, hàm lượng chất hữu cơ trong lá cây gai xanh dao động từ 78,8 đến 82,4% theo vật chất khô, trong khi đó lượng chất hữu cơ trong thân cũng như trong rễ cây gai xanh cao hơn so với ở lá.

Ngoài ra, các nghiên cứu cũng xác định thêm hàm lượng protein của lá cây gai xanh dao động từ 21,85 đến 22,91%, trong khi đó, protein thô trong thân và rễ lần lượt là 8,2 - 11,26% và 5,84 - 9,01%.

Như vậy, có thể thấy, hàm lượng protein thô trong lá cây gai xanh là rất cao, điều này cho thấy lá cây gai xanh ngoài dùng làm phân hữu cơ có thể sử dụng làm nguồn thức ăn giàu protein cho vật nuôi rất tốt.

So với hàm lượng protein thô trong cỏ voi, cỏ tự nhiên, lá mít hay lá duối thì hàm lượng protein thô trong lá cây gai cao hơn rất nhiều.

Những lớp thân và lá cây của lần thu hoạch cũ trở thành nguồn phân hữu cơ dồi dào cho lứa gai xanh mới. Ảnh: Tùng Đinh.

Những lớp thân và lá cây của lần thu hoạch cũ trở thành nguồn phân hữu cơ dồi dào cho lứa gai xanh mới. Ảnh: Tùng Đinh.

Về hàm lượng béo thô, hàm lượng trong gai xanh ở nghiên cứu hiện tại dao động trong khoảng 4,4 - 6,05%. Trong các bộ phận của cây gai xanh, thân cây có hàm lượng béo thô cao nhất.

Đánh giá tổng thể, các bộ phận khác nhau của cây gai xanh có thành phần dinh dưỡng khác nhau. Trong đó, lá của cây gai xanh có hàm lượng protein thô và khoáng tổng số cao hơn thân và rễ, ngược lại, hàm lượng xơ thô cao ở thân hơn ở lá và rễ.

Ngoài làm phân hữu cơ cải tạo đất, kết quả phân tích thành phần hoá học của các bộ phận cây gai xanh AP1 cũng như bột thân lá gai xanh và thân lá gai xanh ủ chua cho thấy phù hợp để làm thức ăn cho gia súc nhai lại, ví dụ như bò.

Trồng 1 lần, thu 10 năm

Theo thông tin từ cán bộ kỹ thuật của Nhà máy Sản xuất sợi gai An Phước - Viramie, khi trồng cây gai xanh, thường vào khoảng 75 ngày thì cho thu hoạch, các lứa tiếp theo chỉ vào khoảng 45 - 55 ngày là có thể thu.

Chỉ với một lần mua giống, người trồng gai xanh có thể thu hoạch trong 10 năm. Sau mỗi vụ thu hoạch, từ gốc cây gai xanh lại mọc lên cây non và mật độ ngày càng lớn hơn.

Sau 10 năm, rễ của cây gai xanh có thể thu hoạch để làm dược liệu. Được biết, đây là một vị thuốc an thai rất tốt, được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền.

Xem thêm
Nuôi 6 vạn gà, mỗi ngày thu về 4 vạn quả trứng

Quảng Ninh Mỗi ngày trang trại gà của bà Phạm Thị Nguyệt Dung thu về 4 vạn quả trứng, cung ứng cho trên 70% các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, Nghệ An cẩn trọng đặc biệt

Nhận thấy diễn biến của dịch tả lợn Châu Phi hết sức khó lường, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị ứng phó trên diện rộng.

Giống ớt khổng lồ trồng tại Mộc Châu được thế giới săn đón

Sơn La Trái ớt lớn nhất có thể to bằng cổ tay, khối lượng lên tới 200 - 300g, gồm 4 màu đỏ, vàng, cam và chocolate.